Bắc Sơn - bức tranh quyến rũ xứ Lạng
Không chỉ làm du khách say mê bởi một thung lũng đầy màu sắc, Bắc Sơn còn dẫn dụ mọi người đến với những nét văn hóa bản địa độc đáo
"Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh
Ai lên xứ Lạng cùng anh
Bõ công bác mẹ sinh thành ra em"
Câu ca dao xưa như lời mời chào có cánh để chúng tôi xách balô lên đường đến với xứ Lạng (tỉnh Lạng Sơn). Nơi đây đâu chỉ có phố Kỳ Lừa, nàng Tô Thị, chùa Tam Thanh… mà còn có một Bắc Sơn với vô vàn vẻ đẹp.
Đường lên xứ Lạng
Toàn cảnh thung lũng Bắc Sơn
Khoảng sông nước giữa cánh đồng Bắc Sơn
Chinh phục đài vọng cảnh Nà Lay
Chúng tôi đến Bắc Sơn khi thời tiết đã chớm sang thu phảng phất hơi lạnh của những cơn gió heo may. Cung đường xuyên qua thị trấn Bắc Sơn thênh thang, vắng vẻ, trái ngược chốn đô thành ồn ào, tấp nập. Đi qua những khối nhà cao tầng giữa lòng thị trấn, mọi người rủ nhau ra chiếc cầu bê-tông bắc qua một dòng sông nhỏ. Đứng ở đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh bao la của cánh đồng trải rộng giữa lòng thung lũng.
Cánh đồng ở thung lũng Bắc Sơn có diện tích lớn nhất xứ Lạng. Nó không chỉ mang lại cho bà con vùng cao mùa vàng no ấm mà còn hòa hợp với mây núi để vẽ ra bức tranh phong cảnh hữu tình.
Bao quanh cánh đồng là dãy núi đá vôi xanh thẫm điệp trùng chạy tít tận chân trời. Để ngắm trọn sông núi, ruộng đồng trong tầm mắt, tôi theo chân mọi người chinh phục 1.200 bậc đá men theo hẻm núi để lên đỉnh Nà Lay.
Đến đỉnh ở độ cao hơn 600 m so với mực nước biển, những cơn gió ào ào thổi vào cơ thể mát rượi. Ở đỉnh Nà Lay có một bãi sân rộng để du khách tha hồ chiêm ngắm toàn cảnh thung lũng. Đây được xem là đài vọng cảnh ấn tượng nhất cho các nhiếp ảnh gia và bất kỳ du khách nào khi đến Bắc Sơn.
Từ đỉnh Nà Lay nhìn xuống, giờ đây cả một bức tranh đại cảnh tuyệt sắc nằm gọn trong đôi mắt du khách. Ở đó có màu vàng của lúa chín, nâu của đất, xanh lam của sông… Cả cánh đồng lọt giữa hàng ngàn khối núi hình chóp nón bao quanh tạo ra nét hùng vĩ nhưng cũng không kém phần thơ mộng. Nhiều người phải thốt lên: "Đúng là bõ công lặn lội đường xa".
Đặc biệt, khi quan sát tới một góc ở cánh đồng thung lũng Bắc Sơn, chúng tôi phát hiện hàng trăm ngôi nhà san sát nhau, mái màu nâu đất. Thế là ngay lập tức, cả nhóm quyết định đó sẽ là nơi dừng chân tiếp theo.
Cây đa cổ thụ ở Quỳnh Sơn
Lạc lối ở Quỳnh Sơn
Đi nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, chuyện gặp một thôn, bản nhà sàn là điều bình thường với du khách. Nhưng khi đến Bắc Sơn, chúng tôi mới vỡ lẽ, Quỳnh Sơn là cả một xã nhà sàn với 6 thôn, bản khác nhau. Quỳnh Sơn hiện có 480 hộ dân với gần 2.000 nhân khẩu, trong đó 99% là người dân tộc Tày. Điều cực kỳ quý và hiếm mà khó nơi nào có được là ở đây có đến 440 hộ đồng bào Tày sinh sống trong những căn nhà sàn truyền thống.
Đi sâu vào từng con ngõ ngoằn ngoèo luồn lách từ thôn này sang bản kia, du khách như bị lạc vào mê cung nhà sàn. Đâu đâu cũng là những nếp nhà đơn sơ, ngả màu thời gian, cùng gốc cây, giếng nước cổ kính. Ở thôn Đon Riệc 1, Đon Riệc 2 hiện nay vẫn còn lưu giữ được những ngôi nhà sàn có tuổi đời ngót 100 năm.
Xã nhà sàn Quỳnh Sơn nhìn từ trên cao
Những căn nhà sàn truyền thống ở Quỳnh Sơn
Người dân hồn hậu, mến khách
Nhiều nhà sàn của đồng bào Tày ở Quỳnh Sơn vẫn giữ nguyên bản sắc cổ xưa. Nhà gồm hai tầng, tầng 1 nuôi gia súc, gia cầm, để xe cộ, còn tầng 2 là nơi sinh hoạt của con người. Mái nhà sàn được lợp ngói âm dương. Cột và vách nhà là sự kết hợp giữa gỗ và tre, nứa. Nhiều gia đình vẫn còn cả những chiếc chòi lợp mái tranh ở góc sân để phơi nông sản.
Đến Quỳnh Sơn, tôi và nhiều bạn trẻ ngỡ ngàng khi bắt gặp cây đa cổ thụ có tuổi đời 480 năm. Cây đa cổ thụ tạo thành bởi 3 gốc, trong đó có 1 gốc đã mục rỗng vô cùng độc đáo. Cây đa ngày ngày vươn tán tỏa bóng mát xuống 3 ngôi trường: Mầm non, Tiểu học và THCS Quỳnh Sơn….
Có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp cùng với việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống tốt nên Quỳnh Sơn đã trở thành làng du lịch cộng đồng. Du khách đến đây sẽ được gia chủ phục vụ bữa ăn lạ miệng với nhiều sản vật địa phương và ngủ trong những ngôi nhà sàn mát rượi. Tối đến, mọi người còn được đội văn nghệ ở thôn phục vụ các tiết mục âm nhạc bằng đàn tính - một nhạc cụ độc đáo của người Tày.
Trên các diễn đàn và hội nhóm về du lịch trên Facebook mới đây, những hình ảnh về một hồ sen nở rộ được dân mạng...
Nguồn: [Link nguồn]