Du lịch Hà Nam đứng trước nhiều vận hội lớn nhờ lợi thế “cửa ngõ Thủ đô”

“Lợi thế lớn nhất của Hà Nam để phát triển du lịch chính là vị trí “cửa ngõ Thủ đô”” – Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch Việt Nam đánh giá.

Sở hữu nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, độc đáo mang đậm màu sắc văn hóa đồng bằng Bắc bộ, du lịch Hà Nam gần đây đã có nhiều khởi sắc, song vẫn chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Việt Nam đã chia sẻ quan điểm về vấn đề này.

Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn

Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn

Là một chuyên gia đầu ngành về du lịch, xin ông chia sẻ một vài đánh giá về lợi thế, tiềm năng cũng như hạn chế của du lịch Hà Nam?

Là người nghiên cứu và theo dõi trong lĩnh vực du lịch, chúng tôi cho rằng lợi thế lớn nhất của Hà Nam để phát triển du lịch chính là vị trí. Trước đây, người ta nói Hà Tây là cửa ngõ Thủ đô, giờ đây khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội rồi thì Hà Nam chính là cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội. Do vậy, có thể thấy, Hà Nam chiếm lợi thế vô cùng quan trọng.

Thời gian qua, Hà Nam đã có bước phát triển nhất định, nhưng để xứng tầm là cửa ngõ Thủ đô xét về mặt kinh tế - xã hội, giao lưu văn hóa thì rõ ràng chưa, do vậy cần có sự thay đổi mang tính bước ngoặt.

Gần đây, Hà Nam đã bắt đầu có sự chuyển đổi, nhận ra những lợi thế để phát huy. Với du lịch, nếu phát huy được những lợi thế đó, cùng với việc khai thác hiệu quả tiềm năng đa dạng về tự nhiên, văn hóa, tâm linh thì chắc chắn Hà Nam sẽ trở thành điểm đến du lịch quan trọng của Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước trong thời gian tới.

Chùa Địa Tạng Phi Lai - Hà Nam

Chùa Địa Tạng Phi Lai - Hà Nam

Thời gian qua, Hà Nam đã thu hút một số doanh nghiệp lớn đến Hà Nam đầu tư phát triển kinh tế, du lịch. Gần đây nhất là Tập đoàn Sun Group đã có dự án lớn đầu tư tại Hà Nam, hứa hẹn tạo đòn bẩy cho du lịch thăng hoa. Ông đánh giá như thế nào về chiến lược thu hút đầu tư của Hà Nam?

Gần đây, Hà Nam có hướng đi khá đúng trong thu hút đầu tư và dần nhận ra lợi thế của mình là vị trí. Vai trò “cửa ngõ” của Hà Nam rất quan trọng, do vậy, Hà Nam cần quan tâm đến việc đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, sản phẩm, dịch vụ, khu vui chơi giải trí phục vụ cho lượng khách lớn đến từ Thủ đô và các địa phương khác trong cả nước cũng như du khách quốc tế.

Tôi cho rằng, dự án mới đây của Sun Group đầu tư tại Phủ Lý là một tầm nhìn sáng suốt từ cả phía chính quyền Hà Nam cũng như doanh nghiệp, có thể coi là bước đi chiến lược đón đầu được lợi thế vị trí đắc địa của Hà Nam. Nếu có tổ hợp vừa có thể tổ chức sự kiện, hội nghị hội thảo, mua sắm, vui chơi giải trí cùng nhiều hoạt động khác ở Phủ Lý, biến Phủ Lý thành một thành phố hiện đại nằm ngay cửa ngõ thủ đô Hà Nội sẽ mang lại hiệu quả lớn. Điều này không chỉ đóng góp cho sự phát triển của Hà Nam, mà còn đóng góp cho cả vùng Thủ đô, giải tỏa sức ép lên khu vực nội đô Hà Nội, khắc phục tình trạng quá tải, đồng thời đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu giải trí của người dân Thủ đô và người nước ngoài sinh sống tại Hà Nội vào dịp cuối tuần hoặc lễ Tết.

Doanh nghiệp rõ ràng có tầm nhìn lâu dài khi lựa chọn Phủ Lý là điểm đầu tư. Nếu tuân thủ tốt những nguyên tắc về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh theo nghĩa rộng thì các cơ sở vật chất, sản phẩm dịch vụ mà Sun Group đầu tư tại đây trở thành những sản phẩm rất hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu thiết yếu, thời thượng của khách du lịch cũng như của người dân Thủ đô và cả nước.

Dự án Sun Urban City do Sun Group đầu tư tại Hà Nam có mật độ xây dựng chỉ 18%, không gian cây xanh mặt nước lên đến 200ha cùng tổ hợp 5 đại công viên, hứa hẹn tạo động lực cho du lịch Hà Nam

Dự án Sun Urban City do Sun Group đầu tư tại Hà Nam có mật độ xây dựng chỉ 18%, không gian cây xanh mặt nước lên đến 200ha cùng tổ hợp 5 đại công viên, hứa hẹn tạo động lực cho du lịch Hà Nam

Nhiều chuyên gia cho rằng du lịch Hà Nam vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và vẫn còn một số hạn chế. Theo ông, Hà Nam trước mắt cần phải tháo gỡ những điểm mấu chốt gì để du lịch thực sự cất cánh?

Chúng tôi nghĩ là Hà Nam cần xây dựng Đề án tổng thể cho phát triển du lịch toàn tỉnh triển khai Quy hoạch tỉnh, để có thể tận dụng, phát huy thế mạnh và khắc phục những hạn chế, rào cản hiện tại.

Khi Hà Nam quan tâm thực sự đến phát triển du lịch và bắt đầu có sự vào cuộc của các tập đoàn lớn, thì cần có định hướng chiến lược phát triển tổng thể để xác định nhiệm vụ và vị thế của du lịch Hà Nam trong 10 năm - 20 năm - 30 năm tới như thế nào? Từ đó, Hà Nam sẽ xác định được rõ sản phẩm nào phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, phù hợp với từng thị trường mục tiêu. Hiện nay, phần nội dung du lịch trong quy hoạch tỉnh đề cập vẫn còn vắn tắt, khái quát, do đó, việc xây dựng một Đề án tổng thể phát triển du lịch của tỉnh để cụ thể hóa những mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng giải pháp phát triển về du lịch trong Quy hoạch tỉnh là rất cần thiết, tạo điều kiện thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch, sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Du khách ghé thăm Chùa Long Đọi Sơn

Du khách ghé thăm Chùa Long Đọi Sơn

Thứ hai là phải đầu tư hạ tầng kết nối với các khu, điểm du lịch nội tỉnh. Hiện nay, vấn đề này vẫn còn thiếu và yếu, khiến cho tiềm năng du lịch địa phương chưa được phát huy xứng tầm.

Thứ ba, cần đẩy mạnh đầu tư các sản phẩm dịch vụ dựa trên tiềm năng lợi thế đã đánh giá đầy đủ từ đề án tổng thể. Ví dụ có những điểm du lịch chỉ phù hợp với khách nội địa thì đừng đầu tư theo hướng thu hút khách quốc tế, và ngược lại. Chúng ta cần định hướng dựa trên tiềm năng để đầu tư các dịch vụ, sản phẩm phù hợp với các thị trường khách khác nhau.

Thứ tư là cần phải đẩy mạnh truyền thông xúc tiến quảng bá du lịch. Thời gian qua, đây có vẻ là khâu còn yếu của Hà Nam. Hình ảnh tổng thể về điểm đến của Hà Nam hiện nay vẫn chưa rõ, các hoạt động xúc tiến quảng bá điểm đến của Hà Nam chưa được triển khai nhiều ngay cả ở thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, Hà Nam cần quan tâm kết nối với các điểm đến của các tỉnh khác trong Vùng Thủ đô, kể cả với Hà Nội để tạo nên các chương trình du lịch nội vùng, liên vùng hấp dẫn. Thậm chí, Hà Nam có thể kết nối với Mỹ Đức của Hà Nội - một điểm đến có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, để xây dựng sản phẩm du lịch vừa mang đậm nét tự nhiên, vừa chứa đựng nhiều nét văn hoá đặc sắc thì sẽ hứa hẹn rất hấp dẫn.

Và điểm yếu nữa cũng cần phải khắc phục, đó là nhân lực. Với du lịch thì đòi hỏi tính chuyên nghiệp rất là cao. Vì vậy, Hà Nam muốn đầu tư phát triển du lịch rõ ràng là phải cần đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp, kể cả cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp và cộng đồng, người dân tham gia kinh doanh du lịch. Cần coi trọng đào tạo, bồi dưỡng cho những người dân tham gia kinh doanh du lịch cộng đồng kiến thức, kỹ năng về du lịch, về cách làm du lịch và đặc biệt là trong ứng xử với du khách.

Xin cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN