Cô gái Bình Thuận 'ké xe, ngủ nhờ' phượt Trung Á trong 4 tuần kể sự cố nhớ đời
Nguyễn Khánh Trang có hành trình 4 tuần khám phá hai quốc gia Trung Á, Kazakhstan và Kyrgyzstan, vào hồi tháng 4. Chủ yếu đi nhờ xe, ngủ nhờ nhà người dân địa phương, nên cô gái Việt chỉ tốn 24 triệu đồng nhưng có vô vàn trải nghiệm thú vị.
Cô gái quê Bình Thuận - Nguyễn Khánh Trang (26 tuổi), hiện là giáo viên tiếng Anh online, vừa kết thúc hành trình 4 tuần phượt xuyên hai quốc gia Trung Á.
Ngoài 3 đêm ở nhà nghỉ, hơn 20 ngày còn lại, Khánh Trang ngủ nhờ ở nhà người dân địa phương. Hầu hết các chặng trong hành trình, Trang di chuyển bằng phương tiện công cộng hoặc bắt “ké xe” dọc đường.
"Cách du lịch của mình có thể hơi khác biệt trong suy nghĩ của nhiều người. Nhưng mình thích cảm giác trải nghiệm, hòa vào cuộc sống từng vùng đất ghé qua. Trong suốt 4 tuần, mình đã gặp rất nhiều người xa lạ tốt bụng, ấm áp, khiến hành trình trở nên tuyệt vời hơn”, Khánh Trang chia sẻ.
Khánh Trang trên đường trekking tới Altyn Arashan - nơi có thảo nguyên rộng bao la, những ngọn núi tuyết thuộc dãy Thiên Sơn đẹp không kém Thụy Sĩ.
19 tuổi và ước mơ trở thành dân "du mục số"
Sinh ra và lớn lên ở Bình Thuận, thời học sinh, Khánh Trang không có nhiều cơ hội du lịch. Tuy vậy, cô học trò sớm thích thú với ngoại ngữ, mong muốn được khám phá nhiều vùng miền trong và ngoài nước.
Trang từng định hình trong suy nghĩ, muốn đi du lịch - bản thân phải có nhiều tiền. Điều đó khiến cô khao khát học tập, làm việc chăm chỉ.
"Quan điểm của mình thay đổi vào năm 19 tuổi. Khi đó mình vô tình gặp một du khách nước ngoài từng tới rất nhiều quốc gia trên thế giới, khám phá về cuộc sống bản địa.
Bác ấy chia sẻ những câu chuyện thú vị, cách du lịch với chi phí ít ỏi nhưng giàu trải nghiệm. Từ đây, mình biết về khái niệm dân du mục số (digital nomad) - những người vừa du lịch vừa làm việc ở bất cứ đâu có internet", Khánh Trang kể.
Khánh Trang trong chuyến đi Bali (Indonesia) 30 ngày với chi phí 20 triệu đồng
Năm 19 tuổi, trong kỳ nghỉ, nữ sinh năm thứ hai Đại học Kinh tế - Luật TPHCM quyết định xách balo lên và đi xe khách sang Campuchia, Thái Lan trong 11 ngày. "Đây là hai quốc gia gần Việt Nam, có chi phí rẻ và không cần visa”, Trang cho biết.
"Du lịch một mình, sợ mẹ lo nên mình nói là đi cùng bạn bè. Mãi sau này, thực hiện nhiều chuyến đi an toàn, mình mới dám tâm sự với mẹ”, Trang nói thêm.
Lần đầu đến quốc gia khác, cô gái Việt mang theo nhiều háo hức, mong chờ. Trang thích thú ngắm nhìn những cung đường, công trình kiến trúc độc đáo, thưởng thức ẩm thực địa phương.
Ở Campuchia, cô gặp nhiều người Việt, người gốc Việt sang làm ăn, sinh sống. Điều này làm Trang có cảm giác gần gũi, an toàn hơn.
Năm 20 tuổi, Trang đến Singapore và Malaysia du lịch. Đây là lần đầu, cô trải nghiệm du lịch ngủ nhờ. Tại Singapore, cô ngủ nhờ ở căn hộ, kí túc xá của bạn bè. Sang Malaysia, cô gái Việt ở một gia đình người Hồi giáo.
