Chùa Cầu - Hội An: 'Nguy cơ sụp đổ hoàn toàn'
Theo ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, việc trùng tu Chùa Cầu Hội An vừa là để giữ gìn một di tích trong quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Đô thị cổ Hội An, vừa đảm bảo cơ sở tốt nhất để phục vụ du khách.
Trùng tu là vấn đề cấp bách
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam - chia sẻ trước khi quyết định trùng tu, Chùa Cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, các chuyên gia xác định nếu cây cầu không được trùng tu kịp thời thì có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn trong mùa mưa bão sắp tới.
Chùa Cầu là công trình kiến trúc mang tính biểu tượng trong quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Đô thị cổ Hội An, là nơi được nhiều du khách yêu thích ghé thăm và chụp hình lưu niệm. Theo ông Hồng, nếu một di tích đặc biệt như Chùa Cầu bị sụp đổ sẽ ảnh hưởng lớn đến du lịch, làm mất đi một địa điểm tham quan có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, kiến trúc.
Ông Hồng nhấn mạnh việc trùng tu lại Chùa Cầu là cấp bách, vừa để giữ gìn một di tích trong quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Đô thị cổ Hội An, vừa đảm bảo cơ sở tốt nhất phục vụ du khách. Vì thế, UBND Tỉnh, Bộ VHTT&DL đã phê duyệt các đơn vị phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản tiến hành trùng tu Chùa Cầu trong vòng 1,5 năm.
Chùa Cầu sau khi trùng tu. Ảnh: Hoài Văn.
Trùng tu để phát triển du lịch bền vững
Nói về phản ứng trái chiều sau khi trùng tu đã làm mất đi nét cổ kính của Chùa Cầu, ông Hồng chia sẻ: “Có thể khi mới trùng tu, du khách chưa thấy được nét cổ kính, nhưng chỉ cần sau vài năm mưa lũ miền Trung sẽ lại mang đến cho ngôi chùa những nét rêu phong, trầm mặc của thời gian. Những rêu phong, dấu vết thời gian không thể do con người tạo ra, như vậy là 'làm giả', là vi phạm Luật Di sản. Vì thế chúng tôi chỉ có thể phục dựng nó về nguyên trạng ban đầu, còn lại phải để thời gian làm tất cả”.
Ông Hồng khẳng định thêm: “Qua quá trình trùng tu, Chùa Cầu vẫn giữ nguyên giá trị về văn hóa, lịch sử, kiến trúc, đó là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch bền vững, lâu dài".
"Chùa Cầu sau khi trùng tu mang đến biểu tượng đẹp cho quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Đô thị cổ Hội An. Chùa Cầu là nơi dành cho du khách yêu thích chụp hình lưu niệm, nơi đây cũng thu hút những người đam mê nghiên cứu khoa học, khám phá kiến trúc độc đáo, tìm hiểu về lịch sử 400 năm của ngôi chùa. Chính quyền địa phương cũng như Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam luôn cố gắng thu hút được nhiều du khách và tạo nên điểm ấn tượng, điểm yêu mến để níu chân du khách, bên cạnh đó cũng phải đảm bảo cơ sở tốt nhất để phục vụ du khách" - ông Hồng cho biết.
Chị Mai Phương, một hướng dẫn viên du lịch địa phương chia sẻ khi cây cầu chưa trùng tu, chị luôn lo lắng mỗi khi đón khách đoàn tham quan. Chị sợ cây cầu sập khi đón khách, như vậy làm ảnh hưởng xấu tới du khách.
“Cây cầu đã được trùng tu, khiến tôi cảm thấy yên tâm. Tôi mong du khách tiếp tục yêu thích phố cổ Hội An, yêu thích cây cầu hơn 400 tuổi này”, chị Mai Phương cho biết.
Đây không phải là lần đầu Chùa Cầu được trùng tu. Công trình này đã trải qua ít nhất 7 lần tu bổ lớn vào các năm 1763, 1817, 1875, 1917, 1962, 1986, 1996. Quá trình trùng tu Chùa Cầu hiện đã hoàn thành và dự kiến khánh thành vào ngày 3/8, trong chuỗi sự kiện giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản lần thứ 20 năm 2024. |
Sau 1 năm rưỡi tiến hành tu bổ, đến nay di tích Chùa Cầu ở Hội An dần lộ diện sau khi cơ quan chức năng tiến hành tháo dỡ toàn bộ phần nhà bao che bằng khung sắt và mái tôn.
Nguồn: [Link nguồn]