Đến Ninh Bình, thăm Tràng An, Tam Cốc...
Chùa Bái Đính, Tam Cốc, Phố cổ Hoa Lư và còn nhiều địa điểm quen thuộc khác trên mảnh đất Ninh Bình không làm du khách thất vọng mỗi khi có dịp ghé chân.
Nông Thị Thanh Thuỷ (25 tuổi, đến từ tỉnh Tuyên Quang) thông qua truyền thông, thấy Ninh Bình rất đẹp và thơ mộng, nhất là những ngày tháng 6 có lúa chín, có sen nở. Đó cũng là lý do Thủy quyết định chọn nơi này để tham quan, nghỉ ngơi.
Thuỷ Đình, Tràng An
“Ninh Bình rất trong lành và yên bình, người dân thân thiện, hiếu khách. Ninh Bình đẹp từ đầu đến cuối hành trình, đi đâu cũng thấy xanh ngát màu của nước, màu của núi. Du lịch Ninh Bình rất quy củ, lành mạnh, không chặt chém, mọi thứ giá cả đều rõ ràng, công khai nên mang lại tâm lí thoải mái. Các điểm du lịch gần nhau, giao thông rất thuận lợi, dễ đi”, Thủy chia sẻ với PV Tạp chí Du lịch TP HCM.
Hang Múa. Đi lên sớm vừa mát mẻ, vừa không bị chen chúc
Đầu tháng 6 này, Thủy cùng người bạn của mình có chuyến đi Ninh Bình trong 2 ngày với nhiều kỷ niệm, khiến bản thân được chữa lành...
Ngày 1:
5h: Đi xe khách từ tỉnh Vĩnh Phúc đến tỉnh Ninh Bình
10h: Chùa Bái Đính.
Hang Múa
Du lịch Ninh Bình
Chùa nằm trong Quần thể danh thắng Tràng An, thuộc xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
Cách thành phố Ninh Bình tầm 18 cây số, Bái Đính được nhiều người biết đến với các kỷ lục châu Á và Việt Nam. Cụ thể như có Hành lang La Hán dài nhất châu Á, Tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á...
Thủy nhờ bác lái đò chụp ảnh giúp
Những năm trở lại đây, nhiều du khách tìm về ngôi chùa này ở vùng đất cố đô. Nơi đây trở thành điểm du lịch tâm linh nổi tiếng. Khi đến đây, du khách còn được thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên với nhiều di tích, địa điểm tâm linh gắn liền các truyền thuyết.
Theo Thủy, nên mua vé loại 150.000 đồng, di chuyển bằng xe điện quanh chùa, vì trời nóng nếu đi bộ rất mệt và tốn khá nhiều thời gian.
Ở Tam Cốc đang vào mùa gặt lúa
16h: Tam Cốc
Tam Cốc thuộc huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, cách Hà Nội 100 khoảng cây số, nằm trong Quần thể danh thắng Tràng An.
Tam Cốc có 3 hang động gồm hang Cả, hang Hai và hang Ba, đều được dòng Ngô Đồng bồi đắp và xuyên qua thẳng núi.
Chiều muộn bên bến thuyền Tam Cốc
Còn gì tuyệt vời hơn khi được ngồi trên thuyền xuôi dòng Ngô Đồng, đi qua vách núi, hang xuyên thủy cùng cánh đồng lúa... Nơi đây trở thành điểm đến quen thuộc của bao du khách với vẻ đẹp sơn thủy hữu tình.
Thủy đi thuyền số 23, ông rất hiền và nhiệt tình, chụp ảnh đẹp
“Mình đi lúc 16h20 mà nắng vẫn rất gắt. Mọi người nên đi buổi chiều muộn, tầm sau 17h để đỡ nắng, thấy được hoàng hôn. Mình thấy ở Tam Cốc bắt đầu gặt lúa rồi, nên nếu muốn chụp lúa thì mọi người đi Ninh Bình ngay cho kịp ngắm lúa chín”, Thủy tiết lộ.
Sen dưới chân Hang Múa chưa nở nhiều
Có lẽ 1-2 tuần nữa sẽ nở rộ hoa
18h30: Phố cổ Hoa Lư.
Phố cổ này được tạo dựng trong khuôn viên của công viên Kỳ Lân (số 1 đường Trần Hưng Đạo, phường Tân Thành, TP. Ninh Bình).
Nơi đây tái hiện lịch sử, văn hóa từ thế kỷ thứ 10 của nước ta, với nhiều nét độc đáo thu hút du khách tham quan. Không gian ở phố cổ tái hiện các làng nghề truyền thống của người dân mọi miền Tổ quốc và các gian hàng ẩm thực.
Ngày 2:
5h Hang Múa
Là hang trong núi đá vôi ở vùng đất thôn Khê Đầu Hạ, xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư, Hang Múa được nhiều du khách lựa chọn để thưởng ngoạn phong cảnh, chụp lại những tấm ảnh đẹp.
Hang Múa
Một số người cho rằng, Hang Múa như chốn tiên cảnh ở đất cố đô, bởi duy nhất nơi đây có danh thắng "trên cao", nơi khách tham quan leo hơn 480 bậc đá mô phỏng kiến trúc Vạn Lý Trường Thành mới có thể lên đỉnh núi.
Ở đây còn có hồ sen đẹp mê ly, trở thành điểm chụp ảnh, check-in của nhiều du khách.
Thủy nói, nghe lời chị chủ homestay, Thủy dậy sớm và ra khỏi nhà, xuất phát đi Hang Múa từ 5h sáng, đi sớm rất mát mẻ leo không bị mệt, hầu như chưa có người nên thoải mái chụp ảnh, check-in.
Ảnh được chụp từ phía đường lên Hang Múa
“Khi đi xuống, mọi người nhớ ghé vào cửa hang ngồi nghỉ, chỗ này rất mát. Nếu ai muốn ngắm bình minh nên đến hang từ 5h kém chắc sẽ kịp. Đầm sen dưới chân Hang Múa hiện nở khá ít, nếu muốn chụp ảnh sen thì mình nghĩ mọi người nên chờ 1-2 tuần nữa đi thì sẽ nhiều hoa hơn”, Thủy chia sẻ.
7h30: Tràng An
Vì đi Hang Múa sớm nên Thủy và người bạn về sớm, ghé Tràng An lúc 7h30, không bị quá nắng.
“Chúng mình vừa đi vừa chèo phụ bác lái thuyền, tiện thể luyện cơ tay luôn nên chỉ hơn 2 tiếng là kết thúc tuyến 3 rồi. 10h về lại homestay ngủ bù và tránh nắng, tới trưa trả phòng, đi ăn trưa rồi về”, Thủy cho hay.
Tham quan Tam Cốc. Thủy xuống đò lúc hơn 16h, nắng vẫn rất gắt. Lúc 17h30, Thủy vòng về vẫn thấy nhiều người đi vào, đi muộn khoảng sau 17h sẽ thấy được hoàng hôn và còn mát mẻ hơn
Với diện tích 6.172 ha, quần thể danh thắng Tràng An gồm 3 vùng được bảo vệ liền kề nhau. Đó là khu di tích lịch sử văn hóa cố đô Hoa Lư, khu danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động, rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư.
Được ví như “Hạ Long trên cạn”, Tràng An có vẻ đẹp tráng lệ của hệ thống núi đá soi bóng xuống những dòng suối uốn lượn nối liền các hang động và thung lũng hoang sơ...
Tầng 12 toà Bảo Tháp, Bái Đính rất mát, rất đẹp
15h20 Về lại tỉnh Vĩnh Phúc
Chùa Vàng - Chùa Bạc cạnh phố cổ Hoa Lư
Đầu đại bàng ở Tam Cốc
Ninh Bình thơ mộng, trữ tình. Thủy chia sẻ, chi phí chuyến đi hơn 2 triệu đồng/người
Hoàng hôn bến thuyền Tam Cốc, bảng lảng khói chiều
“Non nước ở mảnh đất Ninh Bình đã vuốt ve cảm xúc của mình thật nhẹ nhàng. Sau những ngày làm việc bận rộn, có dịp thả hồn vào khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ mà rất đỗi nên thơ ở Ninh Bình, mình như được nạp thêm nguồn năng lượng dồi dào, có thời gian để quay trở về bên trong bản thân, lắng nghe bản thân...”, Thủy tâm sự.
Tràng An, đầm Vân Long, rừng Cúc Phương... là những địa điểm nổi tiếng để khách du lịch tham quan và có những bức hình đẹp long lanh
Nguồn: [Link nguồn]