Có một thiên đường dành cho Trekking

Sự kiện: Du lịch, lễ hội

Có một vùng đất, nếu mới nghe tên người ta thường nghĩ đó là nơi chỉ có chiến tranh và chết chóc. Nhưng khi đã đặt chân đến, ai cũng sẽ choáng ngợp trước thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ với những cánh rừng thông phủ đầy tuyết trắng, giữa dòng sông xanh ngọc đến mơ màng… Đó là vùng đất phía Bắc Pakistan, nơi khiến chúng tôi "bỏ lại một phần trái tim".

Ấn tượng ở kỳ quan thứ 8 của thế giới

Từ thủ đô Islammabad, tôi đã phải ngồi xe 14 tiếng trên tuyến đường cao tốc Karakoram để đến thị trấn Chilas nằm dọc dòng sông Indus. Người ta gọi tuyến đường cao tốc Karakoram là kỳ quan thứ 8 của nhân loại,  nối ba tỉnh Punjab, Khyber Pakhtunkhwa và Gilgit-Baltistan, bắt đầu từ Punjab và kết thúc ở Kashgar, Tân Cương thuộc Trung Quốc.

Cao tốc Karakokam chạy dài theo những con sông Indus, Gilgit, qua thung lũng Hunza, tiếp nối vào Khunrejab - Khu bảo tồn thiên nhiên với nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm như linh dương, báo tuyết, Macco Polo sheep, Blue sheep, chó sói Tây Tạng…

Có một thiên đường dành cho Trekking - 1

Chính quyền Pakistan đặt trên đỉnh đèo Khunjerab ở độ cao 4730m, cạnh cửa khẩu biên giới sang Trung Quốc một cây ATM được mệnh danh là cây ATM cao nhất thế giới.

Vào một ngày nắng đẹp, chúng tôi đi hết cao tốc Karakoram thuộc địa phận Pakistan, may mắn gặp những đàn linh dương nhẩn nha xục xạo cỏ dưới lớp tuyết trắng xóa. Thời gian như ngừng lại, chỉ còn con người nhỏ bé trước thiên nhiên hùng vĩ. Tuyến đường huyết mạch này cũng thường xuyên tắc nghẽn, phần lớn do động đất, sạt lở núi và tuyết phủ dầy.

Có một thiên đường dành cho Trekking - 2

Ngược dòng thời gian, con đường này xưa kia là cầu nối huyết mạch giữa vùng đồng bằng của Pakistan với các vương quốc cổ, cũng là con đường kết nối Nam Á với Tây và Trung Á. Nó đã từng là một nhánh của Con đường tơ lụa, con đường giao thương, cũng là con đường truyền bá tôn giáo, mà nhờ nó Phật giáo được truyền bá vào Trung Quốc và Tây Tạng.

 Lịch sử hình thành nên kỳ quan thứ 8 này là một hành trình dài. Năm 1950, Trung Quốc quản lý một phần Ladakh, Baltistan và vùng thượng lưu thung lũng Shimshal. Năm 1964, một thỏa thuận biên giới được ký kết giữa Pakistan và Trung Quốc.

Theo đó Trung Quốc trả lại vùng lãnh thổ rộng 2000 km2 và đề nghị thiết lập mối liên kết hai quốc gia. Năm 1966, hai nước bắt tay vào một trong những dự án xây dựng lớn nhất kể từ thời xây dựng Kim tự tháp: xây dựng tuyến đường hai làn, dài 1.200km xuyên qua những ngọn núi cao nhất trên thế giới là Pamir và Karakoram, từ Kashgar ở Trung Quốc đến Havelian ở Pakistan.

Bé gái người Hunza.

Bé gái người Hunza.

Quá trình xây dựng kéo dài suốt 20 năm, Pakistan bắt đầu khởi công phần đường phía mình dọc thung lũng Indus, kéo dài 400km giữa Swat và Gilgit. Năm 1968, đoạn đường này được hoàn thành. Năm năm sau đó, đến năm 1973, công nhân Pakistan làm việc ở phía Bắc từ Ấn Độ, trong khi người Trung Quốc chịu trách nhiệm xây dựng con đường qua Đèo Khunjerab đến Gulmit...

Đã có khoảng 100 cây cầu từ Khunjerab đến Thakot đều do người Trung Quốc xây dựng. Cuối năm 1979, KKH được tuyên bố hoàn thành tại Pakistan. Tháng 8-1982, KKH chính thức được khánh thành, đèo Khunjerab được mở cho giao thông chính thức và giao thương xuyên biên giới.

Karakoram chạy dọc theo dòng sông Hunza - Góc nhìn từ pháo đài Baltis.

Karakoram chạy dọc theo dòng sông Hunza - Góc nhìn từ pháo đài Baltis.

Năm 1986, đèo Khunjerab và con đường đến Kashgar được mở cho du lịch. Để xây dựng con đường này, phía Pakistan và Trung Quốc đã huy động hàng chục nghìn người. Xây dựng trong điều khiện khí hậu khắc nhiệt, liên tục xảy ra sạt lở đất vì thế đã có hàng trăm người bỏ mạng khi làm tuyến đường này…

Nơi cuộc sống êm đềm giữa núi cao và sông băng

Gilgit- Patistan nằm ở phía Bắc Pakistan với hơn 100 đỉnh núi cao trên 7.000m, chiếm 5 trong 14 đỉnh trên 8.000m cao nhất thế giới, và hàng trăm đỉnh núi cao từ 4000 - 5000m so với mực nước biển, được mệnh danh là thiên đường của những nhà leo núi và du khách yêu thích bộ môn đi bộ đường trường.

Đây là nơi hội tụ của ba dãy núi lớn Himalaya với đại diện là đỉnh Nangar Parbat cao 8.126m, cao thứ 9 thế giới; Karakoram với đỉnh K2 cao 8.611m chỉ sau đỉnh Everest và Hindu Kush với đỉnh Tirich Mir cao 7.706m.

Cùng với những đỉnh núi cao là những sông băng vĩnh cửu, nổi bật nhất là sông băng Baltoro dài khoảng 63km, một trong những sông băng dài nhất thế giới. Tới đây, du khách có thể chọn cho mình một tuyến leo núi, đi bộ trên sông băng từ 2 ngày đến vài tháng hay… vài năm tùy theo thể trạng của người leo núi không chuyên. Một trong những tuyến trek nổi tiếng nhất dành cho khách bộ hành là K2BC (Karakoram 2 base camp) kéo dài từ 10 đến 20 ngày, tất cả hành lý tư trang, lều trại cho quãng đường trekking hơn 100km.

Đỉnh núi Rakaposhi ẩn hiện trong mây buổi sáng.

Đỉnh núi Rakaposhi ẩn hiện trong mây buổi sáng.

Nếu bạn chỉ có 7  - 10 ngày, có thể chọn cho mình tuyến trek sông băng Baltoro với những tảng băng khổng lồ dưới chân những đỉnh cao hơn 7000m. Còn nếu chỉ có 3 - 4 ngày, không gì tuyệt vời hơn cung trek Fairy Meadow với đỉnh Nangar Parbat ngạo nghễ, trải nghiệm cảm giác nghẹt thở khi chiếc xe Jeep băng qua những con đường mòn chênh vênh lưng chừng núi, dưới chân là vực thẳm, hay băng qua những rừng thông phủ đầy tuyết trắng giữa những ngày thu tháng 10.

Bên cạnh đó, có thể kể đến vô số các cung trek dài ngắn tới base camp của những đỉnh núi như Diran, Golden Peak, Rakaposhi, Pamiri Sar, Ultar,…Hoặc đơn giản, những cung trek kéo dài một ngày xuyên qua những ngôi làng mơ màng dưới những tán cây và hàng rào đá, những dòng sông xanh ngọc.

Nằm dưới những dãy núi hùng vĩ, những thung lũng được điểm tô bởi những dòng sông vắt ngang, những ngôi làng với những mái nhà thấp thoáng dưới những tán cây đổi màu vàng đỏ mỗi độ thu về. Đó là thung lũng Hunza, thung lũng Nagar, Iskoman, Yasin hay Phandar, những thung lũng này là nơi con người sinh sống, nương tựa vào thiên nhiên.

Hơn 1.000 năm trước, vùng Gilgit Batistan bao gồm rất nhiều tiểu vương quốc. Những năm cuối thế kỷ XIX, vùng này và những vùng lãnh thổ khác của Pakistan ngày nay, cùng với Ấn Độ trở thành thuộc địa của Anh. Năm 1947, Anh trao trả độc lập cho Ấn Độ, tách thành Ấn Độ và Pakistan ngày nay.

Thung lũng Hunza giờ đây được biết đến là một trong những điểm thu hút khách du lịch bậc nhất của Pakistan. Hunza từng tồn tại là một vương quốc độc lập cho đến tận năm 1974. Ngoại hình của người Hunza gần như khác biệt hoàn toàn với phần dân số còn lại của Pakistan.

Có giả thuyết cho rằng người Hunza chính là dòng dõi hậu duệ của đội quân thời Alexander Đại đế, họ mang vẻ đẹp lai giữa người Châu Á và Châu Âu, sống mũi cao, nước da trắng hồng, vóc dáng cao lớn. Dù tôn giáo chính vẫn là Hồi giáo, song người Hunza theo nhánh Shia Ismaili, một trong những nhánh tiến bộ bậc nhất của Hồi giáo. Phụ nữ và trẻ em được chú trọng và hưởng nền giáo dục tiến bộ, phần lớn họ có thể giao tiếp được bằng tiếng Anh.

Sống dưới thung lũng có độ cao khoảng 2500m được bao quanh bởi những dãy núi cao trùng điệp, điều kiện vật chất, cơ sở hạ tầng không tiện nghi, đặc biệt là hệ thống điện nước còn chưa phát triển, người dân vùng này dùng nguồn nước từ sông băng ngay phía sau pháo đài Baltis.

Khách sạn chúng tôi nghỉ lại là khách sạn lớn nhất vùng này, khi nhận phòng, chúng tôi đã rất ngạc nhiên bởi nước chảy từ bồn rửa mặt lại có màu đen nhờ nhờ. Một chị trong đoàn hứng đầy cốc nước rồi đợi lắng xuống, đáy cốc nước là cả một lớp khoáng chất đen đen. Mang lên hỏi lễ tân, họ nói, hàng trăm năm nay, người dân xứ này vẫn dùng nước này cho mọi hoạt động sinh hoạt, nấu nướng.

Nước lấy từ nguồn sông băng mang theo nhiều khoáng chất, có chăng đó là một trong những nguyên dân khiến cho dân vùng này sống… rất thọ. Theo thống kê tuổi thọ trung bình của người dân vùng này trung bình trên 90 tuổi, phụ nữ vẫn có thể sinh nở khỏe mạnh ở độ tuổi… 60.

Tôi đang nghe âm thanh của mùa xuân đến, lũ chim ríu rít trong những khu vườn ngập sắc trắng tinh khôi của hoa táo, hoa mận, hoa cherry, sắc hồng phớt của những gốc đào cổ thụ nằm xen lẫn giữa những con đường chạy dọc theo bờ rào đá trong những ngôi làng.

Tôi ngửi thấy mùi dịu dàng của mùa Thu, những cơn gió khẽ khàng luồn lách qua tấm áo choàng rực rỡ sắc đỏ, sắc vàng của rừng lá, của ánh nắng nhảy nhót trên làn da ửng hồng của đứa trẻ đang chạy dọc trên những con đường làng. Một lần tới vùng đất này, mỗi ngày sau đó đều tin rằng mình sẽ trở lại, có thể sẽ là một cung đường trek tới trại K2BC.

Khi bạn đọc tới những dòng cuối cùng của bài viết này, tôi tin rằng, phần nào đó, bạn đã biết về một Pakistan rất khác, nơi mà không chiến tranh, nơi mà dường như thời gian, không gian và con người hòa quyện trong một bản du ca hồn nhiên, đẹp mộc mạc. Và rằng, liệu bạn sẽ có như tôi, khi trở về để  mang theo cả một bầu trời nhung nhớ.

Những vùng biển đảo đẹp nhất thế giới khiến du khách mê mẩn

Du lịch biển là một trong những hoạt động được nhiều người ưa thích nhất hiện nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Thu ([Tên nguồn])
Du lịch, lễ hội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN