Điểm đến cho ngày Giỗ Tổ: 4 đền thờ Vua Hùng lớn nhất tại TP.HCM
Ngày chính giỗ tổ tại đây sẽ diễn ra lễ hội với các nghi thức dâng hương thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các Vua Hùng đã có công dựng nước.
Trải qua hơn 300 năm hình thành và phát triển, đã có hơn 11 đền thờ Vua Hùng đã được người dân xây dựng rải rác tại nhiều quận, huyện ở TP.HCM và có thể kể tên một số đền thờ như: Đền Hùng Vương tại 261/3, đường Cô Giang (quận Phú Nhuận), đền thờ Hùng Vương ở 166/3 đường Đoàn Văn Bơ (quận 4), đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương tại số 22/93 đường Trần Bình Trọng (quận 5), đền thờ Vua Hùng ở Thảo cầm viên Sài Gòn (quận 1)...
Nét đặc trưng của các Đền thờ Vua Hùng ở TP. HCM chính là được xây dựng ở các công viên công cộng hay các khu du lịch có khuôn viên rộng, rợp bóng cây xanh, có nhiều dịch vụ giải trí thu hút nhiều người đến vui chơi.
Hãy cùng khám phá 4 đền thờ Vua Hùng lớn nhất tại TP.HCM
Đền thờ Vua Hùng trong Thảo Cầm Viên
Địa chỉ: - số 2B đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, Quận 1
Đền thờ Hùng Vương có lối kiến trúc gần giống như các đền ở Huế, với bộ mái chồng diêm, thêm một hàng hiên phía trước, tạo thành ba tầng mái cong. Các họa tiết trang trí có hình rồng và phượng theo thể cung đình.
Các bậc đá lên xuống các cửa, hai bên đều có đôi rồng chầu. Trong đền, trên các bao lơn xung quanh, có chạm khắc các hình: hạc, lân, qui, phượng, tô đắp tinh xảo và sơn màu đỏ như son.
Các lỗ thông gió xung quanh cũng được chạm khắc. Đền được chống đỡ bằng 12 cây gỗ mật màu đen bóng, đường kính khoảng 50 phân, tượng trưng cho thập nhị chi: tý, sửu, dần, mẹo... Tất cả đều theo phong cách nghệ thuật thời nhà Nguyễn, tổng thể tòa nhà phảng phất Minh lâu ở Hiếu lăng.
Ở trung tâm chánh điện đặt ngai thờ vua Hùng. Ngoài ra, nơi đây còn có bài vị thờ tổ tiên, bách tính, lương thần và danh tướng.
Trước bàn thờ có bộ vũ khí bát bửu, chiêng trống. Xung quanh đền có các hộp hình, tranh ảnh giới thiệu khái quát thời đại nguyên thủy và thời đại các vua Hùng về nhiều mặt, như: trồng trọt, săn bắn, đánh cá và các nghề như: đúc đồng, dệt vải, sản xuất gốm, chế tạo các loại vũ khí...
Mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, nơi đây đều có tổ chức lễ giỗ trọng thể, để ghi nhớ công ơn dựng nước Việt của các vua Hùng. Lễ gồm 2 phần: lễ dâng hương và lễ hội.
Ðền chỉ đóng cửa ngày thứ hai, các ngày còn lại trong tuần đều mở cửa.
Đền vua Hùng tại công viên Tao Đàn
Địa chỉ: 55C Nguyễn Thị Minh Khai, P.Bến Thành, Quận 1, TP.HCM
Công trình có tên đầy đủ là Đền tưởng niệm các vua Hùng, được xây dựng trong công viên Tao Đàn - khu công viên có tuổi đời hơn 1 thế kỷ của Sài Gòn - vào năm 1992 và được trùng tu vào cuối năm 2011.
Ngôi đền được xây dựng theo kiến trúc truyền thống kết hợp với một số yếu tố hiện đại, nằm trong một khoảng không gian tràn ngập bóng mát cây xanh.
Cổng đền xây dựng theo lối tam quan của đền chùa Việt. Chính điện của đền gồm có 3 gian: gian giữa là nơi thờ Quốc Tổ Hùng Vương, gian bên trái thờ Mẫu Âu Cơ, gian bên phải thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong sân đền có một phiên bản cột đá Thề dựa trên nguyên mẫu ở đền Hùng Phú Thọ.
Đền tưởng niệm các vua Hùng tại Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc
Địa chỉ: Đường 16, Long Bình, Quận 9, TP.Thủ Đức
Công viên Lịch sử - văn hóa dân tộc tọa lạc tại phường Long Bình, quận 9, TP.HCM và một phần thuộc thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương có đền thờ các Vua Hùng với kiến trúc hoành tráng, độc đáo, đẹp mắt. Đây cũng là nơi diễn ra các nghi lễ của TP.HCM vào ngày giỗ Quốc Tổ hàng năm.
Ngôi đền rộng hàng ngàn mét vuông được xây dựng trên một quả đồi, bao gồm đền tưởng niệm các vua Hùng hoành tráng, với biểu tượng “Chim Lạc vươn cánh bay về phương Bắc” thấm đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Chính giữa lầu 1 là mái đình được xây dựng uy nghi, bên trong là phiên bản trống đồng Hoàng Hạ (có niên đại từ 2.000 đến 2.500 năm). Bàn thờ Quốc tổ Hùng Vương được đặt chính giữa, bên cạnh đó là bàn thờ các đời Vua Hùng, lạc dân, lạc tướng…
Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương tại công viên Suối Tiên
Địa chỉ: 120 Xa lộ Hà Nội, P.Tân Phú, TP. Thủ Đức
Đền có tổng diện tích khuôn viên đền là 1.678 m2. Đền cao 18 m với dáng vẻ nguy nga, hoành tráng mang hồn thiêng sông núi, càng khẳng định sự trường tồn, nền tảng vững chắc.
Đền được chạm trổ công phu với những hoa văn, họa tiết điêu khắc cổ Việt Nam - hoa văn trên trống đồng Đông Sơn có từ thời các vua Hùng. Hai bên cổng đền là hai văn bia ghi lại công đức dựng nước và giữ nước của các vị vua Hùng. Tiến vào đền đi lên chín bậc cấp, “tượng vua Hùng được đặt trên ngôi cao 9 bệ”. Lối vào đền được bố trí 18 chiếc trống đồng tượng trưng cho 18 đời vua Hùng và hai hàng chim Lạc hướng về phía đền.
Tượng vua Hùng được dát vàng cao 9m4 với thần thái uy nghi, lẫm liệt, nhân từ, cương nghị và phúc hậu. Tượng được đặt trên ngôi cao chín bậc, mặt hướng về phía Bắc nơi nguồn gốc dân tộc. Bên cạnh tượng là mô hình bánh Chưng, bánh Dày biểu tượng Âm Dương, trời thì tròn, đất thì vuông, tượng trưng cho tấm lòng nhớ ơn tổ tiên.
Phía sau tượng là án thờ chính, nơi đây thờ 18kg đất, 18lít nước, 3 cây cọ, 3 cây chò và một bát nhang được thỉnh từ đất tổ Phú Thọ đem về, để đồng bào phương Nam dù chưa có dịp hành hương về đất Tổ cũng được chiêm ngưỡng lễ bái tại đây.
Từ TP HCM đi đảo Bình Hưng của bạn Mai Thy hết khoảng 2 triệu (bao gồm vé xe + tour, homestay, chơi và ăn hải sải thoải mái.
Nguồn: [Link nguồn]