Độc đáo lễ hội Cầu Ngư và tục thờ cá voi ở làng biển Cảnh Dương
Từ bao đời nay, cứ vào Rằm tháng Giêng hàng năm, người dân làng biển Cảnh Dương lại đồng lòng dốc sức tổ chức một lễ hội Cầu Ngư đặc sắc.
Độc đáo lễ hội Cầu Ngư
Lễ Cầu Ngư làng Cảnh Dương, xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, được tổ chức vào Rằm tháng Giêng hàng năm, là một lễ hội truyền thống mang đậm nét văn hoá đặc sắc và độc đáo riêng biệt của làng biển Cảnh Dương so với các làng biển khác trong cả nước.
Theo đó, lễ Cầu Ngư làng Cảnh Dương tại miếu Linh Ngư là nét sinh hoạt văn hoá cộng đồng mang tính tâm linh: Mọi người, mọi nhà tự giác đóng góp tinh thần và vật chất, tưởng nhớ ơn đức của cá Ông, cá Bà, mong cho trời yên biển lặng, mưa thuận gió hoà, tôm dày cá được, làng xã ấm no, yên vui, hạnh phúc. Bên cạnh đó, lễ hội Cầu Ngư còn cầu mùa, cầu phúc, cầu thiện, cầu an, cầu lành, cầu cho thiên nhiên thuận hoà, đất nước thanh bình, làng xã yên vui, nhà nhà hạnh phúc...
Lễ hội Cầu Ngư là một lễ hội truyền thống mang đậm nét văn hoá đặc sắc và độc đáo riêng biệt của làng biển Cảnh Dương.
Từ sáng sớm, không ai bảo ai, đông đảo ngư dân, chủ các tàu thuyền, các hợp tác xã lập theo từng đoàn, tề tựu về đền thờ Ngư Linh Miếu để dâng hương, dâng lễ vật cúng tế Thần ngư. Để bắt đầu lễ Cầu ngư, người dân Cảnh Dương sẽ làm lễ xin rước Đức Thần Hoàng tại Đình Thờ Tổ của làng. Sau đó sẽ rước kiệu Thần Hoàng từ Đình Thờ Tổ về Linh Ngư Miếu, nơi thờ hai bộ xương cá voi khổng lồ mà người dân gọi là Cá Ông và Cá Bà.
Linh Ngư Miếu sẽ là nơi diễn ra lễ Cầu Ngư với các phần nghi thức dâng hương; văn tế; lễ tất; hò chèo cạn. Ngư dân biểu diễn chèo cạn với những tiếng hát át cả tiếng gió, mặn mòi như muối biển khơi: "Làng ta mở hội cầu ngư/Mừng ngày lễ hội đêm rằm tháng Giêng"... Làn điệu chèo cạn Cảnh Dương xuất phát từ phong tục tôn thờ cá voi. Chèo cạn là buông neo, khua nước, đẩy thuyền một cách nhuần nhuyễn ở trên cạn. Gốc gác của hò chèo cạn thuật lại sự tích và ý niệm biết ơn đức ông, đức bà chiếu cố chọn làng chài Cảnh Dương để "lụy", để ngự. "Đức ông đức bà muôn thuở hiển linh/Đến năm Canh Tý thái bình/Đức bà tuổi thọ gặp dân rước về/Hiển linh hộ kẻ làm nghề/Có rày lướt được mọi bề ấm no/Năm Mậu Thân đức ông vô/Thành tâm phụng sự ngài cho dân tình/Nay mừng tứ tiết Mậu Thân/Trời sinh thánh thượng Duy Tân trị vì/Hà thanh hải yến bốn bề/Ngư ông thượng thọ trở về cõi tiên"...
Linh vật duy nhất để cúng tế, để cầu mong và tôn quý chính là cá voi. Vẻ đẹp trượng nghĩa cũng như ân đức ngày đêm chở che, nâng nỡ của cá ông, cá bà, cá cô, cá cậu được gói gọn súc tích trong văn tế thần ngư, được đọc trong phần tế chính – phần nghi lễ quan trọng nhất trong lễ Cầu Ngư. Một vị cao niên có uy tín nhất được làng cử ra để dâng hương và đọc văn tế. Bài văn tế thể hiện lòng biết ơn sự che chở, nâng đỡ của cá Ông và cá Bà với ngư dân trong những chuyến đi biển, cũng như lời khẩn cầu về một mùa biển yên bình, bội thu.
Sau nghi lễ này, 13 lão ngư trong làng được cử ra để thực hiện điệu hò chèo cạn. Trong đó, 6 người được xếp vai bạn thuyền chèo chiếc thuyền tượng trưng hướng ra khơi. Những người còn lại trong vai đội cờ dẫn thuyền.
Sau nghi lễ là các hoạt động phần hội như vui chơi, thể thao, văn nghệ. Các hoạt động vui chơi cộng đồng này đã thu hút được sự quan tâm và cổ vũ của nhân dân, tạo nên mối đoàn kết, gắn bó không chỉ giữa những người cùng nghề biển, mà còn với các thành phần nghề nghiệp khác trong vùng. Trong lễ hội Cầu Ngư, nếu phần lễ mang lại cho con người những phút giây thiêng liêng thì phần hội giúp họ cảm thấy thoải mái, trút bỏ những lo toan đời thường để hòa mình vào không khí vui tươi, hứng khởi. Sau lễ Cầu ngư, UBND xã Cảnh Dương đã phát động ra quân thi đua đánh bắt hải sản với quyết tâm vươn khơi bám biển, vừa tham gia sản xuất, khai thác hải sản phát triển kinh tế, giúp nhau cứu hộ, cứu nạn trên biển, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Miếu thờ Cá Ông, Cá Bà
Cũng giống như bao miền biển khác, người làm nghề đánh cá ở làng Cảnh Dương quanh năm đối mặt với sóng to gió lớn ngoài biển cả bao la. Và những lúc gặp nạn thường có một loài cá xuất hiện cứu giúp ngư dân thoát chết. Đó chính là cá voi, loài cá mà theo họ là có suy nghĩ, có tình cảm và đặc biệt là sự cảm nhận và tâm linh như con người. Chuyện kể rằng, có lần một tàu đánh cá của ngư dân Cảnh Dương hỏng máy, chới với giữa biển khơi, đúng lúc đó có một con cá voi xuất hiện và nâng thăng bằng con tàu lên bằng tấm lưng vạm vỡ của nó cho các thuyền viên kịp thời khắc phục hỏng hóc.
Các cao niên làm lễ Cầu ngư trong Linh Ngư Miếu.
Chuyến tàu đó cuối cùng đã bình an vô sự... Những câu chuyện kể và lời tương truyền tương tự như thế về loài cá voi ở các làng biển nhiều vô kể, từ đó khẳng định niềm tin mạnh mẽ của người làm nghề chài lưới gửi gắm vào thần cá voi. Ngoài tấm lòng đối đãi cung kính, ngư dân Cảnh Dương còn tôn sùng gọi cá voi đực là đức ông, cá voi cái là đức bà. Họ lập miếu thờ cá voi - Ngư linh miếu, dành riêng cho cá voi một khu nghĩa địa, tổ chức lễ hội cầu ngư hằng năm và sáng tác cả những làn điệu chèo cạn (hò đức ông, đức bà) mà người dân Cảnh Dương lớn nhỏ ai cũng thuộc lòng.
Các đời nối tiếp nhau, ngư dân tôn kính thờ phụng hai bộ xương cá voi có kích thước vào hàng lớn nhất Việt Nam (26m), được gọi là Đức Ông, Đức Bà. Ngư linh miếu được người Cảnh Dương xây dựng để thời hai bộ xương này nằm ngay sát bờ biển. Được cắt cử trông coi miếu từ nhiều năm nay, ông Hồ Quang Hường, Phó Chủ tịch hội Nông dân xã Cảnh Dương cho biết, cứ vào ngày rằm, mồng một hàng tháng, ông lại đến quét dọn và khói hương cho Đức Ông, Đức Bà.
Bên trong ngôi miếu là hai bộ xương cá voi kích thước lớn, đặt trên sạp gỗ ở hai bên, chính giữa là các bát hương thờ Đức Ông, Đức Bà. Nổi bật hơn cả là bốn thanh xương hình cánh cung, đặt dựng vào tường, cao gần chạm nóc miếu, chừng 5m đó là xương hàm của Cá Ông, Cá Bà. Xếp tiếp theo là rất nhiều xương sườn, cùng xương đốt sống, xương ống, xương hình cánh quạt... Theo một cao niên tại làng Cảnh Dương lý giải, do người dân không có điều kiện xây ngôi miếu to, không hiểu biết về cấu tạo cá voi nên hai bộ xương đành xếp nằm lẫn lộn lên nhau. "Do khí hậu vùng biển khắc nghiệt, không tránh khỏi mưa bão của vùng biển nên nhiều phần xương đến nay đã có biểu hiện hư hỏng, mủn nát", ông Hường giải thích thêm với chất giọng tiếc nuối.
Cho đến nay, người dân bao thế hệ ở xã Cảnh Dương đều không thể biết chính xác tuổi đời của hai bộ xương cá voi trong Ngư linh miếu. Nhưng theo gia phả họ Trương của làng, cá bà luỵ vào vùng biển này năm Kỷ Tỵ, đời Gia Long thứ 9, tức 1809; còn cá ông vào sau gần 100 năm, năm Đinh Mùi, đời Duy Tân thứ 16, tức 1907.
Đối với người dân Cảnh Dương, mỗi khi gặp cá voi bị mắc cạn thì đó là một điềm lành báo hiệu mùa ra khơi an hòa, cá tôm đầy thuyền. Những lúc như vậy, toàn thể dân làng hồ hởi giúp nhau đưa "cá thiêng" trở về với biển cả. Thế nhưng khi gặp cá voi chết, xác tấp vào bờ lại vô cùng thương xót. Cả vùng biển như gặp đại tang. Dân làng thành kính tổ chức hậu táng rồi đưa về chôn cất ở nghĩa trang cá voi của làng.
Ông Đồng Vinh Quang, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương cho biết, từ bao đời nay, cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, người dân Cảnh Dương dù khó khăn, bận rộn đến bao nhiêu, vẫn đoàn kết, đồng lòng góp sức cùng nhau tổ chức nhiều hoạt động văn hóa có ý nghĩa. "Cùng với những lễ hội văn hóa dân gian vào dịp Tết Nguyên đán, thì lễ hội Cầu Ngư tại Ngư Linh Miếu luôn thu hút sự quan tâm tham gia của số đông nhân dân, con em xa quê, chủ tàu thuyền tại địa phương, tạo nên một nét sinh hoạt văn hóa riêng, vô cùng đặc sắc của địa phương".
Nguồn: [Link nguồn]
Các địa điểm như chùa Hương, lễ đền bà chúa Kho, chùa Yên Tử hay chùa Bái Đính… đều là những điểm đến du xuân...