Độc đáo những phiên chợ trời ở Tokyo
Lựa chọn một vài món hời, săn lùng đồ cổ quý giá và nếm thử nông sản hữu cơ tại các hội chợ phiên hoặc chợ trời ở Tokyo – thành phố đắt đỏ bậc nhất thế giới - đã trở thành những ấn tượng khó phai đối với khách du lịch nước ngoài khi tới Nhật Bản.
Các phiên chợ như thế được tổ chức vào mỗi dịp cuối tuần và nằm rải rác khắp Thủ đô Tokyo. Tới những phiên chợ này, khách du lịch có thể tìm thấy tất cả mọi thứ từ đồ nội thất và quần áo cũ cho đến đồ sưu tầm quý hiếm và ẩm thực thủ công.
David, một anh bạn người Mỹ từng đến Tokyo 2 lần nói với tôi rằng, những phiên chợ như thế mở ra một thế giới mới mà ở đó, bạn có thể tìm kiếm những món hời và cả những “kho báu”. Chẳng hạn, bạn có thể bắt gặp một bộ trà Nhật Bản tinh xảo chỉ với giá 1.000 Yên hoặc đồ trang sức cổ điển châu Âu... Nếu bạn thích mặc cả giá tốt, nên ghé những chợ này vào lúc sáng sớm hoặc cuối ngày.
Khu mua sắm Setagaya Boroichi.
Bởi lẽ, vào sáng sớm, người bán hàng thường muốn bán nhanh để “giải vía” lấy may. Còn vào buổi tối, họ cũng muốn bán nhanh hết hàng để nghỉ ngơi… Tờ TimeOut trong một bài viết nói về các hoạt động phong phú tại chợ trời ở Nhật Bản đã miêu tả: “Các khu chợ trời thật sự là cầu nối giúp mở rộng các hoạt động ngoài trời cho tất cả mọi người. Nó đem đến sự kết nối giữa con người với nhau khi mà Tokyo là nơi con người chỉ chú trọng vào công việc.
Bên cạnh đó, các khu chợ trời lớn còn là nơi dạy con người về bài học giảm thiểu sự lãng phí, dùng đồ vật một cách có ý nghĩa hơn. Với truyền thống lâu đời, đây thực sự xem như là nét đẹp văn hóa ở Nhật cần được bảo tồn và phát huy.
Không chỉ tiết kiệm mà còn kiếm được những món hàng độc lạ cho riêng bản thân mình. Hãy trả giá cho một món hàng đến khi bạn hài lòng”. Và đây là 12 phiên chợ trời được cho là thú vị nhất theo bình chọn của khách du lịch nước ngoài tới Nhật Bản năm 2019.
Chợ trời Akihabara
Mỗi cuối tuần, không gian dưới đường ray xe lửa gần lối ra của ga Akihabara sẽ biến thành một thiên đường otaku, với khoảng 40 gian hàng bán các mặt hàng liên quan đến những nhân vật trong phim hoạt hình hoặc truyện manga nổi tiếng của Nhật. Từ trang phục cosplay đến đồ chơi sưu tầm, tượng nhỏ và tất cả các loại vật phẩm kỳ lạ đều có giá cả hợp lý.
Chợ trên trường đua ngựa Oi
Với 250 đến 300 nhà cung cấp, bãi đậu xe trong trường đua ngựa Oi đã biến thành chợ trời lớn nhất ở Tokyo và được gọi là Tokyo City Keiba. Với nhiều lựa chọn hàng hóa và mức giá hấp dẫn, du khách thường phải mất ít nhất nửa ngày ở đây và chắc chắn sẽ không ra về tay không.
Hàng hoá ở phiên chợ gồm nhu yếu phẩm hằng ngày, đồ sưu tập quý hiếm, quần áo, phụ kiện, đồ thủ công, đồ trang trí nhà cửa, đồ chơi và thậm chí là đồ cổ. Và vì việc mua sắm có thể khá mệt mỏi, những “thợ săn mặc cả” nếu đói có thể khôi phục năng lượng của mình bằng các bữa ăn nhẹ và đồ ăn nhẹ từ xe tải thực phẩm tại chỗ.
Chợ lãng mạn Tokyo
Không gian phía trước tháp Shibuya mỗi tháng một lần sẽ “hoá thân” thành một khung cảnh đầy màu sắc với 50 gian hàng. Tại chợ lãng mạn Tokyo, du khách có thể tìm thấy nhiều loại mặt hàng từ đồ cổ quốc tế đến đồ cổ Nhật Bản, đồ thủ công, phụ kiện và thực phẩm hữu cơ cũng như hoa và cây. Các nhà cung cấp thay đổi hằng tháng, vì vậy mỗi lần đến lại là một trải nghiệm mới với du khách.
Chợ trời đền Nogi
Nếu muốn kết hợp tham quan với một chút mua sắm thì hãy nhớ vào chủ nhật thứ 4 của mỗi tháng, ghé thăm đền Nogi ở Akasaka. Khoảng 30 gian hàng được dựng dọc theo con đường trải dài từ cổng đến sảnh chính của đền với đủ mọi thể loại từ quần áo, đồ nội thất đến bộ đồ ăn. Đây là một trong những chợ trời lâu đời ở Tokyo, xuất hiện từ năm 1976.
Chợ đồ thô
Sự kiện hằng tháng này diễn ra trước cửa Đại học Liên hợp quốc (UNU), ở vị trí giữa khu vực Shibuya và Omotesando. Theo nguyên tắc tái sử dụng và không lãng phí, chợ giống như lễ hội tập trung vào thời trang đường phố và quần áo cổ điển. Các cửa hàng quần áo và cửa hàng đồ cũ từ các khu vực khác nhau của thành phố đến đây và làm cho khu chợ trở thành điểm dừng chân thuận tiện cho những người tìm kiếm quần áo độc đáo, không giống ai, giày cổ điển, phụ kiện và các trang phục hipster khác. Đáng chú ý là thường có các DJ và các nghệ sĩ địa phương tới đây biểu diễn, tạo một bức tranh sống động.
Chợ Mặt trời
Được tổ chức vào ngày thứ bảy và chủ nhật của tuần thứ 2 trong tháng, chợ Mặt trời luôn có hơn 100 nhà cung cấp đến từ khắp đất nước, mang tới các loại nông sản. Mỗi tháng, các tiểu thương sẽ tự chọn một loại trái cây hoặc rau theo mùa làm điểm nhấn của phiên chợ. Ngoài ra, các tiểu thương là nông dân còn tổ chức các hội thảo, các lớp dạy cách thu hoạch nông sản hoặc hướng dẫn con trẻ cách làm vườn…
Chợ đồ cổ Akasaka
Khác xa với các chợ trời khác, chợ đồ cổ Akasaka ở Ark Hills giống như một sự phiên bản cao cấp hơn của các hội chợ thủ công nhỏ ở Tokyo. Các gian hàng được thiết lập bên cạnh các đại lý đồ cổ tư nhân, các thương hiệu quần áo hợp thời trang, cho phép du khách cơ hội nâng cấp phong cách trước khi “đào xới” mọi thứ từ đồ nội thất đến đồ trang sức.
Chợ xanh Sumida
Một phiên chợ hằng tháng diễn ra trên quảng trường trước văn phòng phường Sumida tạo cơ hội cho những người thợ thủ công địa phương, chủ cửa hàng… khắp khu phố tham gia cùng nông dân để khoe về kỹ nghệ bán hàng của họ. Các sản phẩm được bày bán gồm: rau tươi và các sản phẩm lên men, đồ da và nến thủ công. Nếu du khách trọ hoặc sinh sống ở phường Sumida hoặc Taito, chỉ cần chi 3.000 Yên để mua đồ là có người ship hàng đến tận cửa.
Chợ đồ cổ Oedo
Là chợ ngoài trời lớn nhất và lâu đời nhất ở Nhật Bản, chợ đồ cổ Oedo là nơi rất tuyệt để chọn một số tác phẩm nghệ thuật, thủ công mỹ nghệ độc đáo hoặc các mặt hàng trang trí cổ điển. Hãy để mắt đến những kho báu thời Edo thực sự ẩn giấu giữa đống hàng hóa, bao gồm từ gốm sứ và quần áo. Du khách có thể ghé thăm chợ tại hai địa điểm khác nhau trong suốt tháng. Vào chủ nhật đầu tiên và thứ ba của tháng, chợ được tổ chức tại Diễn đàn quốc tế Tokyo và mỗi tháng một lần, dọc theo đường Keyaki-namiki của công viên Yoyogi.
Chợ trời Marunouchi
Vào một chủ nhật mỗi tháng, Diễn đàn quốc tế Tokyo tổ chức chợ trời này trên quảng trường tầng trệt của trung tâm, với khoảng 200 quầy hàng. Nếu du khách thấy thứ gì đó thích, nên nắm bắt ngay nó bởi rất có thể sản phẩm sẽ không được bán ở thị trường tiếp theo. Vì nằm giữa các ga Tokyo và Yurakucho, chợ trời Marunouchi thu hút rất đông khách hàng từ người trẻ đến người già.
Chợ nông dân của UNU
Chợ nông dân UNU là một trong những thị trường lâu đời nhất và có nhiều người tham dự nhất ở Tokyo. Diễn ra vào mỗi cuối tuần trước Đại học Liên hợp quốc, chợ luôn thu hút được đông đảo khách du lịch.
Khu mua sắm Setagaya Boroichi
Khoảng 700 quầy hàng được sắp xếp trên đường phố Setagaya Boroichi, tạo nên một khu chợ trời với 430 năm tuổi. Được tổ chức hai lần một năm: vào ngày 15-16 tháng 12 và 15-16 tháng 1, khu mua sắm này luôn thu hút hàng chục ngàn du khách và là một trong những điểm nổi bật của Setagaya. Khu vực chính của chợ nằm dọc theo Boroichi-dori, một con đường nằm ở Setagaya Daikan Yashiki, nơi cư trú của một vị quan tòa địa phương cũ.
Nguồn: [Link nguồn]
Tuy Nhật Bản đã ăn Tết theo Lịch Dương từ lâu, nhưng người dân nơi đây vẫn còn lưu giữ được nét văn hóa truyền thống...