Chuyện tình băng trên đỉnh Mẫu Sơn
Đỉnh Mẫu Sơn thường có tuyết rơi, là hiện tượng thiên nhiên kỳ thú ở Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm của du khách. Đến đây, họ còn được nghe kể nhiều về câu chuyện tình đầy nước mắt.
Băng tuyết trên Mẫu Sơn giúp du khách có những tấm hình độc đáo khó nơi nào có được
Chuyện tình băng
Chuyện tình băng thật ra đã được cải biên dựa trên sự tích núi Mẫu Sơn lưu truyền bao đời nay. Ở vùng nọ có đôi vợ chồng yêu nhau say đắm. Người chồng tên Phja Pò, xung phong ra trận giết giặc ngoại xâm. Khi trở về, ông nghi ngờ người vợ Phja Mè ở nhà có gian díu với người thanh niên Chóp Chài. Trong cơn nóng giận không tự chủ được, người chồng đã vung gươm chém chết vợ.
Khi biết vợ mình không hề phản bội, ân hận vì hành động tội lỗi, người chồng đau khổ chết lặng đi hoá thành đá núi dãy Công Sơn, nhìn về xác người vợ phía Đông bên kia. Linh hồn người vợ vẫn một lòng thủy chung son sắt, đã tự biến thể xác mình thành dãy núi Mẫu Sơn nhìn về người chồng phía Tây.
Mẫu Sơn là "cha mẹ" của tất cả các ngọn núi ở Lạng Sơn
Nước mắt người vợ tuôn trào thành muôn ngàn ngọn thác đổ theo triền núi, tuôn chảy ngày đêm như thác Bay, thác Uyên Ương, thác Tiên Nữ, hồ Ngọc Bích...Máu của người vợ tuôn ra nhuộm đỏ thắm những cây đào Mẫu Sơn mỗi độ xuân về...
Ngày nay trong vùng biên giới Lạng Sơn người ta sẽ bắt gặp hình ảnh đỉnh núi Phja Pò của dãy Công Sơn đứng khắc khổ đăm đắm nhìn về phía vợ. Bên kia là đỉnh núi Phja Mè của dãy Mẫu Sơn trải rộng dài như tấm lòng thủy chung son sắt của người phụ nữ Việt Nam vẫn ngóng chồng hàng triệu năm.
Ở giữa hai núi là vách đá dựng đứng, vực sâu hơn 700 mét mà nếu đứng từ cầu Yên Khoái km số 8+600 đường đi cửa khẩu Chi Ma trông rất rõ. Còn ở ven thành phố Lạng Sơn, núi Chóp Chài cao hơn 800 mét đứng một mình lặng lẽ.
Đỉnh Phja Pò trên dãy Công Sơn là đỉnh núi cao nhất tỉnh, cao 1.541m. Đỉnh Phja Mè trên dãy Mẫu Sơn là đỉnh núi cao thứ hai, cao 1.520m. Nếu đứng ở trung tâm Khu du lịch Mẫu Sơn nhìn về phía Đông sẽ thấy rõ 2 đỉnh núi này. Phja Pò, Phja Mè là tên gọi tiếng Tày, nghĩa là núi Cha, núi Mẹ (núi chồng, núi vợ).
Ở một ý nghĩa khác, núi này còn là "cha mẹ" của tất cả các ngọn núi ở Lạng Sơn, là biểu tượng tình yêu, tấm lòng kiên trung của người dân, biểu tượng của sự thủy chung son sắt, như núi Tô Thị ở thành phố Lạng Sơn, như người dân Xứ Lạng...
Lưu ý khi có băng tuyết
Khi có băng tuyết dày đa phần bạn sẽ phải đi bộ, các phương tiện giao thông rất khó di chuyển. Quần áo càng kín gió càng tốt, nên chọn loại chống nước nhẹ. Dùng khăn quàng hoặc khẩu trang che kín mũi để tránh bị nhiễm lạnh đường hô hấp.
Hơi nước đóng băng ở Mẫu Sơn
Nên mang theo nước ấm trong bình giữ nhiệt, nếu là nước khoáng thì nên để một chai trong túi áo, khi uống đỡ bị nhiễm lạnh. Bánh kẹo thực phẩm giàu năng lượng, nhiều chất đường, chất béo như sô cô la, bơ, sữa, trứng luộc…sẽ giúp ích cho bạn khi phải thường xuyên tốn năng lượng để giữ ấm và di chuyển dưới trời lạnh giá.
Đối với máy ảnh, máy quay phim cần có túi đựng chuyên dụng, chống sock và chống ẩm. Điện thoại khá phổ biến nhưng lưu ý một số dòng điện thoại có cơ chế tự bảo vệ như tự tắt nguồn khi nhiệt độ bên ngoài quá lạnh, và rất nhanh tốn pin.
Du khách nên có kế hoạch chuẩn bị kỹ khi đến đây, đặc biệt là giữ ấm cơ thể
Việc đột ngột di chuyển thiết bị từ môi trường bảo quản sang sử dụng trong tiết trời lạnh giá, nhiều hơi nước rất dễ ảnh hưởng xấu đến thiết bị, dễ bị mờ ống lens, bám hơi nước bên trong, rơi vỡ…Dưới trời lạnh giá việc thao tác điều khiển thiết bị cũng rất khó khăn. Lời khuyên là chỉ dùng thiết bị khi thực sự cần thiết, nên có sạc dự phòng để chủ động.
Nếu ở vùng lạnh quá lâu mà bạn chưa quen với môi trường đó rất dễ dẫn đến bị cước tay, chân. Nguyên nhân là do máu khó lưu thông đến các vị trí đầu ngón tay, ngón chân, dẫn đến sưng tấy, phù đỏ, ngứa rát rất khó chịu, để lâu có thể dẫn đến hoại tử. Mẹo là khi bị cước, nếu có thể thì đun nước củ cải trắng ngâm tay chân, hoặc lá lốt, lá trầu không, củ gừng, muối hạt...
Hạn chế tiếp xúc môi trường lạnh tối đa. Ngoài ra những người có tiền sử bệnh huyết áp, tim mạch, đặc biệt là xương khớp phải thật chú ý khi tham quan du lịch tại những vùng băng tuyết núi cao.
Ở Mẫu Sơn, nếu sử dụng dịch vụ ăn nghỉ từ các cơ sở tại Khu du lịch để đón chờ băng tuyết, bạn cần có kế hoạch cụ thể và liên hệ kỹ càng trước. Trên núi cơ sở lưu trú không nhiều, thường quá tải mỗi dịp cao điểm du lịch. Rất hiếm phòng có điều hòa không khí, vậy nên hãy mang theo miếng dán giữ nhiệt hoặc chăn mỏng.
Hệ thống cung cấp nước và bình nóng lạnh vào những ngày băng tuyết rất dễ gặp sự cố như đóng băng không chảy, chập cháy thiết bị do quá tải, băng tuyết gây đứt dây điện…Hãy luôn chuẩn bị phương án dự phòng cho mình. Nên tránh xa các đường điện cao thế và cột tháp truyền thanh khi chúng đã đóng băng tuyết bởi băng tan rơi từ độ cao xuống sẽ nguy hiểm.
Ẩm thực đặc trưng Mẫu Sơn
Về ẩm thực đặc trưng Mẫu Sơn có: cá hồi (4 trại nuôi dưới thôn Khuổi Cấp và Khuổi Tẳng), gà 6 cựa, ếch hương, rượu men lá Mẫu Sơn, thịt lợn hun khói. Tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên núi đều đã niêm yết giá cụ thể theo quy định.
Một số điểm khác biệt du khách cần lưu ý, cá hồi được tính theo con/trọng lượng x giá chung. Cá đã qua chế biến lên mâm là khoảng 600 ngàn /kg. Cá mua về chưa qua chế biến là 400 ngàn/kg. Ếch hương thực sự rất hiếm và không phải khách nào cũng có cơ hội được thưởng thức. Giá còn tùy mùa, nhưng nó đắt nhất trong menu thực đơn tại Mẫu Sơn.
Ngồi trên đỉnh Mẫu Sơn thưởng thức đặc sản nơi đây là một trải nghiệm thú vị
Gà 6 cựa được tính theo con. Có thể nhiều khách lẻ muốn ăn gà nhưng ăn không hết thì cơ sở không thể bán số thịt thành phẩm còn lại cho ai cả. Giá gà 6 cựa các cơ sở trên núi mua vào từ bà con dân bản là 280 ngàn/kg gà sống. Còn lên mâm thì một nồi lẩu gà 6 cựa có giá trung bình là 800 ngàn đến 1 triệu/nồi. Thịt hun khói thì tính theo đĩa.
Rượu Mẫu Sơn ủ chum tính theo lít nhé, trung bình 40 ngàn/lít, có những loại rượu rất ngon như tại cơ sở nhà hàng Xứ Hoa Đào (chai xanh bỏ hầm 650 ml) là 120 ngàn/lít.
Nguồn: [Link nguồn]
Ở Việt Nam, hầu như tỉnh nào cũng có núi ngay cả những tỉnh ở đồng bằng sông Hồng hoặc miền Tây Nam bộ. Vậy những tỉnh nào của Việt Nam không có núi.