Đại sứ du lịch “chân đất” ở phố Hội
Không rầm rộ, “đao to búa lớn” như các đại sứ du lịch là hoa hậu, diễn viên hay người mẫu nổi tiếng, một tiểu thương bán bánh mỳ vỉa hè ở phố cổ Hội An (Quảng Nam) lại mang đến cho du khách quốc tế những cái nhìn thiện cảm, độc đáo về Việt Nam.
Qua những ổ bánh mỳ mang đậm hương vị quê nhà… bà đã truyền đi thông điệp về một Việt Nam tươi đẹp, giàu lòng mến khách cùng những nét văn hóa truyền thống ngàn năm. Người dân phố cổ vẫn gọi bà là “đại sứ du lịch chân đất”.
Madam Khanh làm mỳ cho một khách nước ngoài
Quán bánh mỳ nhỏ của một cụ bà gần 80 tuổi trên đường Trần Cao Vân (TP.Hội An, Quảng Nam) đã nhận được sự ủng hộ, khen ngợi của nhiều du khách nước ngoài bởi phong cách phục vụ dân dã đậm chất phố cổ, cùng bí quyết làm mỳ “độc nhất vô nhị”. Trên trang web chuyên đánh giá chất lượng các dịch vụ du lịch Tripadvisor.com.vn, tiệm Madam Khanh – The Banh mi Queen luôn được xếp hạng cao với nhiều nhận xét tốt.
“Chiếc bánh mỳ ngon nhất trong cuộc đời bạn…”
Gần ba mươi năm bán bánh mỳ ở phố cổ, bà Nguyễn Thị Lộc, chủ tiệm bánh vẫn được mọi người gọi với cái tên thân mật Madam Khanh. Quán bày biện đơn sơ gồm một tủ mỳ và mấy bộ bàn ghế nghỉ chân nhưng khách ra vào tấp nập. Đây cũng là một điểm đến trong các tour du lịch “ẩm thực truyền thống của Hội An”. Tất bật chuẩn bị gia vị, nếm thử các món thịt hấp, xíu mại, patê… bà Khanh cho biết, trung bình mỗi ngày, tiệm của bà bán hơn 80 ổ bánh mỳ, trong đó chủ yếu cho du khách nước ngoài. “Khách nước ngoài rất thích ăn bánh mỳ ở tiệm của tôi. Họ nói, bánh mỳ vừa ngon, rẻ, lại mang một vị rất riêng. Họ hỏi tôi bí quyết làm mỳ để về nước có thể tự làm cho gia đình cùng ăn”. Bà Khanh nói thêm, nhiều vị khách đến ăn 2-3 lần/ngày và đến đây ăn mỳ trong suốt những ngày lưu trú tại Hội An. Mỗi lần trở lại, mối quan hệ giữa chủ - khách lại trở nên thân thiết hơn.
Du khách thích thú với món bánh mỳ và cung cách phục vụ của madam Khanh
Từ khi mở quán đến này, bà chỉ lấy duy nhất loại mỳ sản xuất ở lò 304 của ông Phùng Nguyên. “Mỳ ở lò này ngon và giòn hơn các lò khác. Bột mỳ ngon, chất lượng tốt nên được khách hàng ưa thích. Mỗi ổ mỳ làm cho khách nước ngoài thường sử dụng từ 10-15 món gia vị, thực phẩm”. Bà chia sẽ, do khẩu vị của khách Tây khác khách Việt nên từ chế biến đến pha trộn các loại thực phẩm cũng khác nhau. Nếu như các tiệm bánh mỳ khác chế biến theo kiểu “công nghiệp”: nhanh, vội vàng thì quán Madam Khanh lại làm một cách từ tốn, nhẹ nhàng, không chạy theo thời gian. “Tôi không làm mỳ theo kiểu dịch vụ để bán được nhiều mà làm cẩn thận, ngon, hợp với khẩu vị của du khách. Khi có những phàn nàn của du khách trên các trang web hoặc facebook cá nhân, quán lập tức thay đổi với tiêu chí nâng cao chất lượng nhưng vẫn giữ được cái hồn của một “tiệm mỳ phố cổ”.
Madam Khanh bên cạnh những bức thư của khách hàng lưu lại
Trước khi về nước, nhiều khách quen của tiệm đã viết lại những bức thư ngắn bày tỏ sự thích thú, cảm mến bà chủ quán với món mỳ ngon tuyệt. Ngoài những vị khách từ Anh, Mỹ, Úc còn có du khách các nước Châu Á như: Đài Loan, Nhật Bản… cũng “say” món mỳ Madam Khanh. “Tôi đã đi du lịch nhiều nơi ở châu Á những Hội An vẫn là điểm đến tuyệt vời. Ở đây có quán bánh mỳ Madam Khanh khiến tôi và bạn gái rất thích thú khi mỗi lần ghé qua. Đón chào tôi là một cụ già với nụ cười niềm nở. Bà đã làm cho tôi một chiếc bánh mỳ ngon nhất trong cuộc đời” một du khách viết.
Một bức thư ngắn của du khách hẹn: “sẽ quay lại sớm”
Hình ảnh đẹp trong lòng du khách
Mỗi lần có khách đến quán, bà Khanh đều bắt chuyện bằng vốn “ngôn ngữ” vốn có của mình. Nhiều khi, chủ và khách say nói chuyện quên cả việc làm mỳ. Vốn ngôn ngữ của bà cũng khá đa dạng, ngoài những dấu chỉ tay, bà được cô cháu gái trang bị một số câu tiếng Anh thông dụng. “Khi đến ăn mỳ, họ nói Everything, mình dịch ra là mỳ ‘thực cẩm’. Khách nói: good, good hoặc Excellent thì biết là khen mỳ ngon. Nhiều người khi tính tiền còn ‘bo’ thêm, có khách cho đến 400.000 – 500.000 đồng” bà Khanh chia sẽ. Ngoài giới thiệu những địa danh nổi tiếng ở Hội An, bà còn chỉ cho họ nét ẩm thực độc đáo của phố cổ. Bà nói: con người nơi đây rất thân thiện, cởi mở và giàu lòng mến khách nên các vị không có gì e ngại, hãy tiếp xúc vì họ cũng như tôi. Bà vẫn thường “khoe” với khách những tấm ảnh hồi trẻ của mình treo ở trên tường. “Bà ấy là một phụ nữ xinh đẹp, thân thiện. Nói chuyện với madam Khanh, tôi có cảm giác như trò chuyện với một người bạn thân thiết đã lâu không gặp mặt” David Mcmahon (người Úc) cho biết.
Bức vẽ vui của một du khách gửi tặng bà Khanh
Còn với chị Anna (quốc tịch Bỉ), bà Khanh đã trở thành một “cô giáo” hướng dẫn chế biến món bánh mỳ “made in Hội An”. “Bà ấy không biết tiếng Anh nên bạn đến đây gọi một lon Coca thì có thể sẽ nhận một tách cà phê. Nhưng bạn hãy thích thú, tận hưởng nó. Ở đây cũng không có menu nhưng hãy yên tâm, bà chủ quán sẽ mời bạn ngồi và làm cho bạn một ổ bánh mỳ ngon”. Trên trang Tripadvisor.com.vn, du khách người Anh tên Jake Aberdeen viết: “Khi đến đây, bạn sẽ cảm nhận được hương vị ẩm thực địa phương do một người địa phương dễ mến chế biến. Cái bạn nhận được không chỉ là một ổ bánh mỳ mà còn là sự thân thiện, mến khách của người dân Việt Nam”.
Tiệm bánh mỳ vỉa hè của Madam Khanh lên trang bìa của tạp chí ẩm thực Hội An
Biết quán mỳ của bà thu hút nhiều khách nước ngoài, dân “cò” kéo đến quấy phá. “Họ đến gọi một ổ bánh mỳ ngồi ăn rồi chờ khách. Khi khách du lịch vào quán, họ đến trò chuyện bằng tiếng Anh, chèo kéo khách đến các tiệm mua vải, mua đồ trang sức để hưởng hoa hồng. Bức xúc vì bị làm phiền, nhiều du khách đã viết lên facebook với nhận xét: ‘bánh mỳ ở quán Madam Khanh rất ngon nhưng có nhiều người đến làm phiền, lừa mua hàng với giá ca…’”. Biết chuyện, bà Khanh “cấm cửa” không cho dân “cò” đến quán.