Băng qua mọi nẻo Iran trên tuyến “hỏa xa bốn mùa”
Được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 2021, tuyến đường sắt xuyên Iran đi qua 4 vùng khí hậu mang đến vẻ đẹp nao lòng, thách thức những định kiến của quốc tế về quốc gia bị cô lập này.
Ở Iran, tuyến đường sắt xuyên quốc gia kéo dài gần 1.400 km, đi từ bờ biển Caspian lấp lánh đến vùng đồng bằng màu mỡ của Vịnh Ba Tư, được vinh danh là một trong những công trình kỳ vĩ nhất của thế kỷ 20.
Du khách trên chuyến tàu đi từ Yazd xuyên qua sa mạc để đến Zahedan, Iran. Ngày càng nhiều du khách quốc tế đến đây, trải nghiệm chuyến tàu này nhằm xóa bỏ các định kiến xưa cũ về Iran. Ảnh: Matthieu Paley.
Các kỹ sư xây nên tuyến tàu phải đối mặt với thách thức lớn, khi cùng 1 con đường mà phải băng qua 4 vùng địa hình khác nhau: nối liền những dãy núi cao vút, vực thẳm sâu hút, sa mạc thênh thang và đồng bằng mênh mang.
Con tàu sẽ băng qua 174 cầu lớn, 186 cầu nhỏ, 224 đường hầm, tất cả do 70.000 công nhân xây dựng từ năm 1927 đến 1938, và băng qua những tòa nhà cao lớn ở thủ đô, những lăng mộ, đền đài, nhà thờ Hồi giáo tại Qom, rồi những khu nhà độc đáo của dân du mục tại dãy núi Zagros.
Dãy núi Zagros, miền Tây Iran. Ảnh: Matthieu Paley.
Một góc đổ nát của thành phố cổ Yazd. Nhà thờ Hồi giáo lớn Masjed-e Jameh là công trình được vẽ trên tờ tiền 200 rial của Iran đang xuất hiện ở phía xa. Ảnh: Matthieu Paley.
Nhà nghiên cứu du lịch Yeganeh Morakabati, làm việc tại Đại học Bournemouth, chia sẻ: “Khi ngồi trên tàu đi từ thủ đô Tehran về phương Nam, bạn sẽ thấy cảnh quan thay đổi ngay trong vài giờ, như thể đi từ nước này sang nước khác, từ nền văn minh này sang nền văn hóa khác, ẩm thực, ngôn ngữ và mọi thứ đều khác đi.”
Sau thời gian dài bị cấm vận, Iran trở nên khá bí ẩn với du khách. Giờ đây, đất nước khu vực Trung Đông rục rịch mở cửa sau đại dịch, cũng như đón trước lượng khách khổng lồ sẽ đến dự World Cup ở nước bạn Qatar. Iran hy vọng tuyến tàu sẽ là sản phẩm du lịch ấn tượng thu hút du khách.
Thác nước Bisheh gần nhà ga cùng tên, là điểm đến hấp dẫn trên hành trình. Ảnh: Matthieu Paley.
Tháp Im Lặng tại Yazd, tòa tháp được xây dựng theo phong tục của người Zoroastrian. Ảnh: Matthieu Paley.
Trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, du lịch đến Iran đã tăng vọt và với FIFA World Cup 2022 được tổ chức tại Qatar gần đó vào mùa thu này, quốc gia này đang chuẩn bị cho một lượng lớn khách du lịch. Tuyến đường sắt - khởi đầu là một trong những dự án cơ sở hạ tầng gây tranh cãi nhất của Iran - là trọng tâm của những nỗ lực không ngừng của quốc gia này nhằm phục hồi ngành du lịch.
Tuyến hỏa xa là biểu tượng của sự thống nhất đất nước. Từ những ngày đầu tiên, chính phủ Iran lúc đó đã quy hoạch đường tàu đi đến nhiều nơi nhất có thể, nhằm phát triển kinh tế, tối ưu hóa giao thương và nhất là giúp quân đội tiếp cận được nhiều vùng sâu nhất mà trước đó vẫn bị vướng sông sâu, núi cao, sa mạc bao la.
Thành phố sa mạc Yazd nổi tiếng với kiến trúc Ba Tư, các cửa hứng gió và cộng đồng người Zoroastrian với tín ngưỡng thờ lửa từ thời xa xưa. Ảnh: Matthieu Paley.
Các chuyến tàu đi hàng ngày giữa Yazd và Tehran, thủ đô của Iran. Ảnh: Matthieu Paley.
Ông Morakabati cho biết thêm: “Trung Đông vẫn còn quá nhiều tiềm năng chưa được khai thác, thế giới còn rất nhiều điều chưa biết về nơi này. Hiện nay do cấm vận, du khách đến Iran chủ yếu là người Pakistan, Ấn Độ, Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ và Afghanistan. Họ đến đây để du lịch kết hợp với hành hương, tìm kiếm đầu tư.”
Gần đây, mối quan hệ giữa phương Tây và Iran trở nên bớt căng thẳng hơn. Tổng thống Trump và gần đây là Tổng thống Biden đã liên tục đàm phán để gỡ bỏ các lệnh từng phạt. Năm 2019, Trung Đông ghi nhận mức tăng trưởng du lịch cao nhất mà Iran là một trong những điểm đến nổi bật của khu vực.
Một cô gái đi chuyến tàu đêm từ Dorud về phía Đông Bắc đến Tehran. Ảnh: Matthieu Paley.
Hai người phụ nữ đợi tàu trên sân ga. Họ sẽ bắt chuyến tàu 8 tiếng đi từ phía Đông Tehran đến Thánh địa Mashhad để cầu nguyện. Ảnh: Matthieu Paley.
Với 4,8 triệu lượt khách/năm vào 2014, quốc gia này đặt mục tiêu đạt 20 triệu lượt khách vào năm 2025. Iran đang rất nỗ lực để thay đổi hình ảnh, đầu tư cho du lịch mà tuyến đường sắt xuyên Iran là dự án tham vọng nhất.
Con tàu sẽ đi qua hàng chục công viên quốc gia, những nơi sinh sống tự nhiên của các loài động vật hoang dã, nổi tiếng phải kể đến như Rừng Hyrcanian được UNESCO công nhận, Núi Damāvand cao nhất ở Iran và thu hút đông đảo những người đam mê chinh phục độ cao đến đây. Tàu cũng băng qua Khuzestan, khu phố cổ xưa nhất của đất nước, hệ thống thủy lực trong thành phố được xây dựng từ thế kỷ 5 TCN.
Một bức tranh tường 3D hút mắt trên phố ở thành phố Mashhad, được đặt theo tên của đền thờ Imam Reza, hậu duệ của nhà tiên tri Muhammad và Shia Imam thứ 8. Hàng năm, hàng triệu người hành hương đến đền thờ Imam Reza. Ảnh: Matthieu Paley.
Một người đàn ông nhìn ra cửa sổ khi tàu dừng ở Dorud, miền Tây Iran. Ảnh: Matthieu Paley.
Du khách Koyagi từng đến Iran vào năm 1997, kể lại: “Một điều thú vị nhất khi đến Iran là tôi được gặp, trò chuyện với mọi người trên con tàu. Ở mỗi chặng lại có thêm người mới đến, họ nói chuyện, mời tôi ăn uống cùng. Nói chung, dù du lịch một mình nhưng bạn sẽ không có cảm giác cô đơn. Đây là một trải nghiệm mới lạ mà tôi chưa từng trải qua ở bất cứ đâu.”
Nữ travel blogger Matin Lashkari người Iran hào hứng khoe rằng vé tàu rất phải chăng. Cô nói: “Chuyến tàu yên bình, an toàn và là một loại hình du lịch chậm mà không để lại lượng khí thải carbon lớn. Mặc dù còn nhiều điểm hạn chế, tuy nhiên Iran chắc hẳn vẫn là nơi đáng đến để trải nghiệm văn hóa, du lịch.”
Các gia đình giải nhiệt trong một đêm mùa hè trên sông Dez ở thành phố Dezful. Ảnh: Matthieu Paley.
Một chuyến tàu xuyên đêm đưa hành khách từ thánh địa Mashhad đến thành phố sa mạc Yazd. Ảnh: Matthieu Paley.
Hành khách đứng trên chuyến tàu từ thị trấn Dorud đến thác Bisheh. Ảnh: Matthieu Paley.
Cô cũng kể thêm rằng Irand đang thật sự chuyển mình, sẵn sàng đón lượng khách lớn từ mọi nơi. “Tôi chưa từng gặp ai đến Iran mà không ngạc nhiên trước những gì họ nhìn thấy. Họ bị “sốc” vì người dân quá hiếu khách, rất cởi mở. Hãy thử đến đất nước này và mọi định kiến của bạn về nó sẽ biến mất.”
Lashkari gợi ý du khách khi đến Iran đón đầu kỷ nguyên du lịch mới, hãy thử ghé phố cổ Yazd, là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận, nơi đây nổi tiếng với những tòa nhà bằng đất rất đặc biệt, những khu chợ và hammam truyền thống, các hàng dệt thủ công. Xen kẽ với những công trình truyền thống là hàng loạt nhà hàng, quán cà phê, cửa hàng và khách sạn mới rất hiện đại đã mọc lên trong 5 năm qua.
Trong khi khai thác một mỏ muối cổ xưa ở Iran, người ta đã tìm thấy nhiều xác ướp "người muối" được bảo quản gần như nguyên vẹn.
Nguồn: https://tcdulichtphcm.vn/du-khao/bang-qua-moi-neo-iran-tren-tuyen-hoa-xa-bo...