Chuyện về bộ ngực phụ nữ ở cầu thang gỗ của người Ê Đê
Cầu thang có ý nghĩa rất quan trọng và linh thiêng đối với người đồng bào dân tộc Ê Đê bởi đó là nơi đầu tiên mà người khách muốn vào trong nhà phải bước qua.
Đến với mảnh đất Tây Nguyên huyền thoại, du khách dễ dàng bắt gặp những nếp nhà dài mộc mạc được làm bằng gỗ, lợp ngói, nằm theo hướng truyền thống từ Bắc đến Nam của người Ê Đê. Tuy nhiên, nhiều điều bí ẩn trong ngôi nhà dài ấy hẳn là không nhiều người biết hết, đặc biệt là chiếc cầu thang.
Ở Tây Nguyên, nhà dài của người Ê Đê được truyền từ đời này qua đời khác. Đó là biểu tượng của đại gia đình mẫu hệ, nơi gìn giữ nét văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Ê Đê, vừa hiện đại vừa cổ xưa. Nhà dài được coi như cồng chiêng, như sử thi, như ghế Kpan, như Giàng và là cả hồn cốt người Ê Đê.
Nhà dài của người Ê đê là kiểu nhà sàn làm bằng gỗ hoặc tre nứa, đủ chỗ cho cả đại gia đình có khi lên tới hàng chục người. Khi đặt chân lên chiếc cầu thang ván vào nhà, ta thấy ngay đôi bầu sữa và hình vành trăng khuyết, những biểu trưng nữ quyền được thể hiện rất rõ nét, thậm chí ngay cả ở cách bài trí đồ đạc trong nhà.
Chiếc cầu thang trong ngôi nhà dài của người Ê Đê tại buôn Ko Tam, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Ảnh: TRÍ TÍN
Chị H’Kêt Niê (buôn Krông B, xã Ea Tur, TP Buôn Ma Thuột), cho biết hai cầu thang ở nhà dài của người Ê Đê là một cầu thang đực và một cầu thang cái. Cầu thang cái đặt ở phía trước nhà dành cho khách và đàn ông, con trai. Cầu thang đực nằm khuất sau nhà dành cho đàn bà, con gái trong nhà. Người phụ nữ Ê Đê không chỉ là chủ gia đình mà còn là chủ làng (người Ê Đê gọi là “pô lăn”). Pô lăn là người đại diện cho việc quản lý đất đai của dòng họ, buôn làng, là người đứng ra giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ buôn làng và với các buôn làng khác.
Cầu thang có ý nghĩa rất quan trọng và linh thiêng đối với người đồng bào dân tộc Ê Đê bởi đó là nơi đầu tiên mà người khách muốn vào trong nhà phải bước qua. Hình đôi bầu vú người phụ nữ trên chiếc cầu thang là vật đầu tiên khẳng định chủ quyền thượng tôn trong ngôi nhà là người phụ nữ. Nhắc nhở mọi người phải nhớ đến công lao của những người phụ nữ đã, đang và sẽ là trụ cột trong nhà. Tuy nhiên, không phải gia đình người Ê Đê nào cũng làm được chiếc cầu thang ấy, mà chỉ những gia đình khá giả mới đủ điều kiện để làm vì nó tốn rất nhiều tiền bạc.
Là người chuyên nghiên cứu và giảng dạy về bộ môn chuyên đề về tiếng Ê Đê Trường ĐH Tây Nguyên, thầy Y Nêy Ra Lan cho biết: “Đặc trưng chế độ mẫu hệ của người Ê Đê thể hiện ở nhiều khía cạnh trong cuộc sống, từ quan hệ gia đình, xã hội đến cả các kiến trúc nhà ở, nhạc cụ cồng chiêng. Cụ thể, người phụ nữ luôn luôn làm chủ, con cái sinh ra mang họ mẹ. Khi người phụ nữ thích ai, yêu ai thì sẽ báo cáo với mẹ, gia đình để cưới người họ yêu. Người được cưới ấy cư trú bên nhà vợ…”.
Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại, những nét văn hóa đặc trưng từ ngôi nhà sàn của người Ê Đê đang ngày càng bị mất đi. Thay vào đó là những ngôi nhà bê tông, gạch ngói… và chiếc cầu thang đặc biệt cũng đang dần đi vào dĩ vãng.
Trung Quốc là một quốc gia có nền văn hóa rất đa dạng với nhiều dân tộc thiểu số cùng chung sống. Có vô số lễ hội...