"Chị chủ nhà không chỉ cho mình ở nhờ, mà còn lái xe đưa mình khám phá. Đêm đó, ở trên xe, do quá mệt, mình ngủ thiếp đi đến khi trời sáng. Tỉnh dậy, mình vẫn thấy chị ngồi trong xe chờ đợi. Chị kể, mình ngủ say quá, chị gọi thế nào cũng không tỉnh dậy. Chị đành ngủ trong xe, chờ mình thức giấc”, Trang nhớ lại.
Những quốc gia Đông Nam Á như Campuchia, Thái Lan, Malaysia… Trang đều trở lại rất nhiều lần. Năm 2021, trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Trang có lựa chọn táo bạo, chuyển tới Malaysia làm việc và khám phá.
Cô làm chuyên viên chăm sóc khách hàng tại Penang, vùng đất được mệnh danh là đảo ngọc của Malaysia.
Trang có quãng thời gian làm việc thú vị tại Penang, Malaysia
"Những chuyến du lịch du mục vẫn được mình thực hiện thường xuyên trong các kỳ nghỉ phép. Mình luôn khao khát được thay đổi địa điểm sống để tìm kiếm năng lượng mới”, Trang chia sẻ.
Tháng 8/2022, Trang trở về Bình Thuận, bắt đầu công việc dạy ngoại ngữ online, liên tục di chuyển giữa TPHCM - quê nhà Bình Thuận và du lịch Đông Nam Á. "Ở bất cứ đâu, chỉ cần có internet, mình vẫn có thể duy trì tốt công việc”, Trang cho hay.
Một tháng đáng nhớ tại Trung Á
Trang thật thà chia sẻ, cô có kế hoạch tới Trung Á khi vô tình đặt được vé máy bay rất rẻ, chỉ 8 triệu đồng (khứ hồi, từ Malaysia). Thêm vào đó, hai quốc gia Kazakhstan và Kyrgyzstan miễn visa cho người Việt, du khách chỉ cần mang hộ chiếu còn hạn ít nhất 6 tháng để nhập cảnh.
Trước chuyến đi đầu tiên ra khỏi Đông Nam Á, Trang dành hai tuần nghiền ngẫm thông tin trên các hội nhóm, blog du lịch trong và ngoài nước. Ban đầu, cô gái Bình Thuận mong muốn tìm người đi cùng nhưng vì đặc thù vừa đi vừa làm việc, Trang không dễ để lên lịch trình phù hợp với bạn đồng hành.
Cuối tháng 3, Khánh Trang lên chuyến bay kéo dài gần 11h để tới sân bay quốc tế Almaty, Kazakhstan. Thời điểm này là mùa xuân ở Trung Á, nhưng Almaty đón Trang bằng cơn mưa xối xả, nhiệt độ giảm sâu, khoảng 5 độ C.
Sau hành trình dài và sự thay đổi thời tiết bất thường, Trang mệt mỏi. "Khó khăn tiếp theo với mình là bất đồng ngôn ngữ. Đa số người dân Trung Á nói tiếng Nga hoặc tiếng địa phương, tiếng Anh chủ yếu chỉ có số ít bạn trẻ hiểu”, Trang cho hay.
Ở Trung Á có văn hóa "after stop" tạm hiểu là quá giang. Nhiều người trên đường hay giơ tay ra xin đi nhờ, người lái xe tiện đường thì cho đi, có khi lấy tiền hoặc không. Nhờ đặc điểm này, cô gái Việt đã đi ké xe khá thuận lợi trong suốt chuyến đi, tiết kiệm được nhiều chi phí.
Tuy nhiên, hai ngày đầu trải nghiệm đi nhờ xe của Trang cũng lắm gian nan. Từ Kazakhstan đến Kyrgyzstan, Trang đã trải qua 500km với hơn 10 chuyến xe.
"Ngày đầu thử bắt nhờ xe, mình thất bại thảm hại. Mình cầm tờ giấy A4, ghi rất to địa điểm muốn đến. Nhưng không ai dừng xe vì ở đó chủ yếu là người địa phương, chỉ đi loanh quanh trong khu vực.
Mình nhận ra không nên bắt nhờ xe trong khu vực có tuyến xe buýt hoặc taxi hoạt động, thứ hai là nên chọn quãng đường ngắn", Trang cho hay.
Ngày thứ 2, trong một quán ăn địa phương, Trang gặp một chú lái xe trung tuổi. Cô mạnh dạn tới bắt chuyện, hỏi thăm người này có tới Charyn Canyon. Bất ngờ, ông gật đầu rồi nhận lời chở Trang tới đó.
"Chị chủ quán ăn nghi ngại, khuyên mình đừng đi vì quãng đường này rất xa, không ai tốt tới thế. Nhưng với kinh nghiệm 6 năm lang thang khắp nơi, mình tin vào cảm nhận của bản thân.
Mình lên xe, chú vui vẻ chia sẻ về cuộc sống tại đây, ngân nga những bài ca. Mình được chú dẫn đi tham quan Charyn Canyon như một hướng dẫn viên chuyên nghiệp", Trang nhớ lại.
Charyn Canyon được xem là Grand Canyon của châu Á với quy mô nhỏ hơn
Chạy dài khoảng gần 150km dọc theo sông Charyn là những khối đá nhiều hình dạng và màu sắc, thay đổi từ cam đậm đến nâu nhạt.
Trang dành cả nửa ngày di chuyển và 3 tiếng lưu lại đây chỉ để ngắm nhìn hẻm núi từ trên đỉnh và choáng ngợp trước cảnh hồ nằm sâu cuối hẻm núi, nước trong xanh màu ngọc bích.
Người đàn ông tốt bụng đưa Trang tới Charyn Canyon
Tất nhiên, trong hành trình đi ké xe, Trang cũng gặp một số người đàn ông có ý định "gạ gẫm". Tuy nhiên, Trang bình tĩnh xử lý, thường nói dối "đã kết hôn" và thể hiện thái độ kiên quyết.
Ngoài đi nhờ xe, Trang cũng ở nhờ nhà người dân để được trao đổi văn hóa, thực hành lối sống bản địa. Trong gần 4 tuần, Trang trải nghiệm cuộc sống ở 3 gia đình khác nhau.
“Mình tìm kiếm các gia đình chủ nhà trên ứng dụng Couchsurfing.com. Mình sẽ đọc thật kĩ những bình luận của du khách từng ở nhờ để lựa chọn nơi phù hợp.
Mình cũng chia sẻ cụ thể với chủ nhà hành trình của bản thân, kế hoạch vừa đi vừa làm việc và nhất là việc mình ăn chay trường”, Trang cho hay.
Tại Karakol, Kyrgyzstan, một phụ nữ Thụy Sĩ đã cho Trang ở nhờ gần hai tuần. Chủ nhà dành một phòng riêng với đầy đủ tiện nghi từ giường, bàn làm việc và tin tưởng giao chìa khóa nhà cho cô. Căn hộ rất dễ thương và ấm áp.
"Mình nhắn tin liên hệ với các gia đình chủ nhà từ khi ở Việt Nam. Mình có hỏi ý kiến họ về cà phê hay trà để chuẩn bị những phần quà nhỏ, mang sang biếu tặng. Thời gian sống cùng chủ nhà, mình có thể phụ giúp đi chợ, nấu ăn. Họ đều thân thiện và mến khách”, Trang cho hay.
Trong hành trình ở Trung Á, hình ảnh ấn tượng nhất với Trang là tuyết và những núi tuyết trắng hùng vĩ. Cô thường chọn du lịch trekking tới những vùng thung lũng, núi đồi hoang sơ tại Kyrgyzstan.
Một ngày, Trang quyết định trekking hơn 12km tới Altyn Arashan - nơi có thảo nguyên rộng bao la, những ngọn núi tuyết thuộc dãy Thiên Sơn đẹp không kém Thụy Sĩ.
Trang bắt đầu hành trình trekking vào buổi trưa. Càng lên cao, nhiệt độ càng giảm sâu, không khí loãng, con đường dốc khúc khuỷu và lởm chởm đá. Nhiều lúc, Trang muốn bỏ cuộc. May mắn, cô gặp hai du khách người Hà Lan. Họ liên tục cổ vũ, động viên cô gái châu Á bé nhỏ, mảnh khảnh.
"Điểm đến cuối hành trình là một ngôi làng bình yên nằm giữa núi tuyết hùng vĩ. Khung cảnh đẹp như trong tranh, xứng đáng với công sức mình bỏ ra suốt mấy tiếng”, Trang chia sẻ.
Trang trekking hơn 12km tới Altyn Arashan
Tại ngôi làng có dịch vụ lưu trú qua đêm nhưng vì lời hẹn mời chủ nhà ăn tối, Trang quyết định quay về lúc 17h. Cô không biết thời điểm này là quá muộn, các đoàn khách đã rời làng từ lâu. Trang một mình lê bước trên con đường với cái chân đau nhói, điện thoại chỉ còn 1% pin. Thậm chí, cô bắt gặp một chiếc xe rơi vào vách núi.
"Lúc đó mình thực sự đã tuyệt vọng. Bất ngờ, có chiếc xe khách cuối cùng chở đoàn khách người Nga từ làng ra. Thấy mình vẫy xe, họ tốt bụng cho đi nhờ”, Trang nói. Nhưng chuyến xe "bão táp" không kém vì đoạn đường quá gập ghềnh, nhiều sỏi đá. Có lúc, khách bị hất văng khỏi ghế.
"Các vị khách dường như đã quen nên rất bình tĩnh, chỉ có mình hét lên sợ hãi”, Khánh Trang kể.
Cuối cùng cô cũng trở về nơi ở an toàn. "Đây là trải nghiệm nhớ đời nhưng vẫn rất may mắn của mình. Khi xuống xe, mình xin gửi tiền cảm ơn bác tài nhưng bác từ chối", Trang nói.
Những người bạn dễ thương Trang gặp trong hành trình
Dù rất hài lòng với những trải nghiệm tuyệt vời tại hai quốc gia Trung Á, song Khánh Trang cũng có một số lưu ý dành cho mọi người.
Theo nữ du khách, nhà vệ sinh và nhà tắm ở các vùng hẻo lánh là điều rất xa xỉ. Nếu lưu trú tại các địa điểm du lịch xa trung tâm thành phố, bạn sẽ thấy nhà dân không có hệ thống nước nóng, nhà vệ sinh dựng kiểu đào hầm, bắc ván để ngồi.
Chi phí sinh hoạt ở Kazakhstan và Kyrgyzstan đều ngang với Việt Nam nên việc ăn uống, mua sắm không quá tốn kém. Tuy nhiên, du khách cũng nên trả giá. Đặc biệt trong các khu chợ du lịch, theo Trang, nên trả giá xuống còn 1/2 - 1/3 giá ban đầu.
Dịch vụ du lịch tại các vùng xa xôi hẻo lánh rất hạn chế
Người địa phương trong các thành phố thường nói tiếng Nga, vùng ngoại ô thì nói tiếng bản địa. Du khách có thể dùng các ứng dụng điện thoại để dịch thuật. Tuy nhiên, khu vực đường cao tốc hay ngoại ô, internet rất kém, bạn sẽ phải dùng nhiều ngôn ngữ cơ thể.
"Một điều nữa, người dân hai quốc gia này ăn rất nhiều thịt bò, cừu, ngựa. Việc tìm quán ăn chay tại đây vô cùng khó. Có lần, mình bị đuổi khỏi nhà hàng khi muốn nhờ làm món chay nhưng họ từ chối", Trang kể.
Chi phí chuyến đi được Trang chia sẻ chỉ tốn khoảng 24 triệu đồng. Trong đó, vé máy bay 11 triệu đồng; nhà nghỉ 1 triệu đồng; ăn uống đi lại, quà cho chủ nhà và vé vào điểm du lịch khoảng 8 triệu đồng; chi phí quá cảnh Kuala Lumpur (Malaysia) và quà mua về nhà khoảng 4 triệu đồng.
Nguồn: [Link nguồn]
Cô gái quê ở Tuyên Quang đã đánh dấu thanh xuân tuổi 22 của mình trở nên rực rỡ hơn bằng chuyến du lịch một mình đến đất nước bạn Lào. Một thân một mình trên “đất khách quê người”, cô gái gen Z đã tích lũy cho mình được những bài học giá trị và nhất là được cảm nhận về vẻ đẹp thiên nhiên, con người... đất nước láng giềng.