Đến Tây Nguyên đại ngàn ngắm những chú voi dễ mến
Chọn Đắk Lắk và Đắk Nông làm điểm dừng chân, chuyến đi đã mang đến cho Việt Long cảm giác thích thú, biết thêm nhiều điều mới mẻ và nhất là được tận mắt ngắm, chạm vào các chú voi dễ mến.
Chàng trai Hà thành có sở thích khám phá và trải nghiệm những điều dù là nhỏ nhất ở những nơi đi qua. Đặc biệt là tìm hiểu văn hoá, phong tục, tôn giáo tín ngưỡng của con người vùng đất đó.
Chọn Đắk Lắk và Đắk Nông là hai điểm dừng chân, Lê Việt Long nói với Tạp chí Du lịch TP.HCM: "Do ở đây mang tính đặc trưng, biểu tượng nhất của mảnh đất Tây Nguyên đại ngàn. Một điều đặc biệt là khi đến Đắk Lắk mình sẽ được ngắm voi".
Sau chuyến đi 5 ngày 4 đêm, chàng trai sinh năm 1997 cảm giác rất thích thú với chuyến đi này. Chuyến đi mang đến cho cậu nhiều điều mới mẻ, khác xa với suy nghĩ về mảnh đất Tây Nguyên cằn cỗi, nắng nóng.
"Đồ ăn ở đây khá rẻ, con người mang đầy sự phóng khoáng, nhiệt tình và rất mến khách du lịch", Việt Long cảm nhận.
Với Long, đích đến của một chuyến đi không phải là một vùng đất mới, mà là một cái nhìn mới. Tây Nguyên có lẽ không còn quá xa lạ với những người đam mê xê dịch, nhưng đến đây với tâm thế trải nghiệm và khám phá thì chắc ít ai nghĩ đến.
"Trước, trong và sau chuyến đi, có nhiều người nói với mình: 'Ủa, đi Tây Nguyên làm gì, có gì mà đi', 'Đi Tây Nguyên chỉ phí tiền', 'Không có gì để chụp ảnh ở đấy đâu'… Trong đầu mình cũng hoài nghi, nhưng với dự định ấp ủ từ rất lâu là nhất định phải khám phá xem Tây Nguyên như thế nào, người dân, văn hoá của dân tộc nơi đó ra sao, câu chuyện người săn voi, huyền thoại anh hùng Lắk Liêng… nên mình đã quyết định lên plan cho chuyến đi Tây Nguyên", Long kể lại.
Phải đi mới biết Việt Nam đẹp đến nhường nào, Long thấy cảnh sắc và con người Tây Nguyên mang đến cho bản thân cảm nhận về sự tự do, phóng khoáng, khí hậu đặc trưng của mảnh đất đại ngàn đầy nắng và gió. Hành trình này Long chọn Đắk Lắk và Đắk Nông làm điểm dừng chân. Các điểm Tây Nguyên thường cách khá xa nhau. Mỗi địa danh lại mang đến cho chàng trai này một cái nhìn mới về mảnh đất cao nguyên đầy huyền bí này.
Do các điểm cách xa nhau nên Long đã lên kế hoạch theo từng cung đường để dễ di chuyển và tiết kiệm thời gian.
Trong ngày đầu tiên, Long đến Bảo tàng Thế giới Cà Phê, chùa Sắc Tứ Khải Đoan, Buôn Akô Dhông, Check-in Arul Coffee. Ngày thứ hai, cậu đến với núi Đá Voi Yang-tao, hồ Lắk, Buôn Jun.
Đến ngày 3, Long đến cụm thác Dray Nur - Dray Sap - Gia Long, Buôn Đôn và các khu du lịch. Cậu chọn Hồ Tà Đùng (Đắk Nông) cho ngày tiếp theo. Ngày cuối của chuyến đi, Long đến Quảng trường Voi Premia Eco City, rừng cây cao su Buôn Ma Thuột.
Long kể, kỷ niệm đáng nhớ nhất trong chuyến đi này là dậy sớm và di chuyển để sang Tà Đùng. Đến thị trấn Gia Nghĩa, Long thuê xe máy và bắt đầu di chuyển để khám phá Tà Đùng.
Tuy nhiên, không may đi giữa đường xe bị hỏng và phải sửa xe, quay về để thuê xe khác. "Nhưng bù lại, khi đi đến được nơi, cảnh đẹp của Tà Đùng khiến con người ta mê mẩn không lối thoát…", Long nói.
Bảo tàng Thế giới Cà Phê (đường Nguyễn Đình Chiểu, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) là điểm dừng chân đầu tiên khi đến Đắk Lắk không thể bỏ qua. Đến đây, bạn được tìm hiểu về lịch sử ngành cà phê cũng như văn hóa cà phê trên thế giới, chiêm ngưỡng kiến trúc công trình với các khối nhà uốn cong đầy ngẫu hứng kết nối với nhau.
Chưa hết, bạn được chụp ảnh, check-in, sống ảo với vô vàn góc chụp đẹp. Trong không gian tràn ngập cây xanh, bạn sẽ có những phút giây thư thái tâm hồn.
Nổi tiếng với truyền thuyết "hòn đá biết đi", đá Voi Yang-tao gồm cặp hòn đá Voi Cha và hòn đá Voi Mẹ. Nơi đây cách trung tâm TP Buôn Ma Thuột khoảng 40 km theo quốc lộ 27, thuộc xã Yang-tao, huyện Lắk. Người đồng bào nơi đây coi Đá Voi rất thiêng liêng, như vị thần che chở bảo vệ cho cuộc sống yên bình.
Long lưu ý rằng, nếu ai muốn chinh phúc núi Voi phải cẩn thận vì vách đá có rêu nên khá trơn trợt. Lên càng gần đỉnh, độ dốc càng lớn và gió thổi càng mạnh đòi hỏi sự cẩn thận càng cao.
Hồ Lắk là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Đắk Lắk và là hồ tự nhiên lớn thứ hai nước ta. Quanh hồ có các dãy núi được bao phủ bởi các cánh rừng nguyên sinh.
Buôn Jun là buôn làng nổi tiếng của người M'Nông, nằm cạnh hồ Lắk thơ mộng. Ở đây còn khá nhiều voi. Mọi người có thể ngắm, cho voi ăn và cưỡi voi dạo vào buôn và xuống hồ Lắk. Ngoài ra, còn có dịch vụ chèo thuyền độc mộc khá thú vị.
Bản Đôn ở Krôngna, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk. Bản này nổi tiếng với câu hát về chú voi con. Đây là vùng đất nổi tiếng với truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi rừng.
Ở bản Đôn có nhiều thắng cảnh nằm tập trung, nhất là có vườn quốc gia Yok Đôn nổi tiếng là vườn quốc gia rộng nhất Việt Nam. Bản Đôn có nhiều cầu treo rất đẹp và trải nghiệm đi lại trên đó khá thú vị.
Tà Đùng (ở Đắk Glong, Đắk Nông) lâu nay được mệnh danh là "vịnh Hạ Long của Tây Nguyên". Tà Đùng là địa danh có sức cuốn hút với những ai muốn trải nghiệm và tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên. Cảm giác tận mắt ngắm nhìn toàn cảnh Tà Đùng thật tuyệt vời.
Long nói, đi Tây Nguyên chắc chắn không thể bỏ qua hồ Tà Đùng. Nhóm Long di chuyển từ Đắk Lắk bắt xe Limousine khoảng 2 tiếng đồng hồ đến thị xã Gia Nghĩa, sau đó thuê xe máy đi lên Tà Đủng mất khoảng 1 tiếng đồng hồ.
Đường đi khá đẹp nên có thể vừa đi vừa ngắm. Trên này có rất nhiều homestay cho mọi người lựa chọn. Theo Long, nên sáng đi chiều về là hợp lý nhất, nếu muốn camping có thể ở lại để ngắm view.
Long đến Quảng trường Voi, rừng cao su Buôn Ma Thuột.
Chàng trai đến cụm thác Dray Nur - Dray Sap - Gia Long.
Long đến Buôn AKô Dhông, chùa Sắc Tứ Khải Đoan.
Nguồn: [Link nguồn]
Những ngày cận Tết, không khí tại các làng nghề truyền thống ở Huế bỗng nhộn nhịp và rực rỡ khác hẳn mọi khi. Chính những làng nghề có tuổi đời hàng trăm năm này đã...