Đến hồ của gió ăn “cá gió” chiên giòn

Đến Đa Tôn một ngày bất kỳ, hồ đều cống hiến một vẻ đẹp đặc biệt để thỏa tình người chiêm ngưỡng. Bạn cũng đừng quên thưởng thức món cá chép chiên giòn, hay “cá gió” chiên giòn ở hồ Đa Tôn - hồ của gió.

Thật sự trong tất cả các sách về sinh vật từ cổ đại cho đến hiện tại, không có loài cá nào mang tên “cá gió”. Đó là cái tên phóng tác do nhóm “ngũ tinh”- tinh là tinh nghịch, chúng tôi đặt cho món “cá chép chiên giòn” ở hồ Đa Tôn, thuộc xã Thanh Sơn của huyện Tân Phú, Đồng Nai.

Một món ăn không cầu kỳ phức tạp, cách ăn cũng rất “khẩn hoang”, dùng bằng tay, nhưng hương vị cứ như gói những thấu cảm về sự cân bằng luật âm - dương, rộng mở càn khôn vũ trụ ngũ hành kim- mộc-thủy- hỏa- thổ, và về thị giác thì như một tác phẩm sắp đặt Installation của nghệ thuật ẩm thực dân dã.

Khởi thủy, trong nhóm “ngũ tinh” chúng tôi có một “tinh tú” quê ở Phương Lâm, Tân Phú, Đồng Nai, một miền đất cổ bán sơn địa đầy huyền thoại. Qua những lần kể về quê, về ngôi nhà nhỏ đầy hoa lá cỏ của mình nằm ven quốc lộ 20, gần sát bên hai ngọn núi cuối cùng của dãy Trường Sơn kiêu hùng, về những khoảnh khắc giao mùa nhiều cung bậc ảo mị như thơ, như nhạc, như tranh rất độc đáo, rất lạ kỳ của bốn mùa xuân - hạ - thu - đông…

Và một ngày đầu hạ, chúng tôi không thể dừng cái mong muốn đến nơi này, chạm vào, khám phá, thưởng thức và tan chảy với những cảm xúc hào hứng, phấn khích, hòa vào bầu trời và mặt đất, hòa vào nắng và gió, vào hoa lá cỏ cây cùng hồ nước được bao quanh bởi núi đồi bình nguyên…

Hồ Đa Tôn

Hồ Đa Tôn

Hồ Đa Tôn có lẽ là một cái tên còn khá xa lạ so với hồ Dầu Tiếng, hồ thủy điện Trị An, trong bản đồ du lịch của các hãng lữ hành Việt Nam và quốc tế, nhưng đã trở thành quen thuộc trong vòng mấy năm trở lại đây với “cư dân” trẻ làng “phượt”, là một điểm check-in sơn thủy hữu tình không thể bỏ qua khi nhắc đến Đồng Nai.

Nguyên thủy hồ là một con suối nằm trong thung lũng, bao quanh là đồi núi, rồi sau được cải tạo thành hồ chứa nước với diện tích mặt nước gần 300ha, và nơi sâu nhất tới 20m, với dung tích hơn 20 triệu m3.

Có thể hồ nằm khá hẻo lánh, ở một vùng đất còn nhiều hoang sơ nguyên thủy, có thể vì chưa có nhiều dự án khai thác du lịch nơi này, nên hồ vẫn còn e ấp chưa phô diễn nét đẹp độc lạ được ví như “viên ngọc bích” của mình… Nhưng khi đến đây, hồ đã thật sự chinh phục chúng tôi. Từ trên căn nhà gỗ nằm lưng chừng đỉnh đồi, phóng tầm mắt bao quát toàn cảnh.

Đến hồ của gió ăn “cá gió” chiên giòn - 2

Một cảnh quan lộng lẫy trong ánh nắng chiếu một góc vuông đầy ma mị quyến rũ, trong không gian bao la mênh mông của mặt nước xanh biếc màu lục diệp, lăn tăn gợn sóng in dáng cây dáng núi đồi trập trùng lung linh, phản chiếu mây trời y hệt từng cụm bông trắng bồng bềnh êm đềm trôi.

Và gió, hình như là chủ nhân của vùng hồ này. Gió thênh thang phóng khoáng băng ngang hồ không va vấp vướng víu. Gió vun vút đuổi nhau trên những ngọn sao - dầu cổ thụ, cho ngọn cây càng kiêu hãnh vươn cao in vào mây trời đỉnh núi. Gió ào ào tràn vào những khu vườn sầu riêng, điều, măng cụt, chôm chôm, bơ..., như muốn mang hương thơm hoa trái tung thả trong trời đất.

Gió tinh nghịch luồn lách ngang dọc những cụm hoa sao nháy, sim tím ven đồi, cho lao xao quấn rối chúng vào nhau trong trò chơi giao duyên. Gió mơn man lả lơi ve vuốt những vạt cỏ mềm ngang mép nước, những đám bông lau trắng ven chân đồi, những chùm hoa dại dọc sườn núi, như một đắm đuối yêu thương…

Có lẽ thế, chúng tôi đã đặt tên cho món đặc sản nơi này là “cá gió”.

Theo người địa phương cho biết, hồ Đa Tôn có trên 20 loài cá nước ngọt, là nguồn lợi thủy sản mang lại nhiều lợi nhuận cho cư dân vùng này. Có một số giống cá “nguyên thủy”, nhưng khá hiếm gặp, phần lớn là cá được thả nuôi tự nhiên như cá trôi, trắm, mè, chép… Đặc biệt là cá chép của hồ Đa Tôn, đã trở thành đặc sản “danh bất hư truyền” của vùng này, với hai món phổ thông: Cá chép chiên giòn và cháo cá chép.

Sau một cuộc thám sát ngó nghiêng vòng quanh hồ, chúng tôi dừng lại một quán ăn nằm sát cạnh hồ, dưới những tán lá cây cổ thụ rợp mát. Và chắc chắn món ưu tiên số một là “đặc sản” vùng hồ: Cá chép chiên giòn cuốn bánh tráng, món “cá gió” của chúng tôi.

Cá chép hồ Đa Tôn - hồ của gió, mình thuôn tròn, bụng nhỏ, thân cứng, ăn những rong rêu và phù du hồ, lại được quẫy mình trong nước thanh sạch không bị các tạp chất ô nhiễm, nên trở thành loài cá “sạch”, thịt chắc, thơm, ngọt.

Cá chép chiên giòn hồ Đa Tôn

Cá chép chiên giòn hồ Đa Tôn

Cá sau khi được chiên giòn bày trên đĩa gốm, nhìn đã bắt mắt bởi màu vàng nâu, nhất là những chiếc vảy cong lên ánh màu vàng đồng, cái đầu còn nguyên vẹn vàng ruộm há chút miệng như mời mọc khêu gợi. Nhìn con cá cảm giác một tác phẩm điêu khắc sống động hấp dẫn, lại thêm mùi thơm ngầy ngậy đang kín đáo tỏa ra, kích thích vị giác đến râm ran cả châu thân.

Rồi là đĩa rau vị ăn kèm xanh ngắt, non tơ, có nồng thơm, có chua dịu, có chát ngọt, có đắng bùi, với nhiều loại lá rừng không tên (mà nghe nói toàn có tính dược thảo bồi bổ tì vị mát gan lợi can chi), chỉ nhận biết vài thứ như đọt đinh lăng, đọt sung, đọt xoài…, kèm theo dưa leo, thơm, giá... Chén nước mắm chua ngọt là điểm xuyết cho một sắp đặt bày biện xinh xắn với màu đỏ của ớt chen màu vàng nhạt của tỏi, để bên cạnh xấp bánh tráng trắng đục.

Người bạn mang nickname “Cá” trong nhóm “ngũ tinh” chúng tôi, có lẽ cầm lòng không đậu, sau khi rút điện thoại chụp vài shot hình để “nuôi” facebook, đã nhón nhén bẻ một chiếc vây... U là trời, không thể giấu được tiếng nhai giòn rụm phát ra, đầy kích động... Thế là, không cần mời mọc, các ngón tay xinh của “ngũ tinh” cứ thế “tấn công” đồng loạt vào những cái vây, cái đuôi... Rồm rộp, rau ráu, những âm thanh thật sự mang cảm xúc mạnh.

Và tiếp theo, không đợi thêm phút nào, cuộc “tổng lực” đợt hai, chúng tôi đồng loạt “thao tác” rất bài bản từng công đoạn của món “cá gió” chiên giòn cuốn bánh tráng. Từ lá bánh gạo mỏng tang dẻo mềm, lót lên vài chiếc lá rau, thêm lát dưa leo, miếng thơm, chút cọng giá... rồi một dẻ thịt cá trắng ngần, cuộn tròn, chấm vào chén nước mắm... Một “vũ trụ” âm dương hòa hợp, ngũ hành tương sinh nằm trong món “cá gió” chiên giòn, rất khó diễn tả hết vị ngon, vị ngọt, vị béo, vị thơm và cả những vị mà chỉ có thể cảm nhận theo từng vị giác cỉa mỗi người...

Và món cá chép chiên giòn, mà chúng tôi đặt tên “cá gió” thật sự là một món ăn gây ghiền, gây nhớ từ hương vị lẫn màu sắc đến cảm xúc.

Hồ Đa Tôn, Tân Phú, Đồng Nai thật sự là một vùng hồ gây ấn tượng bởi vẻ đẹp như tranh sơn thủy còn mang nét hoang sơ thiên nhiên. Để đến được hồ nước này, từ TP Hồ Chí Minh, bạn có thể di chuyển theo 2 tuyến đường là Quốc lộ 20 và Quốc lộ 1A. Khi đến nhà thờ giáo xứ Ngọc Lâm, bạn rẽ trái vào đường Phú Xuân - Thanh Sơn và tiếp tục sử dụng Google Map để đến hồ. Bạn cũng có thể hỏi thăm cư dân địa phương, sự mến khách và thân thiên của họ sẽ làm hài lòng bạn khi được chỉ đường đến hồ.

Nguồn: [Link nguồn]

Nơi nào ở Đồng Nai được ví như vịnh Hạ Long thu nhỏ?

Thoát khỏi những ồn ào phố thị thường ngày, bạn có thể thư giãn trước hồ nước xanh biếc hoặc ngồi trên thuyền thiên nga đi dạo quanh hồ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoài Hương ([Tên nguồn])
Địa điểm du lịch hot 63 tỉnh thành Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN