Đi qua những ngôi làng cổ

Mỗi góc làng, mỗi con đường, mỗi nếp nhà… đều mang lại sự cảm nhận đặc biệt cho du khách khi đến với mỗi ngôi làng ở Việt Nam. Và vì thế, du lịch làng quê đang là điểm đến hấp dẫn...

Làng cổ Đường Lâm

Đi qua những ngôi làng cổ - 1

Làng cổ Đường Lâm. Ảnh: Internet

Làng cổ ở xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) không xa lạ gì với người dân các vùng lân cận bởi nó chỉ cách Hà Nội có 45km, thích hợp cho các chuyến dã ngoại trong ngày tìm lại cảnh quê êm đềm. Vì thế, khỏi cần phải nhắc tới lịch sử làng và 2 vị vua hiển hách là Phùng Hưng, Ngô Quyền.

Điểm mà tôi chắc rằng ít du khách biết được khi chỉ dạo loanh quanh trên những con đường làng, ấy là sự liên kết tới không ngờ, không gì ngăn cách ở những ngôi nhà trong làng. 

Tôi từng đi lang thang trong những con ngõ hun hút, áp tay vào những bức tường đá ong rêu phong để rồi bất ngờ phát hiện giữa những bức tường từ nhà nọ sang nhà kia thường có một cái cửa thông nhau. 

Bà Nguyễn Thị Oanh, người làng Đông Sàng kể rằng, sống ở quê, mối quan hệ anh em họ hàng có khi lan cả làng. Vì thế, các nhà gần nhau thường có cửa thông sang nhau để mỗi khi cỗ bàn hiếu hỉ, hay đôi khi chỉ là việc nhà, cần mượn nhau chái bếp, vạt sân là cửa sẵn sàng mở. Thậm chí, nếu cỗ to, làm vài mươi mâm, nhà liền vách sẵn sàng đập ngay cả tường, nhường luôn cả sân vườn cho nhà đám.

Xe trâu ở Bát Tràng

Đi qua những ngôi làng cổ - 2

Du lịch bằng xe trâu ở làng Bát Tràng

Nếu có gì quê kiểng một cách hiện đại thì đó chính là xe trâu của làng Bát Tràng. Xuôi thuyền sông Hồng chừng 1 giờ đồng hồ, du khách hẳn sẽ thích thú khi được những “ông trâu” đen bóng đón ngay ở bến để đưa vào làng tham quan. 

Hình ảnh con con trâu đã gắn liền với đồng bằng Bắc Bộ. Chiếc xe trâu được thiết kế khá hiện đại, chỗ ngồi thoải mái, du khách có thể ngắm làng cổ từ những con đường nhỏ vòng vèo bờ sông cho tới chợ gốm Bát Tràng với hàng trăm gian hàng sầm uất.

Câu chuyện của những biệt thự quê

Đi qua những ngôi làng cổ - 3

Khung cảnh làng Nha Xá. Ảnh: Internet

Không phải bây giờ, khi đời sống dân quê khá lên, người ta đổ tiền về quê xây biệt thự, mà ngay từ những năm 1930-1940, ở làng Nha Xá (Duy Tiên, Hà Nam) đã xuất hiện những ngôi biệt thự làng. 

Ông Phạm Khắc Tiệp, người thừa kế ngôi biệt thự có tuổi đời 84 năm của cụ Phạm Ngọc Phả cho biết. Những năm 1930, dân làng Nha Xá khá giàu có nhờ sản xuất và buôn bán vải lụa với thương lái Sài Gòn - Chợ Lớn và xuất khẩu đi nước ngoài. Nhờ đó, làng nhanh chóng trở nên khang trang, cả làng có khoảng 30 ngôi biệt thự kiểu Pháp được xây dựng tại thời điểm đó

Đi qua những ngôi làng cổ - 4

Biệt thự cổ ở làng Nha Xá. Ảnh: Internet

.Tiếng là biệt thự kiểu Pháp nhưng các nét trang trí vẫn rất Á Đông. Tuy nhiên, vật liệu xây dựng thời đó đã rất hiện đại gồm thép cây, thép dầm, xi măng đặt mua từ Pháp về được vận chuyển theo sông Hồng tới làng. Biệt thự như của gia đình ông Tiệp, chi phí xây dựng hết 2.000 đồng bạc Đông Dương. Khối kiến trúc biệt thự này đã thu hút khá nhiều du khách và các sinh viên mỹ thuật nghiên cứu về sự phát triển kiến trúc làng xưa.

Vẻ đẹp của làng cổ Long Tuyền

Đi qua những ngôi làng cổ - 5

Đình cổ Bình Thủy. Ảnh:wikipedia

Làng cổ Long Tuyền nằm ở phía Tây Nam sông Cần Thơ, nay gồm các phường Bình Thủy, An Thới cùng 2 xã Long Tuyền, Long Hòa thuộc TP.Cần Thơ. 

Dấu ấn đặc biệt của làng cổ Long Tuyền là đình Bình Thủy được dựng từ năm 1844 có quy mô diện tích vào loại lớn (trên 4.000m2). Ẩn dưới mái đình này không chỉ là lịch sử truyền thống cội nguồn của một làng cổ Nam Bộ mà còn là nơi gìn giữ những giá trị tinh hoa của văn hóa, văn minh sông nước miệt vườn Cần Thơ. 

Hằng năm, vào dịp lễ Kỳ Yên (thượng điền: 12, 13, 14 tháng 4 âm lịch; hạ điền: 14, 15 tháng Chạp) đều có lễ rước sắc thần; không khí náo nhiệt vui tươi của hội làng với nhiều trò chơi dân gian, hát bội, hát tiều. Ðây là một lễ hội văn hóa thu hút hàng nghìn dân chúng khắp nơi, mang đậm tính chất nền văn minh lúa nước (cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, gia đạo an khang).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phong Lê - Quang Luyến (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN