"Bóng ma" từ châu Phi biến Đông Nam Á thành tử địa suốt 1.000 năm

Sự kiện: Du lịch, lễ hội

Những bằng chứng bất ngờ trong các hang động ở Lào đã giải thích về "thiên niên kỷ mất tích" trong lịch sử khảo cổ Đông Nam Á: vùng đất này đã "chết" theo "Sahara xanh" ở tận châu Phi.

Nghiên cứu từ Đại học California ở Irvine, Đại học William Parterson và Đại học Bang Pennsylvania (Mỹ) cho thấy khi Sahara xanh tươi biến đổi thành sa mạc lớn nhất thế giới vào 4.000 năm trước, nó đã kéo theo hàng loạt xáo trộn khí hậu trên khắp Trái Đất.

Cụ thể, quá trình sa mạc hóa ở miền đất Bắc Phi này đã làm gia tăng một lượng khổng lồ bụi trong không khí.

"Bóng ma" mờ mịt làm bằng bụi này đã bay rất xa, làm nguội cả Ấn Độ Dương, khiến "mô hình hoàn lưu Walker" dịch chuyển về phía Đông (ngày nay nó đi qua xích đạo Thái Bình Dương, hoạt động theo cách tương tự El Nino). Ở Đông Nam Á, tác động từ Sahara làm giảm đáng kể độ ẩm trong gió mùa, biến toàn bộ khu vực này trở thành "tử địa" trong suốt 1.000 năm.

Đông Nam Á đã thành tử địa trong suốt 1.000 năm, để lại một lỗ hổng lớn trong hồ sơ khảo cổ - ảnh minh họa từ SCI-TECH DAILY

Đông Nam Á đã thành tử địa trong suốt 1.000 năm, để lại một lỗ hổng lớn trong hồ sơ khảo cổ - ảnh minh họa từ SCI-TECH DAILY

"Thiên niên kỷ mất tích" trong hồ sơ khảo cổ, tức sự trống vắng đột ngột tàn tích của động thực vật, bao gồm con người, là do dân số con người đã suy giảm, những người sống sót thì phải tìm cách di cư, động vật chết nhiều và thực vật suy giảm trên diện rộng.

Rất may mắn, sau 1.000 năm chết chóc đó, Đông Nam Á đã hồi sinh. Khí hậu tốt trở lại giúp các nền văn minh trong khu vực có cơ hội phát triển nhanh chóng, dân số con người cũng gia tăng cùng sự phát triển phong phú của hệ động thực vật nhờ khí hậu nhiệt đới gió mùa như ngày nay.

Theo giáo sư Kathleen Johnson từ Đại học California ở Irvine, các kết luận đáng kinh ngạc này dựa trên sự phân tích và tái tạo mô hình khí hậu từ các mẫu măng đá lấy từ các hang động ở Bắc Lào. Các mẫu vật thể hiện mức độ đồng vị oxy, carbon và các kim loại vết. Đồng thời, các biến động về xã hội và tiến hóa cũng được các nhà khảo cổ và nhân chủng học trong nhóm thu thập suốt nhiều thập kỷ.

Nghiên cứu cũng giúp con người tái tạo lại mô hình khí hậu thời kỳ Hologen giữa, vốn còn mang nhiều bí ẩn. "Thế Hologen" là một giai đoạn địa chất kéo dài từ 11.700 năm trước cho đến tận ngày nay.

Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature Communications.

Hài cốt ”đứa trẻ ngủ” 2.000 tuổi gây sốc vì… không phải người

Những bộ hài cốt độc đáo ở Ai Cập được tạo hình y hệt những đứa trẻ đang ngủ, một số nằm cạnh xác ướp mèo...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Anh ([Tên nguồn])
Du lịch, lễ hội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN