Đắm say mùa lúa Pù Luông
Pù Luông mang đậm nét đẹp của miền núi cao Tây Bắc với ruộng bậc thang lớp lớp, mây núi trùng điệp, mang nét đẹp mờ ảo, hoang sơ đến mê người.
Pù Luông thuộc huyện Bá thước, Thanh Hóa nhưng thiên nhiên, văn hóa, con người mang đậm nét vùng cao Tây Bắc.
Tháng 9, tháng 10 là một trong những thời điểm đẹp nhất năm để du khách có thể ghé thăm Pù Luông khi những ruộng lúa bậc thang ươm đòng, dần chuyển sang màu vàng rực rỡ. Đây cũng là thời điểm mùa mưa ở Tây Bắc nên suối, thác nơi đây đầy nước.
Nằm trên vùng núi cao, khí hậu Pù Luông khá mát mẻ. Vào sớm mai, thung lũng dưới chân núi thường chìm trong mây mù. Để đến Pù Luông, du khách có thể di chuyển bằng hai con đường. Một đường qua Mai Châu (Hòa Bình) dài khoảng 170km, ngắn nhất nhưng khá nhiều đèo dốc, khúc khủy, nhất là đoạn đường từ Mai Châu vượt núi sang Pù Luông. Du khách cũng có thể chọn lộ trình đi qua đường mòn Hồ Chí Minh, qua huyện Cẩm Thủy rồi lên Pù Luông, đường khá dễ đi nhưng dài khoảng 200km.
Buổi chiều, Pù Luông lộng gió, rất thích hợp để thả diều. Du khách và trẻ em trong vùng thường tận dụng các mỏm đá nhô lên giữa những cánh đồng ruộng bậc thang để diều bay lên.
Những mỏm đá ở Pù Luông cũng có sức hút lạ lùng với du khách khi ngồi lên đây có thể phóng tầm mắt ra xung quanh, ngắm nhìn cảnh đẹp bao la, thơ mộng của Pù Luông. Ven những con đường nhỏ ở Pù Luông luôn có những rạch nước nhỏ. Vì vậy, dù không ở gần suối nhưng bất cứ nơi nào của Pù Luông đều có tiếng nước chảy róc rách.
Thác bản Hiêu thuộc xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước, một điểm đến quen thuộc của du khách khi đến Pù Luông. Nằm trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông trên núi cao, thác bản Hiêu nhiều nước, chảy xiết và mát lạnh. Nhiều du khách rất thích tắm ở đây.
Đường vào bản Đôn, một bản du lịch cộng đồng ở Pù Luông.
So với Sa Pa cũng như một số vùng khác, lúa ở Pù Luông chín muộn hơn. Phải đến giữa tháng 9, những ruộng bậc thang nơi đây mới bắt đầu ươm đòng, cuối tháng 9 đến tháng 10 là thời điểm lúa chín vàng rực. Người dân địa phương kể, do nước chảy từ trên núi về rất lạnh nên lúa vùng này chín muộn.
Một bé gái người Thái ở Pù Luông. Hầu hết người dân ở đây là dân tộc Thái, sống trong nhà sàn trên các bản làng, canh tác lúa trên ruộng bậc thang, lấy nước từ các guồng nước ở những con suối chảy qua thung lũng. Người dân Pù Luông rất thân thiện, chân thật và hiếu khách.
Cậu bé ở Pù Luông thích thú khi bắt chú chuồn chuồn ngô bên bờ ruộng.
Pù Luông mang đậm nét hoang sơ, kỳ vĩ của vùng núi cao. Ở đây du khách có thể nghe thấy âm thanh của tiếng chim, tiếng dế khắp nơi. Trong ảnh là một chú thằn lằn bám trên thân cây ở một khu nghỉ dưỡng.
Ẩm thực Pù Luông mang đậm bản sắc Tây Bắc với các món ăn như thịt lợn bản nướng, gà hấp hạt dổi, đặc sản vịt Cổ Lũng, cá nướng mắc kén. Đồ ăn ở Pù Luông không đa dạng nhưng rất tươi ngon.
Vài năm trở lại đây, du lịch Pù Luông bắt đầu phát triển với nhiều lựa chọn cho du khách như các khu nghỉ dưỡng có bể bơi hay các homestay trong bản. Từ đây du khách có thể thuê xe máy hoặc ô tô để khám phá vùng núi hoang sơ này như đến các guồng nước, thăm thác bản Hiêu, đến bản Kho Mường, vào hang dơi hoặc đơn giản là rong ruổi trên những cung đường đẹp đến mê người.
Nguồn: [Link nguồn]
Pù Luông (Thanh Hoá) thuộc vùng núi đá vôi đất thấp, có nhiều rừng rậm nhiệt đới và ít dân cư sinh sống nên không khí...