Du khách cần làm gì nếu gặp bão lũ, động đất trên hành trình?
Trong bối cảnh các thảm họa thiên nhiên như bão lũ, động đất ngày càng diễn biến khó lường, du khách cần thêm các phương án dự phòng thiên tai vào kế hoạch chuyến đi.
Theo ước tính của tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism), du lịch toàn cầu gần như sẽ phục hồi hoàn toàn trong năm 2024 sau cú sốc Covid-19, bất chấp các thảm họa khí hậu liên tiếp từ các vụ cháy rừng tàn phá Hy Lạp đến các cảnh báo về siêu động đất ở Nhật Bản.
Giờ đây gần như du lịch không còn mùa "thấp điểm". Ngày càng nhiều người đi du lịch vào mọi thời điểm trong năm dẫn đến chênh lệch khách theo mùa không nhiều và "đặc quyền" mùa thấp điểm không còn nữa.
Hậu quả của trận động đất ngày 4/4 tại Đài Loan (Trung Quốc). Ảnh: Annabelle Chih
Tuy nhiên, làn sóng du lịch này đang phải đối mặt với không ít thách thức, trong đó có những thảm họa thiên nhiên ngày càng khó dự đoán.
Jon Porter, nhà khí tượng học của công ty dự báo thời tiết AccuWeather cho biết: “Biến đổi khí hậu cùng với các mối đe dọa thời tiết đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Đừng chủ quan ngay cả khi thấy thời tiết đang hết sức thuận hòa”.
Theo các chuyên gia, Trái đất đang trong chuỗi 14 tháng liên tiếp lập kỷ lục về nhiệt độ cao. Nhiều đợt nắng nóng kéo dài kèm theo cháy rừng, hạn hán, bão lũ và lở đất liên tiếp xảy ra.
Lên "kịch bản" cho những điều bất thường
Nhiều người thường bắt đầu mỗi chuyến đi trong tâm thế "phó mặc số phận cho các vị thần". Nhưng đó không phải là cách hay.
Trên thực tế, có một số thao tác chuẩn bị đơn giản mà một du khách có thể làm để giúp bản thân chủ động hơn, ví dụ như tải sẵn các ứng dụng dự báo thời tiết hoặc cảnh báo thiên tai ở nơi bạn sắp đến.
Việc tìm hiểu kỹ về địa hình và thời tiết của điểm đến giúp du khách chủ động hơn nếu 'tai họa' xảy ra. Ảnh: Atlantic
Du khách có thể tham khảo Hệ thống điều phối và cảnh báo thảm họa toàn cầu, dự án chung giữa Liên Hợp Quốc và Ủy ban châu Âu, hiển thị cảnh báo thảm họa toàn cầu theo thời gian thực trong 4 ngày gần nhất.
Bên cạnh đó, những thói quen thường thấy trước mỗi chuyến đi cần được duy trì, như gửi hành trình cho gia đình hoặc bạn bè thân thiết, sao chép các tài liệu quan trọng như hộ chiếu ra nhiều bản khác nhau,...
Ngoài ra, việc tìm kiếm các tài khoản mạng xã hội của các tổ chức địa phương cung cấp cảnh báo khẩn cấp, mua bảo hiểm du lịch hay chuẩn bị điện thoại vệ tinh,... cũng là những việc làm hữu ích.
Mỗi du khách cần chuẩn bị thêm một bộ dụng cụ khẩn cấp trong hành lý cá nhân. Ảnh: Kit Pro
Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang (FEMA) của Mỹ khuyến cáo du khách cần chuẩn bị bộ dụng cụ khẩn cấp trong hành trang bao gồm thực phẩm không dễ hỏng, bộ sơ cứu, đèn pin, bộ sạc dự phòng,...
Nên làm gì khi gặp thảm họa?
Điều đầu tiên mà mọi du khách cần làm là đánh giá tình hình trước khi hành động. Nếu đang ở trong khách sạn, hãy giữ liên lạc với chính quyền địa phương vì đây là một trong những nguồn tin đáng tin cậy.
Du khách cần giữ liên lạc với chính quyền địa phương để được hỗ trợ. Ảnh: SCMP
"Điều quan trọng là phải lắng nghe các quan chức địa phương. Ngoài ra, cần cập nhật thông tin từ đài phát thanh, truyền hình, phương tiện truyền thông xã hội và các nguồn tin địa phương khác", Jaclyn Rothenberg, Giám đốc quan hệ công chúng của FEMA cho biết.
Nếu mọi thứ diễn ra quá nhanh và bạn đang ở ngoài khi thảm họa ập đến, hãy tìm những nơi tránh trú trên cao nếu phải đối mặt với lũ lụt hoặc sóng thần. Nếu là động đất, hãy tránh xa các tòa nhà.
Trong các vụ cháy rừng hoặc phun trào núi lửa, hãy tìm những vật dụng như khẩu trang có thể che miệng và mũi lại.
Nếu đường dây điện thoại bị hỏng và liên lạc bị cắt đứt sau khi bạn đã tìm thấy nơi an toàn, hãy sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để báo tin bạn vẫn ổn, giúp gia đình và bạn bè an tâm.
Hành lý là một trong những vật dụng quan trọng nhất khi du lịch, bởi nó chứa đựng nhiều đồ dùng cá nhân, quà lưu niệm, hay những món đồ có giá trị....
Nguồn: [Link nguồn]