Mù Cang Chải không xa: Cuốc xe lên bao zê mùa cang là
Bao zê mùa cang là tên gọi của người Mông chỉ bãi đá cổ có hình vẽ của người xưa ở xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải. Từ huyện lỵ vào trụ sở xã Lao Chải hơn 10 km, theo đường 32, đường tốt, cảnh đẹp. Từ trung tâm xã vào bãi đá nếu đi bộ phải mất hơn 3 giờ ngược lên độ cao hơn 1.200 mét. May đã có con đường bê tông bề ngang 1 mét dẫn gần đến hòn đá có hình vẽ gần nhất.
Đường vào Bãi đá cổ Lao Chải được làm theo phương thức xã hội hóa, huyện cấp xi măng, Đoàn Thanh niên xã bỏ công nên nay đã tàm tạm một vệt đường xe ôm.
Mặc dù trung tâm xã có đội quân xe ôm hơn 30 tay lái lụa, trẻ khỏe chuyên đưa du khách lên xuống bãi đá, nhưng tôi may mắn được Giàng A Vàng, Bí thư Đảng ủy xã Lao Chải cho bám càng.
Đã từng vài chục năm chuyên đi xe ôm ở Hà thành và không ít chốn vùng sâu vùng xa này khác, nhưng tôi đảm bảo cánh xe ôm dưới xuôi mà theo vệt đường ông Bí thư người Mông họ Giàng này đang oặt người bẻ lái thì chỉ có khóc thét, bó tay là cái chắc vì vô số khúc cua tay áo, gấp khúc ngoằn ngoèo. Lên dốc thì cảm giác dựng ngược xe. Xuống thì hun hút tuột đến nhột bụng. Trận mưa đêm qua làm hành trình đâm gian nan hơn. Mấy chỗ, tôi ớn “này có chắc đi được không? hay mình xuống đi bộ qua chỗ này nhé?”.
Nhưng Bí thư Vàng bảo tôi bám chắc, nếu sợ thì nhắm mắt lại! Nhắm là nhắm thế nào? Bởi còn phải mở thao láo để còn kịp lia theo những thửa ruộng bậc thang lúa nương đương cữ chín rộ như những mâm vàng thoắt ẩn hiện cứ như đang dâng lên tít tắp lưng chừng trời! Mở mắt còn để mà hiệu ứng thêm câu chuyện của Giàng A Vàng.
(Phải nói rằng ai lên Mù Cang Chải, muốn di chuyển sâu thì xác định phải đi xe ôm, mà đi xe ôm thì phải vững tinh thần. Người trên này đi xe qua những con đường “ghê” như thế là chuyện như mình đi trên đường bằng. Ngay ông Bí thư Huyện uỷ Nông Việt Yên nguyên là Bí thư Tỉnh Đoàn được điều lên đây công tác mới hơn năm mà cũng lấy cái xe máy đang tự đi vun vút cùng đoàn chúng tôi đấy thôi).
Bãi đá cổ Lao Chải mấy năm gần đây được du khách tìm đến nhiều. Đâu như cách đây 5 năm, một đoàn cán bộ văn hóa, khảo cổ của tỉnh Yên Bái đã lặn lội vào đây theo lời mách của dân Mông Lao Chải. Qua khảo sát, bãi đá nằm rải rác ở 3 thôn: Tàng Ghênh, Hú Trù Lình và Hồng Nhì Pá, trong đó tập trung nhiều nhất là ở bản Tàng Ghênh hơn 10 tảng với nhiều hình thù khác nhau bình quân mỗi tảng trên 3 mét khối đá. Trên đó có khắc nhiều hình thù lạ mà rõ nhất là hình ruộng bậc thang…
Ngoài ra, ở Lao Chải, tít sâu trên núi, cách những thôn nêu trên khoảng hơn chục cây số cũng có những tảng đá có nhiều nét chạm khắc. Nhưng đi được đến đó, người Mông leo núi giỏi cũng phải mất gần nửa ngày.
Các cán bộ văn hóa và Bảo tàng Yên Bái đã sơ bộ liệt kê rằng, cho đến nay, ở vùng miền núi phía Bắc đã ghi nhận 4 địa điểm có bãi khắc đá cổ. Sa Pa (Lào Cai), Pá Màng (huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La), Nấm Dẩn (huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang) và nay mới phát lộ là Lao Chải (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái). Trong số 4 điểm có bãi khắc đá cổ đã phát hiện, bãi đá Lao Chải được biết đến muộn nhất, do nằm ở trên vùng núi cao khá xa đường quốc lộ, ít người qua lại và chỉ có người Mông ở đây biết rồi truyền tai nhau.
Thế rồi chuyện loang ra. Dân phượt kéo đến đầu tiên. Xã nghèo Lao Chải khuyến khích hoạt động du lịch bằng việc vận động Đoàn Thanh niên xung kích mở con đường xe ôm như bây giờ. Chưa tổ chức bán vé nhưng một cuốc xe ôm cho du khách là 100-150 ngàn đồng (gặp hôm trời mưa đường trơn trượt) cả đi lẫn về. Xã tổ chức hẳn một đội xe ôm. Ban nãy tôi ngó trên tấm biển tòn ten trước ngực mỗi anh xe ôm tấm thẻ in dòng chữ. UBND xã Lao Chải. Ban quản lý danh thắng. Thẻ xe ôm chở khách du lịch xã Lao Chải.
Lao Chải là xã nghèo của Mù Cang Chải. Địa bàn trải dài gần 20km. Gồm 14 bản. Có hơn 9.630 khẩu thuộc loại lớn của huyện Mù Cang Chải. Những năm trước tỷ lệ hộ nghèo của Lao Chải là trên 90%. Nhiều biện pháp ráo riết để xóa đói giảm nghèo được áp dụng như trồng cây dược liệu, nuôi gà vịt đặc sản, khai hoang làm ruộng bậc thang cấy giống gạo đặc sản… Nay hộ nghèo giảm còn 46% là thành tích cũng đáng kể. Có nhiều cách để triển khai việc giảm nghèo dựa vào lực lượng nòng cốt của 19 chi bộ với 232 đảng viên. Nhiều hộ làm ăn khá. Như hộ Giàng Vạn Ly có 6 khẩu mỗi năm thu nhập trên 300 triệu tiền bán thảo quả, trâu bò, lợn gà…
Rừng núi mênh mông, Lao Chải hơn 20 km địa bàn… Nhưng chuyện với Bí thư Giàng mới vỡ ra Lao Chải vẫn hiếm ruộng canh tác. Tiếng là hơn 1.967 ha ruộng lẫn nương bậc thang nhưng diện tích lúa nương còn ít. Nên xã tích cực thực hiện chủ trương làm thêm nhiều ruộng bậc thang của tỉnh. Chỉ riêng năm 2019, xã đã làm thêm được tới 65 ha ruộng bậc thang.
Sự tương đồng của hình ruộng bậc thang trong hình vẽ với thực tế trên ngọn núi phía sau. Ảnh Xuân Ba.
Trên con đường vào bãi đá cổ, tôi nhìn lên mang mang là những tít tắt ruộng bậc thang lúa đã bắt đầu chín vàng trên những triền núi. Nói thật là tôi thích ruộng bậc thang ở đây hơn khu vực đồi Mâm Xôi ở La Pán Tẩn. Vì nó hùng vĩ hơn, khoáng đạt hơn. Núi ở đây cao hơn, khung cảnh trải ra rộng lớn hơn. Và trong cái nắng vàng như pha mật của một ngày thu đẹp, tôi thấy như ghen tỵ với những người dận nơi đây khi họ ngày ngày được nhìn thấy cái khung cảnh gấm hoa ấy.
Bí thư Giàng bộc bạch, nhà báo khen ruộng bậc thang Lao Chải đẹp nhưng Lao Chải chưa đạt danh hiệu Di tích cấp Quốc gia Danh thắng ruộng bậc thang của Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch đâu nhé! Mà danh hiệu đó thuộc về các xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình (tôi nghĩ có lẽ vì phần nhiều những lớp ruộng như tranh kia mới được làm, mới quá chăng?). Lao Chải còn phải cố gắng hơn. Nhà báo cần phải nghe thêm phong trào Đoàn TN xã khai hoang làm ruộng bậc thang nhé…
Kiệt tác của con người. Ảnh: Xuân Ba
Nhưng hẵng khoan, hết đường xe máy rồi. Lên tảng đá cổ, thứ mà ngành khảo cổ và ký tự học coi như vưu vật ấy còn khoảng non 10 phút đi bộ trên một lối mòn lầy lội. Nó hiện diện từ khi nào ở mảnh đất heo hút Lao Chải này?
Cảm giác tò mò lẫn háo hức dõi theo lời giới thiệu của một cô gái tầm thước vẻ hoạt bát (sau đó mới biết là Bí thư Đoàn xã Lao Chải, Lý Thị Thiêm) đang rê ngón tay trên những làn khắc mộc mạc nhưng đều đặn sống động của bề mặt tảng đá cổ. Cứ như lời cô gái với âm sắc tiếng Kinh chưa hoạt thì người nghe ang áng được những thông tin đại loại thế này: Theo các nhà khoa học thì những hoa văn được khắc trên đá với hình thù xếp lớp đều đặn như mô phỏng những tràn ruộng bậc thang này phải có từ hàng nghìn năm trước. Là người xưa muốn gửi thông điệp cho hậu thế rằng xứ này vùng này đã từng canh tác ruộng bậc thang rồi… Sở dĩ du khách tìm đến đây, tìm tới những hòn đá cổ này là để thưởng thức hình ảnh cách điệu tượng trưng của những triền ruộng bậc thang trên đá cổ. Mà hình ảnh đó nay lại được sống động và thực tế bằng những thửa ruộng bậc thang của Lao Chải bây giờ…
Tôi nhìn theo tay cô chỉ. Kỳ lạ! Đúng là khung cảnh ruộng bậc thang với nhiều tầng nấc, có cả những tuyến mương dẫn nước được người xưa khắc trên tảng đá đó nhìn giống hệt những gì đang có trên ngọn núi ngay gần đó. Vậy là người xưa đã nhìn ngọn núi và hệ ruộng bậc thang trên đó mà vẽ. Cũng có nghĩa là người ở đây đã làm ruộng bậc thang trên đó lâu, lâu lắm rồi. Các thửa ruộng uốn lượn theo nhiều nấc, là công lao của bao thế hệ cư dân miền cao này nối tiếp nhau tạo dựng để có những mùa vàng…
Khi tạo ra những thửa ruộng bậc thang này, người Mông chỉ nghĩ rằng mình làm như thế là hiệu quả nhất trong việc canh tác nông nghiệp. Nhưng do có độ dốc cao, địa hình lại quanh co, nên những thửa ruộng bậc thang uốn khúc một cách rất tự nhiên mềm mại.
Mỗi mùa, ruộng bậc thang lại tạo ra những bức tranh với những mảng màu sắc riêng. Vụ gieo trồng ruộng bậc thang vừa có màu xanh của mạ non vừa có màu trắng bạc của nước. Và vẻ đẹp ấy còn biến hóa huyền ảo hơn khi người Mông luân phiên canh tác các loại hoa màu. Ruộng bậc thang có 2 thời điểm được xem là độc đáo nhất, đó là đầu hè khi đưa nước vào ruộng vì nhìn ruộng lấp lánh như vô vàn những khay bạc. Và mùa gặt tháng 9 tháng 10, vẻ đẹp của lúa chín như những mâm vàng dâng lên tít tắp lưng trời!
Gấm vóc ở Lao Chải,. Ảnh: Lê Xuân Sơn
Rời Lao Chải nghèo khó và thương mến, tỷ lệ 46% hộ nghèo như chỉ chợt trở lại trong tôi một thoáng chứ chẳng thành thứ đeo bám, day dứt! Bởi người ấy, những khay bạc, mâm vàng cùng thắng cảnh tiềm năng du lịch bao zê mùa cang là (bãi đá cổ) ấy chả thể nghèo túng mãi được?
Bãi đá nằm rải rác ở 3 thôn: Tàng Ghênh, Hú Trù Lình và Hồng Nhì Pá, trong đó tập trung nhiều nhất là ở bản Tàng Ghênh hơn 10 tảng với nhiều hình thù khác nhau bình quân mỗi tảng trên 3 mét khối đá. Trên đó có khắc nhiều hình thù lạ mà rõ nhất là hình ruộng bậc thang…
Một thời, Mù Cang Chải như một thành ngữ trong tiếng Việt. Nó chỉ cái gì đó xa xôi, lạc hậu. Giờ Mù Cang Chải không...
Nguồn: [Link nguồn]