Choáng váng trên “Đèo tử thi”

Miền cực bắc Ấn khá xa lạ với thế giới. Phần vì nằm trong vùng Kashmir và Jammu triền miên lửa đạn. Phần vì để đến được nó phải ngang qua những cung đường tử thần, những con đèo cao nhất thế giới… Nhưng đây thực sự sẽ là trải nghiệm tuyệt vời cho những ai đã một lần đến những cung đường này.

Tôi đến Leh, thủ phủ vùng Ladakh, bang Kashmir & Jammu những ngày thu cuối. Chỉ vài ngày nữa đường bộ từ Manali (bang Himachal Pradesh) đi Leh sẽ đóng cửa đến hè năm sau. Băng tuyết trơn trợt ngày đông giá trên con đường cao trung bình 4.000 – 5.000m này vẫn khó vượt qua. Nếu bay thì còn gì là niềm vui được đắm mình trong thiên nhiên bao la, hùng vĩ xen lẫn với nỗi kinh hoàng lạnh sống lưng, rợn tóc gáy khi đi ngang qua những cung đường tử thần, hiểm trở.

Choáng váng trên “Đèo tử thi” - 1

Mặt xanh như… nhái

Manali và Leh là hai miền du lịch nức tiếng, không chỉ thiên nhiên tươi đẹp mà còn vì nhiều giá trị văn hoá lịch sử. Muốn đi Tây Tạng mà điều kiện này nọ chưa cho phép, có thể đến Leh. Nơi những di tích, chùa chiền, kể cả Phật pháp Mật tông… đều được trân quý có thể nói hơn cả ở Tây Tạng đã trải qua quá nhiều sóng gió.

Với độ cao 3.978m, đèo Rohtang La không phải là cao nhất, nhưng nó lại được xem là một trong những nơi nguy hiểm nhất thế giới. Theo tiếng địa phương "La" có nghĩa là đèo, "Rohtang" là đống xác chết – cái tên nói lên rất nhiều thứ. Tuy dự tính đi Leh bằng đường bộ ngang qua Rohtang La, nhưng đến Manali nghe những đồn đại ghê người, tôi run. 

Có tên “đống xác chết” vì đã có mấy trăm người bỏ mạng trên đèo. Không chỉ tai nạn xe cộ mà còn vì cả khí hậu khắc nghiệt, nhất là khi bị tắc đường vì tai nạn hoặc đá lở, băng tan. Chỉ 51km từ Manali, phải mất đến hơn sáu giờ để đến được Rohtang La, với chiếc xe du lịch mới tinh. Xe phải bò, vì đường hiểm trở lẫn vì ùn tắc, do những chiếc xe hàng tranh thủ chạy mấy ngày cuối trước khi đường đóng cửa. Dốc khúc khuỷu cùi chỏ dựng đứng nối tiếp nhau, nhưng không phải đường dốc trong rừng núi mà dốc của một bên là vách đá, một bên là vực sâu hoắm nên càng dễ hoa mắt. Đường hẹp nên nhiều khi hai xe lướt qua cọ nhau sàn sạt. Có mấy chỗ xe phía bên trong phải leo lên, nghiêng mình bên vách núi để xe bên phía vực sâu từ từ lần mò qua khúc kẹt. Thêm vào đó nhiều đoạn lở lói sình lầy vì tuyết băng vĩnh cửu trên đỉnh cao tan rã chảy xuống làm đường trơn trợt thêm hiểm nguy.

Tiếp tay, lũ gió buốt giá từ Himalaya lúc lùa qua hẻm núi hẹp hú réo, lúc tấp vào sườn núi, bạt ngược ra quất mạnh vào xe phần phật, tạt nghiêng xe. Đã vậy, cao độ gần 4.000m không khí loãng, nếu không mắc phải hội chứng sốc độ cao thì cũng ù tai, lùng bùng. Trước đây đã lang bạt xa lộ Pamir miền Trung Á, những con đường Tây Tạng nên dù choáng, tôi hồi phục khá nhanh. Nhưng nhìn mấy bạn Nam Ấn, kể cả cặp đôi người Pháp mặt xanh lét mới biết con đường “ấn tượng” thế nào với họ. Thế nhưng khi đã quen, ngắm thiên nhiên khi xe bò chậm hay lúc xuống lội bộ chờ giải quyết kẹt xe… bao nhiêu phim, pin máy ảnh đều được tận dụng tối đa. 

Choáng váng trên “Đèo tử thi” - 2

Đường đèo dốc hẹp, nhiều đoạn xe qua lại cọ nhau sàn sạt

Càng khó càng hút khách

Hiểm nguy nhưng Rohtang La lại là điểm du lịch rất nổi tiếng, cuốn hút hơn 2,5 triệu du khách hàng năm. Con đường hiểm trở đi ngang qua những ngôi làng, cánh đồng, cánh rừng mùa thu chuyển lá. Mùa xanh, mùa vàng, rừng lá chuyển màu chen rừng lá kim xanh vĩnh cửu. Từ suối bạc Nehru Kun đến sông xanh Bea, từ làng nhỏ Kothi đến phố núi Marhi đơn sơ, từ thung lũng Solang Nala xanh mướt đến núi tuyết Gulaba trắng xoá… Đẹp quá! Nhất là khi tô điểm thêm những cánh dù paragliding nhiều màu của khách du chao ngang liếc dọc trên trời thu Himalaya xanh, xanh như không có thật.

Quà tặng cuối cho tour Rohtang La là cung đường trekking từ chân đèo lên núi tuyết. Không chỉ vì vẻ đẹp của núi tuyết trắng khoe dáng bên đồng thu vàng, soi duyên bên mấy gương hồ xanh… mà còn vì thiên nhiên chao đảo lạ lùng của vùng tiểu khí hậu thời tiết thay đổi vô chừng này. Trời đang xanh trong veo thoáng chốc sương ập mờ mịt làm khách du lạc trong sương mây ngẩn ngơ không biết hướng nào sẽ đi nếu như không có tiếng nhạc ngựa leng keng trong gió núi phần phật phía trước. Tặng thêm cho du khách chịu khó leo núi không chỉ những vốc tuyết, những tấm hình điệu đàng bên tuyết trắng mà còn là cảnh quan mênh mang hùng vĩ của thung lũng bên dưới, những triền Himalaya hùng vĩ xa xa.

Nên, lên xe về lại Manali, việc đầu tiên tôi làm là mua vé đi Leh. Sẽ ngang qua Rohtang La một lần nữa! Những con đèo cao nhất thế giới, những đất thiêng, những miền tươi đẹp… chờ nhé, kẻ viễn du lang bạt sắp đến rồi!

Choáng váng trên “Đèo tử thi” - 3

Những hồ nước xanh dưới triền Himalaya

Choáng váng trên “Đèo tử thi” - 4

Một ngôi đền đá lạ lẫm ở Rohtang La

Choáng váng trên “Đèo tử thi” - 5

Lữ quán trong sương mù Himalaya

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Hoãn (Thế giới tiếp thị)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN