Bâng khuâng chợ nổi Cái Bè

Từ xa, chợ nổi Cái Bè như một thành phố tấp nập trên sông, người bán mua, người chào mời bên những chiếc thuyền, xuồng chở nặng hàng hóa.

Cuộc sống trên sông

Từ TP.HCM đi xuống Tiền Giang giao thông khá thuận lợi, chỉ khoảng 70km là đến Mỹ Tho, rồi thêm một chặng ngắn nữa là đến chợ nổi thuộc thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè. Chợ nổi nằm ở đoạn sông Tiền, giáp ranh giữa 3 tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre. Cho đến ngày nay, vẫn chưa có ai biết rõ chợ nổi Cái Bè được hình thành bắt đầu từ năm nào. Có lẽ nó đã được nhen nhóm từ khi có bước chân của lưu dân người Việt (chủ yếu đến từ vùng Ngũ Quảng) vào khai phá vùng đất này vào khoảng cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18.

Theo sách Gia Ðịnh Thành Thông Chí thì vào năm 1732, Chúa Nguyễn hạ chỉ cho dựng dinh Long Hồ tại Cái Bè (gọi là Cái Bè Dinh), lúc bấy giờ, vàm Cái Bè được miêu tả là nơi “sông sâu nước chảy”, có rất nhiều ghe xuồng từ khắp nơi đổ về tập trung buôn bán rất nhộn nhịp.

Bâng khuâng chợ nổi Cái Bè - 1

Ghe trái cây trên chợ nổi Cái Bè

Để trải nghiệm được hết cảm giác được đi chợ nổi Cái Bè, bạn cần phải có mặt ở bến tàu từ 5 giờ sáng, khi mặt trời bắt đầu tỏa chiếu những ánh sáng đầu tiên xuống dòng sông. Nhưng bạn cũng chưa phải là người có mặt sớm nhất, bởi trên sông, trước đó vài tiếng, các ghe, xuồng đã có mặt để giao hàng, những mũi thuyền nhấp nhô san sát nhau trên mặt nước. Khác với các chợ nổi khác như Phụng Hiệp, Cái Răng, ở chợ Cái Bè phần lớn là các hoạt động bán sỉ trái cây. Từng xuồng chôm chôm, dưa hấu, chuối, bưởi, bí ngô… cập bến và được chuyển hàng lên các sạp trái cây trên bờ hoặc sang các xuồng lớn tập kết hàng chuyển về các tỉnh.

Ngồi trên tàu đi dọc chợ nổi, khách cảm nhận được hết không gian thoáng đãng trên mặt sông, gió mát rươi, sóng dập dồn. Mọi dịch vụ trên sông đều đầy đủ, có thuyền bán cà phê, đồ giải khát; có thuyền bán đồ ăn như hủ tiếu, mỳ, bún, cơm; có thuyền bán thực phẩm tươi sống để phục vụ nhu cầu của cư dân chợ nổi. Hỏi chuyện một chủ ghe chôm chôm thì được biết, cả gia đình sống trên ghe thế này đã thành quen, hàng ngày lũ trẻ lên bờ đi học, cha mẹ chúng thì chạy ghe đến các nhà vườn, thu mua trái cây rồi bán cho các vựa, các chủ ghe lớn hơn, ngày cũng dư ra được đôi ba trăm, đủ cho mức sống tối thiểu.

Khám phá miệt vườn

Dạo qua một vòng chợ nổi, thưởng thức hết những món ngon từ cây trái đặc sản miền Tây, du khách được giới thiệu tiếp tục tham gia tour khám phá những làng nghề bên sông. Tàu chở khách ghé vào cơ sở nuôi ong lấy mật cho du khách tham quan và nếm thử trà mật ong. Tại đây mật ong được đóng chai và bày bán, bên cạnh đó cơ sở còn bán sữa ong chúa và một số sản phẩm lưu niệm từ dừa. Đi bộ trên con đường nhỏ, du khách tiếp tục ghé tham quan cơ sở sản xuất kẹo dừa để quan sát quá trình nước cốt dừa được trộn với đường, sữa, cho vào máy quay, sau đó được đổ ra khuôn và từ từ đông lại thành kẹo dừa. Nhón một chiếc kẹo còn nóng hổi, thơm phức, một du khách Tây sung sướng cho biết: “Rất thơm ngon, độc đáo”.

Ở chợ nổi Cái Bè, du khách có thể tìm thấy hết những sản vật nổi tiếng nhất là trái cây chuyên canh của Tiền Giang: Vú sữa Lò Rèn, bưởi da xanh long Cổ Cò, khóm Tân Lập, cam, bưởi, quýt Cái Bè... 

Từ thị trấn Cái Bè đi bằng tàu du lịch khoảng 15 phút, du khách sẽ đến thăm ngôi nhà cổ ấp An Lợi, xã Đông Hòa Hiệp. Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1938, mang đậm truyền thống Á đông xen lẫn những nét kiến trúc mềm mại theo kiểu kiến trúc Pháp. Và một điểm dừng chân không thể bỏ qua là chương trình đờn ca tài tử trong các chòm xóm. Tiếng hát, tiếng đờn kìm loang ra mặt sông khiến lòng khách bâng khuâng không nỡ rời.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoài Nam (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN