Châu Á trầm lặng mùa Tết Nguyên đán vì Omicron
Lo ngại về sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron, chính quyền nhiều quốc gia châu Á đã kêu gọi người dân hạn chế đi du lịch, thăm thân trong dịp Tết Nguyên đán. Nhiều sự kiện đón Tết như hội chợ, pháo hoa… cũng bị huỷ bỏ để giảm tụ tập đông người.
Tại Trung Quốc, nơi Tết Nguyên đán được coi là ngày lễ quan trọng nhất trong năm, cơ quan chức năng đang làm mọi cách để ngăn chặn bất cứ đợt bùng phát dịch COVID-19 có thể gây nguy hiểm cho Thế vận hội Mùa Đông Olympic Bắc Kinh (khai mạc ngày 4/2).
Tính đến ngày 29/1, Trung Quốc có 2.127 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị.
Chính quyền các địa phương ở Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp để khuyến khích người dân không về quê ăn Tết, như tặng phiếu mua sắm, tặng vé vào các điểm tham quan, thậm chí là tặng tiền mặt. Một số tỉnh thành khác yêu cầu người dân khi về nhà đón Tết phải cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà tối đa 14 ngày. Nhiều cơ quan nhà nước và trường học yêu cầu cán bộ nhân viên hạn chế đi lại trong dịp nghỉ lễ.
Khung cảnh lung linh đón Tết ở Tây An (Thiểm Tây, Trung Quốc). Ảnh: Tân Hoa Xã
Bất chấp những biện pháp hạn chế, Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc ước tính sẽ có khoảng 1,18 tỷ lượt di chuyển được thực hiện trong giai đoạn nghỉ Tết, tăng gần 40% so với năm ngoái, nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với con số 3 tỷ lượt di chuyển trước đại dịch vào năm 2019.
Phun khử khuẩn phòng ngừa COVID-19 trên tàu chở khách ở Nam Ninh (Trung Quốc). Ảnh: AP
Bà Liu Shun (56 tuổi, làm nghề giúp việc ở Bắc Kinh) đã quyết định từ bỏ ý định về quê (Lan Châu, tỉnh Quý Châu) ăn Tết, vì bà không chắc liệu mình có thể quay lại Bắc Kinh nếu dịch bệnh bùng phát ở quê hay không.
“Đây là lần đầu tiên tôi không về nhà trong Tết Nguyên đán. Nhưng việc đi lại có vẻ quá phức tạp khi phải xét nghiệm liên tục, phải cách ly và có khả năng bị mắc kẹt. Vì vậy tôi sẽ chỉ gọi video về quê”, bà Liu nói.
Tại Hồng Kông (Trung Quốc), các hội chợ Tết Nguyên đán đã bị huỷ bỏ, các trường học bị đóng cửa sớm và nhiều khu vực bị hạn chế ra vào.
Hồng Kông từng kiểm soát thành công dịch COVID-19 trong phần lớn năm 2021, với nhiều tháng không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tháng 12/2021, thành phố này chỉ ghi nhận 2 ca mắc COVID-19. Tuy nhiên, tính từ tháng 1 đến nay, số ca mắc mới đã lên tới hơn 600 ca.
Một cây cầu đi bộ được trang hoàng bằng đèn lồng đỏ ở Hồng Kông (Trung Quốc). Ảnh: EPA
Chính quyền Hồng Kông đã áp dụng nhiều biện pháp để hạn chế sự lây lan của virus, bao gồm lệnh đóng cửa thẩm mỹ viện, phòng gym, rạp chiếu phim và quán bar.
Du khách đến Hồng Kông cũng phải cách ly 7 ngày. Nhưng quy định này không ngăn được cha mẹ của Eric Zheng bay từ Thượng Hải đến Hồng Kông để đón Tết cùng con trai và thăm cháu gái mới sinh.
Zheng (31 tuổi, nhân viên marketing) cho biết: “Năm ngoái chỉ có tôi và vợ đón Tết. Năm nay, bố mẹ tôi đã đến thăm và chúng tôi cũng có thêm một thành viên mới.”
Dù cả gia đình không được ăn tiệc tất niên tại nhà hàng do lệnh cấm phục vụ khách ăn tối sau 18h, nhưng Zheng nói đó không phải là vấn đề vì cha mẹ anh đều thích nấu ăn. Điều khiến Zheng cảm thấy hụt hẫng là những phiên chợ hoa và nhiều sự kiện đón Tết khác đã bị huỷ bỏ.
Tại Hàn Quốc, một giám đốc quan hệ công chúng có tên Phil Lee cho biết đây là năm thứ hai liên tiếp anh về quê một mình để đón Tết Nguyên đán cùng cha mẹ.
Vợ cùng hai con - 6 tuổi và 8 tuổi của Lee đã quyết định ở nhà do lo ngại nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Số ca mắc mới COVID-19 ở Hàn Quốc đã tăng gấp đôi trong tuần qua, chạm mức kỷ lục 17.532 ca vào ngày 30/1.
"Vợ tôi sợ Omicron nên quyết định ở nhà với lũ trẻ", Lee, 40 tuổi cho biết, "Tôi cũng lo lắng nên sẽ tự xét nghiệm trước và sau chuyến đi."
“Bố mẹ tôi hơi buồn vì không được gặp cháu, và những đứa trẻ cũng buồn vì không được gặp ông bà”, Lee nói. "Nhưng chúng tôi chắc chắn sẽ có một cuộc gọi video để bọn trẻ có thể hành lễ với ông bà, và tôi cũng sẽ chuyển quà của ông bà cho các con khi trở về nhà.”
Xe cộ ùn dài trên tuyến đường nối Seoul với Busan ngày 29/1. Ảnh: Yonhap
Lee là một trong số khoảng gần 29 triệu người Hàn Quốc dự kiến sẽ di chuyển bằng xe hơi trong dịp nghỉ lễ, theo Viện Giao thông Hàn Quốc. Con số này tăng 17,4% so với năm ngoái, vì nhiều người cho rằng tự lái xe là cách đi lại an toàn nhất.
Đảo nghỉ dưỡng Jeju dự kiến sẽ đón khoảng 207.000 du khách trong dịp nghỉ lễ, tăng 35,2% so với một năm trước đó. Nhiều khách sạn và khu resort trượt tuyết ở tỉnh Gangwan cũng đã kín chỗ. Số lượng người đi du xuân trong dịp Tết ở Hàn Quốc được dự kiến sẽ gia tăng bất chấp lời kêu gọi của chính quyền.
Hàn Quốc hiện đang áp đặt một số biện pháp phòng dịch như cấm tụ tập trên 6 người, và lệnh giới nghiêm 21h đối với các cơ sở kinh doanh như nhà hàng, quán cà phê.
Cũng lo sợ nguy cơ bùng phát COVID-19, Manila (Philippines) đã cấm các buổi trình diễn múa lân, pháo hoa và các cuộc tụ tập đông người tại khu vực Binondo - nơi sinh sống của cộng đồng người gốc Hoa. “Điều này là vì sự an toàn của tất cả mọi người”, Thị trưởng Manila - Isko Moreno nói.
Tại Malaysia, khoảng 4,9 triệu phương tiện đã di chuyển trên các tuyến đường cao tốc trong ngày 29/1, thời điểm bắt đầu kì nghỉ lễ.
Đèn lồng đỏ treo kín sân đền Thean Hou (Kuala Lumpur, Malaysia). Ảnh: Tân Hoa Xã
Trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tăng lên mức 5.000 ca trong ba ngày liên tiếp, một số ngôi đền ở Malaysia đã áp đặt các biện pháp phòng dịch riêng. Tại đền Sin Sze Si Ya, số người vào lễ cùng một thời điểm sẽ được giới hạn ở 20 người. Một số người đã chủ động đi lễ sớm để tránh đám đông.
“Họ thật sáng suốt. Điều đó cũng giúp chúng tôi giảm bớt lượng khách đi lễ vào tuần tới”, Ranjit Kaur (người gác đền) cho biết.
Tại Singapore, sự gia tăng số ca nhiễm Omicron đã buộc chính phủ phải quyết định tăng cường các biện pháp phòng dịch ở nơi công cộng và nhà hàng trong dịp Tết Nguyên đán.
Tại khu Phố Tàu, hàng rào đã được dựng lên để kiểm soát khách ra vào. Nếu lượng khách ở Phố Tàu chạm mức 300 người, hàng rào sẽ tạm đóng. Người dân được khuyến cáo nên tránh đến Phố Tàu hoặc những khu vực đông đúc khác vào giờ cao điểm. Người cao tuổi, đặc biệt là những người chưa được tiêm phòng, nên hạn chế đi mua sắm trong thời gian này.
Phố Tàu trang hoàng đón Tết, nhưng sẽ chỉ được phục vụ tối đa 300 khách ở cùng một thời điểm. Ảnh: EPA-EFE
Số lượng nhân viên phòng dịch ở các địa điểm công cộng sẽ được tăng lên để kịp thời nhắc nhở người dân đeo khẩu trang đúng cách và duy trì khoảng cách an toàn với những người khác.
Không chỉ hạn chế tụ tập đông người, các gia đình ở Singapore cũng chỉ được đón tối đa 5 khách/ngày. Quy định này được áp dụng từ ngày 1/1 và sẽ tiếp tục có hiệu lực trong suốt dịp Tết Nguyên đán.
Cơ quan chức năng khuyến khích người dân tự test nhanh trước khi đến các buổi tụ họp, đặc biệt là khi thành phần tham gia có những người lớn tuổi hoặc chưa được tiêm chủng.
Nguồn: [Link nguồn]
Tùy thuộc vào văn hóa mà các quốc gia trên thế giới sẽ tổ chức lễ hội chào mừng năm mới theo cách độc đáo của riêng...