Địa danh Sài Gòn xuất hiện từ bao giờ?
Hơn 300 năm hình thành và phát triển, Sài Gòn vẫn còn nhiều điều chưa được khám phá.
Đáp án câu 1:
Câu trả lời đúng là đáp án B: Nói về tên gọi Sài Gòn thì lâu nay vô số người tò mò. Theo tác giả tập sách Tạp ghi Việt Sử Địa (tập 3, NXB Trẻ) Nguyễn Đình Đầu thì: “Tên Sài Gòn xuất hiện rất sớm, có lẽ ngay từ buổi đầu khi lưu dân Việt Nam tới khẩn hoang vùng đất này từ cuối thế kỷ 16 hay đầu thế kỷ 17". Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu cho biết thêm: "Hiện mới nhận diện được hai chữ Hán Nôm Sài Gòn, mà Lê Quý Đôn đã ghi trong Phủ biên tạp lục viết năm 1776, kể lại biến cố: Tháng 4 (1672), Nguyễn Dương Lâm chia quân làm hai đạo nhân đánh úp lũy Gò Bích, chặt đứt bè nổi và xích sắt, tiến thẳng vào thành Nam Vang. Nặc Đài chết, Nặc Thu ra hàng. Tháng 7 rút quân về lập Nặc Thu làm chính quốc vương đóng ở Cao Miên, Nặc Nộn làm Thứ trưởng Quốc vương đóng ở Sài Gòn, hàng năm triều cống" (Lê Qúy Đôn toàn tập, trang 62). "Như vậy, hai chữ Hán Nôm Sài Gòn đã xuất hiện từ 1776 để nói lên cái tên Sài Gòn của một địa phương đã có ít nhất từ năm 1776 đến nay, không hề thay đổi, vẫn giữ nguyên một dạng mãi mãi”, ông Đầu khẳng định. Năm 1674, Sài Gòn là tên thành lũy ở vùng Chợ Lớn ngày nay. Cuối thế kỷ 19, Sài Gòn được coi như một thành phố. Năm 1863, chính quyền lập thành phố Sài Gòn và hạt Sài Gòn; năm 1889 đổi hạt Sài Gòn thành tỉnh Gia Định. Năm 1910, thành phố Sài Gòn rộng hơn 11 km2. Từ đầu thế kỷ 20, người Pháp đã nỗ lực tìm hiểu nguồn gốc của địa danh Sài Gòn - thành phố mà họ muốn biến thành Hòn Ngọc Viễn Đông. Nhưng cái tên dung dị, thân quen ấy kể cả người Việt cũng đều không rõ nghĩa. Sau hơn 300 năm hình thành, phát triển, nhiều thế hệ học giả vẫn chưa thống nhất về nguồn gốc tên gọi này. Trong rất nhiều công trình nghiên cứu, Sài Gòn có năm cách lý giải, bao gồm: Thầy Gòn; Đê Ngạn, Đề Ngạn, Tây Cống; Củi Gòn, Cây Gòn, Prey Kor, Cai Ngon; Glainagara; Prey Nokor hay Brai Nagara. Căn cứ vào từ "Sài" nghĩa "củi" và "Gòn" tức "cây bông gòn", quyển Ðại Nam Quốc Âm Tự Vị của ông Huỳnh Tịnh Của cho rằng nghĩa của Sài Gòn là "củi gòn". Còn theo nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển, khi người Hoa rời Cù lao Phố (Biên Hòa) vào năm 1773, đã tụ về vùng đất mới Chợ Lớn ngày nay. Họ nhận ra đây là nơi ăn nên làm ra cần được củng cố cho thật bền vững. Người Hoa cho đắp thêm bờ kinh cao ráo và kiên cố hơn, và gọi vùng đất này là "Tai-Ngon" hay "Tin-Gan" mà theo Hán Việt là Đề Ngạn. Đề Ngạn phát âm theo giọng Quảng Đông nghe ra là "Thầy Ngồn" hay "Thì Ngòn". Và đó chính là âm để gọi vùng đất Chợ Lớn thời ấy. Theo thuyết này của cụ Vương thì âm "Sài Gòn" là từ "Thầy Ngồn", "Thì Ngòn" mà ra.
Nguồn: [Link nguồn]Nguồn: [Link nguồn]
Không chỉ có lối đi giữa biển ấn tượng, nơi đầy còn có vô vàn điều thú vị khác đang chờ bạn khám phá.