Chuyến đi Cao Bằng thú vị và lần suýt hết xăng đáng nhớ
Thu Hiền cho hay, từ suối Lê Nin đi đèo 15 tầng, do chủ quan, xe máy của cô gần hết xăng nhưng không biết. May mắn thay, cô được anh công an dẫn đi tìm nhà dân để mua.
Trần Thu Hiền (quê Hải Phòng) đã chọn Cao Bằng làm điểm đến tiếp theo trên hành trình khám phá của mình. Đơn giản vì những thước phim hùng vĩ về cảnh sắc nơi đây khiến cô nàng muốn xách balo lên và đi.
Khung cảnh thanh bình ở suối Lê Nin.
Cô gái 22 tuổi chia sẻ với Tạp chí Du lịch TP.HCM: "Cao Bằng là một trong những nơi mình ấp ủ muốn đi từ 2 năm trước nhưng vì một vài lý do nên đến bây giờ mới thực hiện được. Sở dĩ chọn Cao Bằng cho chuyến đi lần này vì mình muốn khám phá tất cả các nơi trên mảnh đất chữ S này và Cao Bằng thực sự hùng vĩ, nơi có núi rừng bao la, bát ngát cùng bề dày lịch sử lâu đời".
Trước khi đi, Thu Hiền đọc được nhiều thông tin về Cao Bằng và đúng như kỳ vọng, đến tận nơi mới thấy Cao Bằng rất đẹp, có cảm giác rất đã, như được sống trọn vẹn, bỏ lại tất cả tấp nập ngoài kia.
"Ấn tượng nhất với mình trong chuyến đi này có lẽ là núi Thủng. Ở đây rất mê, cảm giác mình nhỏ bé giữa núi rừng bao la, xung quanh là núi, nằm đọc sách hay tám chuyện với bạn bè rất chill. Tiếc là hôm mình đi, hồ nước bị cạn", Thu Hiền nói.
Với cô gái này, người dân Cao Bằng cực kỳ thân thiện và hiếu khách. Có hôm các bạn đi ăn bánh cuốn được cô bán bánh cuốn dặn mặc áo ấm kẻo đi đường lạnh. Giây phút ấy khiến Hiền cảm thấy mọi người rất dễ thương và quý mến. Hay hôm các bạn từ suối Lê Nin đi đèo 15 tầng, vì chủ quan và mải buôn chuyện nên xe gần hết xăng nhưng không hề hay biết.
"Cả đoạn đường mấy chục cây số đường đèo không có cây xăng hay nhà dân nào nhưng chúng mình may mắn gặp anh công an dẫn mình đi tìm nhà dân bán lẻ xăng", Hiền nhớ lại.
Cao Bằng hùng vĩ.
Du lịch Cao Bằng đi đâu?
Suối Lê Nin: Nằm cách trung tâm thành phố khoảng 50 km về phía Bắc, đây là nơi Bác Hồ từng làm việc và chính Người đã đặt tên cho con suối này. Đến đây, cô nàng cảm nhận khung cảnh bình yên, vui chơi quên cả thời gian.
Đèo Khau Cốc Chà: Nơi đây nằm trên cung đường Bảo Lạc đi Hà Giang, cách suối Lê Nin khoảng 60 km. Để ngắm được vòng cung 15 tầng khá vất vả, bạn sẽ được trải nghiệm cảm giác từ đi, leo đến bò… nhưng đích đến khiến mọi mệt mỏi dường như tan biến.
Vườn Cam: Nơi đây cách trung tâm thành phố khoảng 3 km, nhưng đi vào suối khoảng 5-6 km, đường ven núi khá khó đi. "Chúng mình xem được review từ năm 2021, chủ quan không gọi cho chủ vườn, cuối cùng vào đến nơi họ bảo phá sản rồi. May mắn là trên đường đi vẫn còn vài vườn cam khác nên xin vào chụp ảnh", Hiền nói.
Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của núi Thủng.
Núi Thủng (núi Mắt Thần): Với Hiền, nơi này đẹp nhất Cao Bằng. Mất 30 phút di chuyển từ trung tâm thành phố, đường khá dễ đi, mất khoảng 1 km xuống chỗ núi hơi khó đi một chút.
Cảnh bình yên.
Thác Bản Giốc: Đây là thác nổi tiếng gần xa, trở thành biểu tượng của Cao Bằng. Đến đây, mọi người có thể cưỡi ngựa chụp hình, đi thuyền ra chân thác... Đi tầm trưa chiều, nước chảy nhiều và đẹp hơn.
Cây hạt dẻ cổ thụ hay vườn hạt dẻ: Nếu đi vào mùa hạt dẻ rụng, chắc sẽ thú vị hơn. Nằm trên đường đi thác Bản Giốc, mọi người có thể ghé tham quan.
Động Ngườm Ngao: Hiền thấy tiếc nuối khi phải bỏ qua điểm này vì nghĩ muộn nên không ghé. Nếu có cơ hội quay lại Cao Bằng, cô nàng nhất định sẽ đến đây.
Với Hiền, kỷ niệm nhớ nhất trong chuyến đi này là hôm đi suối Lê Nin. Theo lịch trình, các bạn sẽ đi đèo 15 tầng, nhưng mải mê chụp ảnh rồi ngồi chill đến hơn 1h mới xuất phát, đến khi về trời tối om.
Ngắm đèo 15 tầng.
"Khoảng cách từ đèo 15 tầng về thành phố khá xa, đường đèo đến hơn 50k m, phải 4-5 km mới có lác đác một vài nhà dân, xung quanh hai bên đường không có một đèn đường, xe chúng mình lại hỏng đèn pha. 2 đứa con gái vừa đi vừa phải nói chuyện to để quên đi nỗi sợ. Hôm đó, trời Cao Bằng càng về tối càng rét đậm, xuống 8-9 độ C, buốt cứng 2 tay. Lúc về được đến thành phố, 2 đứa chân tay run cầm cập. May mắn là đã về đến nhà, lúc đó mình nghĩ xe hỏng hay có chuyện gì không biết ra sao. Mọi người nhớ sắp xếp lịch trình chi tiết, tránh bị về muộn", Hiền chia sẻ.
Hiền lưu ý thêm, có vài nơi không có sóng 4G, nếu được mọi người nên tải trước bản đồ ngoại tuyến hoặc hỏi người dân. Ở đèo 15 tầng, mọi người nhớ đi giày có độ ma sát cao vì đường leo lên dốc và trơn, hoặc cũng có thể thuê đôi dép tổ ong chỗ tạp hóa để đi. Mọi người không nên mang quá nhiều đồ lên, vì lúc leo bạn chỉ muốn vứt chúng đi, nhưng nhớ mang nước và đừng để lại gì ngoài dấu chân của bạn.
Chụp ảnh trong vườn cây trĩu quả.
Ăn gì khi đi du lịch Cao Bằng?
Mọi người có thể thưởng thức phở vịt quay với đầy đủ vịt quay, lạp xưởng; trứng vịt lộn hấp bia Nà Cạn; bánh cuốn Cao Bằng; bánh áp chao, vịt quay; Nâng Café với vài góc sống ảo đẹp.
"Ẩm thực Cao Bằng có lẽ chủ yếu là các món liên quan đến vịt, ăn khá ngon. Những món mọi người nhất định nên thử như bánh áp chao, vịt quay, bánh cuốn cao bằng, trứng vịt lộn hầm bia, cao chằng...", Hiền tiết lộ.
Cảnh đẹp mang đến những phút giây an nhiên cho biết bao du khách.
Lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ.
3 ngày 3 đêm rong ruổi Cao Bằng với chưa tới 2 triệu đồng.
Cô nàng đam mê du lịch, mong muốn có thể đặt chân đến hết 63 tỉnh, thành và có chuyến đi xuyên Việt.
Ẩm thực Cao Bằng ngon miệng.
Nâng Café với vài góc sống ảo đẹp.
Di chuyển: Hiền cùng người bạn xuất phát từ Hà Nội, đặt xe giường nằm Vĩnh Dung. 9h từ bến xe Mỹ Đình và khoảng 4h30 có mặt tại Cao Bằng. Đến Cao Bằng, Hiền book xe máy ở Trung Kiên Motor. Ở đâu: Nhà nghỉ 58M ở trung tâm thành phố. Giá phòng: 250.000 đồng/đêm. Nasan Green Farm tại Trùng Khánh (cách thác Bản Giốc khoảng 15 km). Mọi người có thể lựa chọn Camping tại núi Mắt Thần. |
Nguồn: [Link nguồn]
30 ngày là khoảng thời gian không dài nhưng không quá ngắn, đủ để Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) chiếm một vị trí quan trọng trong lòng cô gái Bắc Ninh.