Có gì bên trong ngôi mộ cổ nhất châu Phi?
Mới đây, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra một ngôi mộ tại Kenya có niên đại gần 80.000 năm và xếp hạng đây là ngôi mộ cổ nhất châu Phi. Giới chuyên gia đánh giá, "khám phá ngoại mục" này góp phần giúp họ hiểu thêm về nhận thức và hành vi của con người từ xa xưa.
Theo thông tin công bố trên tạp chí Nature, ngôi mộ này có niên đại 78.000 năm tuổi và là mộ của "Mtoto" - một đưa trẻ 3 tuổi. Cụ thể, Mtoto được chôn tại Panga Ya Saidi, một hang động rộng lớn nằm bên trong một khu rừng, cách bờ biển Kenya gần 10 km.
Thi hài của Mtoto được bọc trong một tấm vải liệm và đặt theo tư thế của một bào thai. Các nhà nghiên cứu cho rằng tư thế này gợi lên một nghi thức tang lễ được phát triển trong cộng đồng của người săn bắn hái lượm Homo Sapiens - tộc người cư trú tại đó cách đây 78.000 năm.
Bên trong ngôi mộ cổ nhất châu Phi là thi hài một đưa trẻ khoảng 3 tuổi. Ảnh: MaxPlanck Institute / CENIEH.
Nhà cổ nhân học tại Bảo tàng lịch sử tự nhiên quốc gia ở Paris (Pháp), Antoine Balzeau bình luận, việc tìm thấy thi thể của một đứa trẻ được bảo quản tốt như vậy là rất hiếm hoi ở châu Phi - nơi phát hiện rất ít các hóa thạch người cổ đại.
Giáo sư nghiên cứu chính của dự án Nicole Bovin cho biết, con người không giống với tinh tinh, bởi con người đã bắt đầu phát triển các hệ thống tín ngưỡng phức tạp trong hoạt động mai táng từ xa xưa. Và điều đó thể hiện rất rõ qua các kết quả nghiên cứu từ ngôi mộ cổ này.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Maria Martinon Torres - nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm quốc gia về tiến hóa con người ở Burgos (Tây Ban Nha) đánh giá, việc đặt Mtoto "như một đứa bé đang ngủ" và được che chở bằng một tấm vải liệm chứng minh rằng con người cổ đại ở châu Phi cũng sống trong một thế giới biểu tượng. Do vậy, họ có những nhận thức sớm - điều mà các nhà nghiên cứu đang cố gắng tìm hiểu.
Niên đại ngôi mộ cổ hoàn toàn không tương đồng với cách thức xây dựng và độ nguyên vẹn đặc biệt của nó.
Nguồn: [Link nguồn]