Campuchia những ngày tháng Tư

Campuchia nhỏ bé và lạc hậu hơn đất nước chúng ta, nhưng có lẽ, còn nhiều điều chúng ta phải học tập ở nước bạn, và một trong số đó là cái mà chúng ta gọi là “văn minh du lịch”.

Từ Siem Reap đi Phnom Penh chỉ có một con đường độc đạo, và không biết có phải vì đường khá tệ, thêm vào đó là tâm lý nôn nao ngóng đợi mà chặng đường 314 km xa lắc xa lơ, đi hoài không tới

Campuchia những ngày tháng Tư - 1

Quang cảnh chụp bên đường

Chúng tôi khởi hành từ sớm, khi trời còn nhạt nắng. Xe ra khỏi thành phố, mở ra quang cảnh nông thôn thoáng rộng nhưng thưa thớt, vắng vẻ. Xe chạy càng xa Siem Reap, đường sá càng trở nên gồ ghề, có những đoạn đường đất đỏ nhấp nhô, xe nghiêng cả một bên, vậy mà bác tài người Campuchia vẫn trông rõ ung dung, chắc tay lái, linh hoạt xoay chuyển làm xe cứ gọi là bon bon trên con đường tiến về thủ đô.

Trời đã gần trưa mà vẫn chưa đến được Phnom Penh, những tiếng bụng reo khe khẽ, cũng tiện may trong hành trình có ghé chợ Skun, hay như du khách Việt Nam vẫn hay gọi là chợ côn trùng, thuộc tỉnh Kampong Cham - quê hương của thủ tướng Hun Sen, cách Siem Reap khoảng 250 km, vừa để mọi người vận động cho giãn xương cốt, vừa cũng nhân dịp lót dạ chút đặc sản địa phương của xứ chùa tháp với cơ man những nhện, dế, cà cuống, bò cạp, ếch ương… rán vàng.

Campuchia những ngày tháng Tư - 2

Cơ man những nhện, dế, cà cuống, bò cạp, ếch ương… rán vàng tại chợ côn trùng, thoạt nhìn có vẻ “rùng rợn” nhưng nếm thử thì quả là rất vừa miệng, cái vị giòn thơm, lại rất ngậy

Mỗi con nhện giá khoảng 2000 riels, tức là khoảng 10.000 đồng. Nhân việc nói chuyện giá cả, ở Campuchia rất thú vị bởi bạn có thể sử dụng xả láng các loại tiền tệ, từ tiền riel của Campuchia, đô-la Mỹ, Úc, Canada, cho đến tiền Việt… chỉ trừ trong các siêu thị hoặc shop lớn mới có quy định cụ thể. Thường tỉ giá ở các khu buôn bán nhỏ, như chợ Skun, 1 riel tương đương 500 đồng, nhưng sau khi đi vào tới thủ đô thì chúng tôi nhận thấy những người bán hàng quy đổi 1 riel khoảng 750 đồng, do vậy tốt hơn bạn nên “thủ” sẵn tiền riel hoặc đô-la Mỹ.

Campuchia những ngày tháng Tư - 3

Ở chợ Skun có rất nhiều cô cậu bé bán hàng rong như thế này

Vừa bước xuống xe, một cô bé con người Campuchia ở đâu chạy lại quây sát tôi và chị đồng nghiệp, toe toét mời mua chuối. Mặc những cái lắc đầu dứt khoát, con bé không tha, cứ nhằng nhẵng bám lấy. Sác-ly, anh hướng dẫn viên người Campuchia gốc Việt khẽ lừ mắt với cô bé, nói mấy câu bằng tiếng Campuchia, có lẽ là quở trách gì đó, sau anh quay sang nói với chúng tôi chỉ hiếm khi ở đất bạn mới xuất hiện đôi ba trường hợp “chai lì” như thế, nếu để ý sẽ thấy ngay ở Siem Reap khi chúng tôi ghé thăm Angkor cũng không bao giờ có tình trạng chèo kéo du khách. Những người bán hàng chỉ đứng đó, cùng lắm là cất tiếng chào, nếu bạn có nhu cầu thì đến xem, có thể mua có thể không, họ luôn tươi cười và nói lời cảm ơn. Campuchia nhỏ bé và lạc hậu hơn đất nước chúng ta, nhưng có lẽ, còn nhiều điều chúng ta phải học tập ở nước bạn, và một trong số đó là cái mà chúng ta gọi là “văn minh du lịch”.

Campuchia những ngày tháng Tư - 4

Có lẽ do điều kiện và công việc gia đình, lũ trẻ ở đây rất dạn dĩ khi tiếp xúc với du khách nước ngoài. Và cũng biết làm điệu nữa!

Vừa thấy anh Sác-ly khuất bóng, con bé ở đâu lại mon men đến bên chúng tôi lân la bắt chuyện làm quen. Con bé rất xinh, nước da nâu giòn và hàng mi cong vút, lém lỉnh nói mấy câu tiếng Việt bằng cái giọng mềm mại ngọng nghịu đến thương. Anh hướng dẫn viên khi thấy tôi “lì xì” cô bé con 1 đồng ( tức 1 đô-la Mỹ) thì có ý nhắc nhở không nên tạo tiền lệ không tốt. Tôi cười xòa và chắc chắn mình không phải “tiền lệ” trong hoàn cảnh này, và dù sao, tôi vẫn thích gọi đó là chi phí hạnh phúc hơn. Ít ra, trước khi xe lăn bánh, cô bé còn đứng tạm biệt chúng tôi, bàn tay nhỏ xíu vẫy lấy vẫy để.

Campuchia những ngày tháng Tư - 5

Đường phố tương đối rộng và sạch sẽ

Campuchia những ngày tháng Tư - 6

Hình ảnh không quá lạ lẫm trên đất nước Campuchia. Ở đây có quy định chỉ cần người lái xe đội mũ bảo hiểm khi giao thông, nhưng đôi khi du khách vẫn bắt gặp hình ảnh "đầu trần cho mát" của người dân

Khác với Siem Reap, Phnom Penh đón chúng tôi với cái chất rất “thủ đô”: những con đường nhộn nhịp người xe nhưng sạch sẽ khang trang, xen lẫn những công trình mang âm hưởng của Pháp là những kiến trúc Khmer đặc sắc, và đặc biệt là con sông Chaktomuk giữa lòng thành phố, hay còn gọi là sông bốn mặt, êm ả thuần hậu như chính những con người nơi đây. Nhìn những tòa nhà hiện đại chọc trời ở Phnom Penh, nhớ về cố đô Siem Reap, chúng tôi đều thắc mắc tại sao hiếm, và thật sự là đã không nhìn thấy tòa nhà, khách sạn cao tầng nào ở Siem Reap. Hỏi ra mới vỡ lẽ, theo quy định của kiến trúc tại Siem Reap, các tòa nhà, khách sạn chỉ được xây 3 tầng và không cao hơn ngọn tháp chính của Angkor.

Campuchia những ngày tháng Tư - 7

Chúng tôi dùng cơm trưa tại một quán ăn của người Việt Nam, nhìn đối diện sang con sông Chaktomuk, hay còn gọi là sông bốn mặt - được coi là trái tim của Phnom Penh.

Campuchia những ngày tháng Tư - 8

Ở Campuchia không có taxi, ngoài xe máy và ô tô - vốn được biết đến với giá rẻ hơn xe tay ga ở Việt Nam, thì tuk tuk là phương tiện phổ biến với cả du khách lẫn dân địa phương. Tuy nhiên, để có thể ngã giá với 1 anh tài tuktuk thì khả năng của bạn hẳn không phải hạng thường. Và có thể thấy, một chiếc xe tuk tuk đôi khi "chất" được tới 7, 8 người.

Campuchia những ngày tháng Tư - 9

Một sáng ngày mới đầy hứng khởi

Campuchia những ngày tháng Tư - 10

Sắc trời xanh ngắt điểm xuyết những đám mây bồng bềnh được coi là "đặc sản" của Phnom Penh

Ở Phnom Penh hiện nay dù bùng nổ rất nhiều siêu thị và trung tâm thương mại, nhưng dường như các ngôi chợ truyền thống vẫn là lựa chọn không thể thiếu trong hành trình khám phá nét đặc sắc của thủ đô đất nước Campuchia. Trước khi chia tay xứ chùa tháp, chúng tôi cùng nhau ghé chợ Mới Psar Thmei tranh thủ chọn lựa ít quà xứ người cho mình, cũng là để mang về tặng mọi người. Chợ Mới mang kiến trúc nghệ thuật rất đặc trưng, được xem như một trong những biểu tượng của Phnom Penh. Dọc 2 bên lối vào chợ là những dãy shop bán đồ lưu niệm: bưu thiếp, áo thun in biểu tượng Campuchia, tranh ảnh bằng bạc, đặc biệt là khăn quàng Krama truyền thống. 

Campuchia những ngày tháng Tư - 11

Campuchia những ngày tháng Tư - 12

Lại nói về mua sắm ở Phnom Penh nói riêng cũng như trên đất Campuchia nói chung, trả giá được xem như một nghệ thuật không thể thiếu. Tuy nhiên, ở các khu chợ, đặc biệt như chợ Mới, phần lớn người bán hàng đều có thể nói tiếng Việt, nên du khách mặc nhiên được trả giá tẹt ga, được giá thì bán, không cũng không hề gì, người bán hàng luôn niềm nở tươi cười, kể cả khi bạn xem tới xem lui và chốt lại là... không mua gì. Có lẽ đây là điểm du khách, đặc biệt là du khách phương Tây rất thích ở con người Campuchia - những con người hồn hậu, nhiệt thành và chân thật. 

Campuchia những ngày tháng Tư - 13

Bạn có thể tìm ở chợ bất kỳ món đồ gì, từ các nhu yếu phẩm như tôm cá tươi, khô.... 

Campuchia những ngày tháng Tư - 14

đến đủ các loại vật dụng, trang sức, quần áo, đồ lưu niệm...

Sau những chồng những đống "thu hoạch" được ở khu chợ, trước khi xe lăn bánh đưa chúng tôi ra sân bay quốc tế Phnom Penh để trờ về với Sài Gòn hoa lệ, anh Sác-ly đã giới thiệu với cả đoàn chúng tôi một điểm đến mới ngoài chương trình rất thú vị, như mọi người vẫn nói - Đến Siem Reap mà không tới Angkor cũng như đi Phnom Penh mà không ghé núi Bà Pênh - nơi xuất phát cái tên của thủ đô Campuchia - Phnom Penh lấy từ tên Wat Phnom (Chùa Núi - tên đầy đủ là wat Phnom Daun Penh). Phnom Penh nghĩa là núi Bà Pênh (Daun Penh). Vì cũng không còn nhiều thời gian nên chúng tôi chỉ có thể tạt ngang qua và chiễm ngưỡng ngôi chùa từ phía dưới. Để đi lên tận trong chùa, thường du khách phải mua vé với giá 1 đô, nhưng có một điểm ngộ nghĩnh là sau 5 giờ chiều, mọi người bán vé đều ...đi về hết. 

Campuchia những ngày tháng Tư - 15

Chùa Bà Pênh trong ánh chiều tà. Hầu như tất cả các đền, chùa ở Campuchia đều được xây dựng với các họa tiết, chạm khắc tỉ mỉ và công phu

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phan An (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN