Cuộc sống ở “Cổng địa ngục”

Sự kiện: Du lịch, lễ hội

Vùng lõm Danakil ở phía đông bắc Ethiopia được mệnh danh là nơi nóng nhất trên thế giới có con người sinh sống, với nhiệt độ bình quân hằng năm là 34 độ C.

Cuộc sống ở “Cổng địa ngục” - 1

Hồ nham thạch lớn nhất thế giới trên núi lửa Erta Ale. Ảnh: Dave Stamboulis

Vùng đất này còn có tên gọi khác là “Cổng địa ngục”. Trái với suy nghĩ của nhiều người rằng nơi đây sẽ vắng bóng con người vì điều kiện sống quá khắc nghiệt, vùng lõm Danakil lại là nơi lưu giữ một truyền thống văn hóa đang dần biến mất: Những đoàn lạc đà chở muối vượt qua vùng sa mạc khô cằn.

Vùng lõm Danakil, được hình thành bởi sự va chạm của một số mảng kiến tạo trên biên giới Ethiopia, Eritrean và Djibouti, không chỉ là một vùng chảo cực nóng - phổ biến là 43 đến 50 độ C - mà còn là nơi có nhiều kỳ quan địa chất tuyệt đẹp.

Phần lớn khách du lịch đến đây đều tới thăm Erta Ale, ngọn núi lửa cao 600 m còn hoạt động sở hữu hồ nham thạch lớn nhất thế giới. Khung cảnh tại đây tựa như một bức tranh siêu thực với suối nước nóng lưu huỳnh, đồng bằng nham thạch và sự kết hợp giữa sulphate, đồng oxide và mỏ muối.

Cuộc sống ở “Cổng địa ngục” - 2

Vùng lõm Danakil sở hữu những kỳ quan địa chất đẹp tuyệt vời. Ảnh: Dave Stamboulis

Bộ lạc người Afar đã định cư tại vùng đất này hàng thế kỷ, kiếm sống bằng cách chiết xuất muối từ những hồ khoáng chất rải rác ở Danakil và vận chuyển chúng qua sa mạc bằng lạc đà. Cũng giống như người Kurd, nơi sinh sống của họ trải rộng tại nhiều quốc gia nhưng không hề sở hữu riêng vùng đất nào.

Mặc dù tộc Afar là những người chăn gia súc, họ lại lừng danh bởi sự dữ tợn, tự hào, độc lập và không được hiếu khách, có lẽ là do điều kiện sống khắc nghiệt xung quanh.

Trước khi bị Ý xâm chiếm vào Thế chiến II, bộ lạc Afar được biết tới với nghi thức “chào đón” những người ngoại quốc xâm nhập bằng cách cắt tinh hoàn của họ. Dù tập tục này không còn nữa, vài năm trước một nhóm nổi dậy đã bắt cóc một số du khách, khiến cho binh lính Ethiopia phải canh gác khu vực này.

Cuộc sống ở “Cổng địa ngục” - 3

Suối nước nóng lưu huỳnh tại Danakil. Ảnh: Dave Stamboulis

Công việc khai thác muối ở đây đòi hỏi yêu cầu rất cao khi công nhân phải dùng cuốc và rìu để chặt hoặc cắt những viên gạch muối trong cái nóng như thiêu đốt để kiếm đc khoảng 6 USD/ngày.

Một người chăn lạc đà trẻ tuổi tên Mohammed cho biết anh ta chọn một công việc dễ dàng nhưng ít tiền hơn: tải hàng và đưa lạc đà qua sa mạc. Mohammed thường dẫn một đoàn khoảng 15-20 con lạc đà, mỗi con chở khoảng 4 kg muối, băng qua quãng đường dài 80 km trên sa mạc đến ngôi làng Berahile. Mỗi chuyến đi thường kéo dài khoảng 2-3 ngày.

Cuộc sống ở “Cổng địa ngục” - 4

Những chuyến hàng chở muối băng qua sa mạc. Ảnh: Dave Stamboulis

Với mỗi chuyến hàng, nhóm của Mohammed thu được khoảng 135 USD nhưng phần lớn số tiền này thuộc về chủ của những con lạc đà và tiền thức ăn cho chúng. Mohammed và những người khác chỉ được giữ lại một phần ít ỏi.

Trước đây, những đoàn chở hàng lạc đà từng đưa muối đến tận TP Mekele, thủ phủ của khu Tigray. Từ thành phố này, muối mới được phân chia sang những nơi khác ở Ethiopia và Vùng Sừng châu Phi. Tuy nhiên, con đường mới được xây dựng khoảng 1 thập kỷ qua đã thay đổi điều này. Giờ đây, xe tải có thể đến lấy muối ngay từ làng Berahile.

Cuộc sống ở “Cổng địa ngục” - 5

Ảnh: Dave Stamboulis

Những thay đổi lớn hơn vẫn nằm ở phía trước khi các công ty xây dựng đang làm một con đường nối làng Berahile tới Hamid Ela, chỉ cách các mỏ muối khoảng 50 km và một ngày đường. Việc bộ lạc Afar còn giữ được truyền thống lâu đời của họ thêm bao lâu vẫn là một ẩn số

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Hạnh (Người lao động)
Du lịch, lễ hội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN