Biệt thự Pháp gần 100 năm tuổi của đại gia phố cổ Hà Nội một thời
Gần một thế kỷ trôi qua, căn biệt thự trên phố Hàng Bè vẫn duy trì được kết cấu và kiến trúc nguyên vẹn như thuở ban đầu.
Biệt thự cổ nằm trong một con ngõ trên phố Hàng Bè, quận Hoàn Kiếm, (Hà Nội) được xây dựng vào năm 1926. Chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà là vợ chồng cụ Trương Trọng Vọng và Nguyễn Thị Sửu, những thương gia giàu có nổi tiếng tại khu phố cổ Hà Nội đầu thế kỷ 20.
Đến năm 1960, cụ Trương Thị Mô (1924-2020), con gái của hai cụ, đã hiến một phần căn biệt thự cho Nhà nước để làm lớp học. Khu vực bên ngoài được dành cho nhà dân, còn dãy nhà bên trái từ cổng vào trở thành trường tiểu học Bắc Sơn.
Phía bên ngoài ngôi nhà được trồng nhiều cây xanh, tạo bóng râm.
Căn biệt thự có tổng diện tích 807 m2, xây dựng theo lối kiến trúc Pháp với hình dạng chữ nhật và giếng trời ở trung tâm giúp ánh sáng tự nhiên tràn ngập vào mọi căn phòng. Nơi đây có 8 hộ dân sinh sống với khoảng 10 phòng.
Dãy nhà bên trái từ cổng vào từng là trường tiểu học Bắc Sơn, gồm khoảng 8 lớp học, mỗi lớp có 25-30 học sinh. Sau này, học sinh đã được chuyển về các trường tiểu học Trưng Vương và Nguyễn Du nên các phòng học được khóa cửa và chờ dự án mới từ chính quyền.
Cầu thang từ tầng một lên lầu hai của căn nhà được làm bằng gỗ, hiện vẫn còn tốt. Trong biệt thự có hai cầu thang dẫn lên hai dãy nhà chính.
Không gian tầng hai của gia đình bà Lê Thanh Thủy (69 tuổi), con gái cụ Mô, vẫn giữ nguyên cách bài trí và đồ đạc nội thất nguyên vẹn từ thuở mới xây dựng. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, gia đình bà hiện chỉ còn quản lý phần diện tích hơn 200 m2.
'Tôi thuộc thế hệ thứ tư trong gia đình. Năm 1954, ông bà ngoại cùng các anh em di cư vào TP HCM. Khi đó, mẹ tôi đang mang bầu tôi nên không thể đi cùng và đã được bà ngoại ủy quyền quản lý biệt thự', bà Lê Thanh Thủy cho biết.
Hiện tại, gia đình bà Thủy có 4 người gồm vợ chồng bà và hai con trai. Họ chủ yếu sinh hoạt ở tầng một, còn tầng hai được dùng để tiếp khách.
Bà Thủy nhớ lại thời còn bé, việc học rất thuận tiện khi trường ngay dưới nhà, giờ ra chơi thường rủ bạn lên nhà uống nước và vui chơi. Trước đây, ngoài cơ sở ở Hàng Bè, trường tiểu học Bắc Sơn còn có hai cơ sở khác tại Hàng Dầu và Hàng Bạc.
'Đồ đạc trong nhà hầu hết có tuổi đời tương đương với căn biệt thự, được giữ gìn cẩn thận và giữ nguyên vị trí bài trí từ xưa đến nay. Ngoài việc lắp điều hòa để phù hợp với nhu cầu sinh hoạt, mọi thứ vẫn nguyên vẹn', bà Thủy nói.
Chiếc giường bằng đồng do ông ngoại bà Thủy - cụ Vọng - đặt mua từ Hồng Kông. 'Tôi chỉ làm sạch bụi bẩn bám trên bề mặt, không can thiệp nhiều để tránh hư hỏng', bà Thủy cho biết.
Ngôi biệt thự được chọn làm bối cảnh quay nhiều bộ phim như: Hà Nội mùa đông năm 46, Ngôi nhà cũ, Hướng dương ngược nắng, Yêu hơn cả bầu trời, Hai người đàn bà, Hoa sữa về trong gió và Hà Nội trong mắt em... Mỗi lần quay phim, đạo diễn yêu cầu sơn lại màu xanh hoặc ghi, sau đó lại khôi phục như cũ.
Không gian phòng ngủ được ngăn cách với phòng khách bằng tấm rèm hạt nhựa trong, kiểu giọt nước.
Phần lớn nội thất trong căn biệt thự được nhập khẩu từ châu Âu và Hong Kong. Bà Thủy cho biết, cụ Vọng đã cẩn thận lựa chọn loại gỗ lim tốt nhất và tính toán kỹ lưỡng về hướng gió, không gian và chiều cao các phòng để đảm bảo sự thoáng mát vào mùa hè, ấm áp lúc đông về.
Hành lang tầng hai được trang trí bằng nhiều chậu cây xanh, tạo không gian tươi mát. Đối diện với nhà bà Thủy là căn nhà của bác họ, còn ở giữa hai căn nhà là một phòng thờ gia tộc.
Phía sau nhà là khu sinh hoạt chung của các hộ gia đình sinh sống tại đây.
Nguồn: [Link nguồn]
Được khởi công xây dựng từ năm 1901, đến nay, Nhà hát Lớn Hà Nội đã trải qua hai lần trùng tu, cải tạo mà vẫn giữ nguyên được những giá trị cơ bản về...