Ba trải nghiệm độc đáo cho một chuyến đi chữa lành tới Jeju

Nhịp sống hiện đại bận rộn kéo tâm trí ta cuốn theo những xô bồ, mệt mỏi. Đó là lúc cần một chuyến đi chữa lành tìm về với sự bình yên, “sạc” lại đam mê và tìm lại nhiệt huyết để sống tích cực hơn. Cùng tạm gác lại công việc và bắt đầu hành trình tới đảo Jeju - nơi có những nghệ nhân âm thầm giữ gìn nét đẹp truyền thống và những câu chuyện thú vị về cuộc sống và đặc sản Jeju.

“Thổi hồn vào đất” với câu chuyện gốm truyền thống

Đồ gốm được làm từ đất nung là sản phẩm nổi tiếng lâu đời của Jeju, quen thuộc với người dân trên đảo ngàn năm nay. Đồ gốm được dùng làm chum vại, bát đĩa, đồ trang trí nhà cửa nên từ lâu đã trở thành một nét đẹp văn hoá truyền thống của Hàn Quốc.

Nếu yêu thích loại gốm Celadon, du khách có thể tới Lớp học làm gốm từ đất sét Jeju của hai nghệ nhân Kim Soo Hyeon và Oh Joo Won. Sau khi kết hôn, hai nghệ nhân đã trở lại đảo Jeju vào năm 2006 và mở Araceramic để duy trì văn hoá gốm Celadon Buncheong. Đây là một loại gốm đặc biệt có màu xanh xám, xuất hiện trong thế kỷ 14 đến 26. Dòng gốm Celadon là kế thừa của dòng gốm sứ từ thời Joseon nên có rất nhiều nét đặc trưng riêng biệt. Hai nghệ nhân lấy cảm hứng từ khung cảnh thiên nhiên Jeju từ những bãi biển rộng lớn đến cảnh hoàng hôn, tượng đá, cánh đồng hoa cải vàng,... để tạo nên những họa tiết trang trí độc đáo trên men gốm. Tới đây, du khách sẽ được trải nghiệm tự làm gốm cũng như chia sẻ câu chuyện làm nghề từ hai nghệ nhân.

Nghệ nhân Kim Kyungchan mong muốn bảo tồn nét đẹp của gốm Onggi

Nghệ nhân Kim Kyungchan mong muốn bảo tồn nét đẹp của gốm Onggi

Ở đảo Jeju còn thêm một địa điểm nữa là Jeju Clay Pottery Lab của nghệ nhân Kim Kyungchan để giới thiệu và chia sẻ các tác phẩm gốm hiện đại với chủ đề Jeju Onggi. Nghệ nhân Kim Kyungchan đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu về hình dáng, đặc trưng của gốm Onggi và ứng dụng tạo nên những đồ vật thân quen với cuộc sống thường ngày. Các tác phẩm của ông như chum vại, bình, chai đã được ra đời mang thương hiệu Cosmo. Những món đồ được tạo nên từ bàn tay của nghệ nhân không chỉ được sử dụng hàng ngày mà còn là đồ trang trí hoàn hảo cho quán cà phê, không gian gia đình. Du khách đến đây sẽ được lắng nghe câu chuyện làm gốm của nghệ nhân Kim và xem cách ông cầu kỳ cẩn thận trong từng chi tiết nhỏ để tạo nên một tác phẩm sẽ hiểu hơn về văn hoá truyền thống của xứ Hàn.

Khám phá nghệ thuật trà đạo cùng các nghệ nhân

Tạo hoá ưu ái đảo Jeju với thổ nhưỡng, khí hậu vô cùng tốt và thích hợp để trồng chè. Không khó để bắt gặp những đồi trà xanh mướt, phủ kín ngọn đồi khi tới đảo Jeju. Trong chuyến du lịch chữa lành tới đảo Jeju, du khách có thể lựa chọn tới thăm vườn chè “khổng lồ” Orteas của CEO Lee Won Hee. Hiểu rõ chè là cây ưa môi trường ẩm, có nhiều mưa và sương mù dày nên bà Lee Won Hee đã chọn khu vực có độ cao trên 300m so với mực nước biển để trồng chè. Tới đây, du khách có thể đặt trước để được trải nghiệm trà đạo “Trà tâm” của Orteas. Đồng thời, những nghệ nhân cũng không ngần ngại chia sẻ những câu chuyện thú vị về nguồn gốc, cách phân loại, phương pháp pha trà. Chậm rãi thưởng trà giữa không gian xanh mát, thoang thoảng mùi thơm đặc biệt, cảm nhận không khí mát dịu sẽ đem đến sự thư thái cho du khách.

Ortea là nơi du khách có thể tìm hiểu sâu về trà ở đảo Jeju

Ortea là nơi du khách có thể tìm hiểu sâu về trà ở đảo Jeju

Thêm một lựa chọn để thưởng thức đồ uống pha chế đặc biệt từ trà trên đảo Jeju đó là tới Wooyeonmot, gặp giám đốc điều hành Ryu Yeon Woo. Bà đã được tiếp xúc với trà từ khi còn bé và sau khi du học ở Trung Quốc thì trở về quê hương Jeju để sáng tạo những thức uống độc đáo. Ryu Yeon Woo nghiên cứu cách pha chế 12 loại trà khác nhau kết hợp sử dụng các loại hoa và thực vật. Bà cũng đã tạo ra 20 dòng sản phẩm trà khác nhau thay đổi theo mùa, trà cho ngày đặc biệt như Giáng sinh. Tới Wooyeonmot, du khách có thể tham gia Chương trình Thử làm trà để được hướng dẫn làm ba loại trà đặc trưng, sau đó có thể thưởng thức trà cùng các món bánh như bánh chanh bí đỏ, bánh trà xanh. Trải nghiệm tự tay làm trà, ngồi xem các nghệ nhân thực hiện và trò chuyện về trà đạo sẽ là những kỷ niệm khó quên đối với mỗi du khách ghé thăm.

Thưởng thức bánh quýt đặc sản của Jeju - Nâng tầm bánh gạo truyền thống

Đảo Jeju nổi tiếng với một loại bánh được làm từ lúa mì, mật ong, ngũ cốc và gạo rang gọi là Gwajul. Đây là món ăn được nghệ nhân Oh Jeong Ja kinh doanh từ năm 2009 và được yêu thích vô cùng. Món ăn “gây thương nhớ” đến mức có rất nhiều du khách quay trở lại đây chỉ để thưởng thức vị ngon này. Cách làm bánh Gwajul rất đơn giản, kết hợp giữa các nguyên liệu kể trên cùng với vỏ quýt để tạo nên hương vị đặc biệt. Sau thời gian dài nghiên cứu, nghệ nhân Oh Jeong Ja đã thành công tạo ra kết cấu mềm xốp, giòn rụm trong quá trình chiên bánh.

Bánh quýt là sự kết hợp giữa gạo rang, mật ong và hương quýt

Bánh quýt là sự kết hợp giữa gạo rang, mật ong và hương quýt

Hương quýt trong bánh được chiết xuất từ những quả quýt được trồng trên đảo với quy trình đảm bảo thân thiện với môi trường. Từ đó, bánh cũng có hương vị rất đặc trưng của Jeju mà không nơi nào có thể làm ra được. Món bánh cao cấp “Ojeongja Gwajul" làm từ lúa mì và quýt có được bày bán tại cửa hàng Myeongin Myeongchon trong Trung tâm thương mại Hyundai. Nếu muốn mua món bánh này làm quà tặng cho gia đình, bạn bè thì du khách có thể ghé Trung tâm thương mại hoặc tới Làng Dosol ở đảo Jeju.

Với những nghệ nhân trên đảo Jeju, làm nghề truyền thống không chỉ là tạo ra những sản phẩm đặc biệt mà còn là cách nâng niu giá trị văn hoá Jeju. Chính vì vậy, lựa chọn hành trình khám đảo Jeju đi theo lời kể của những nghệ nhân sẽ giúp du khách cảm nhận được sự đam mê và sự bình yên của cuộc sống trên đảo. Cảm xúc bình yên ở những điểm đến này là “liều thuốc” chữa lành tốt nhất cho những tâm hồn đang “mệt mỏi”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN