Ảnh: Dân làng ngỡ ngàng vì vẻ đẹp của "rừng" hoa ban ven đô Hà Nội
"Hoa gì mà đẹp vậy chú" là câu hỏi mà nhiều người dân sinh sống tại thôn Vĩnh Trung và Vĩnh Thịnh (xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, Hà Nội) nắc nỏm hỏi chúng tôi khi thấy hàng trăm cây hoa ban - loại cây của núi rừng Tây Bắc nở dọc con đường làng ở ven đô Hà Nội.
Dọc bên trái tuyến đường nhựa đoạn đầu cổng chào xã Đại Áng tại thôn Vĩnh Trung đến hết thôn Vĩnh Thịnh là hàng trăm cây ban đang nở hoa khoe sắc trắng tím. Người dân tại đây cho biết, những cây ban to được trồng khoảng hai năm, còn cây nhỏ thì trồng được gần một năm nay.
Trong số hơn 100 cây hoa ban tại đây thì đa phần là hoa ban trắng.
Người dân đứng đợi xe buýt bên những cây hoa ban tím.
Dưới ánh nắng mặt trời, hoa ban càng nổi bật lên màu trắng tinh khôi của hạnh phúc, màu tím của sự thủy chung.
Ở bên kia đường là những hộ dân cư sinh sống. Trong quan niệm của người Thái, hoa ban vừa là biểu tượng của đạo hiếu đối với cha mẹ, vừa là biểu tượng của tình yêu trai gái.
"Hoa gì mà đẹp vậy chú", "bây giờ mới để ý thấy hoa đẹp thế" - đó là những lời ngỡ ngàng, nắc nỏm của người dân nơi đây khi thấy chúng tôi mải mê chụp ảnh. Có lẽ khi công việc đồng áng vừa xong họ lại mải làm ăn nên ít có khoảng thời gian nhàn rỗi để thưởng thức thú vui ngắm hoa tao nhã.
Nhiều người chưa biết là hoa ban còn có thể ăn được. Người dân Tây Bắc vẫn sử dụng hoa ban như một loại rau ăn và chế biến thành nhiều món khác nhau như làm nộm, nấu canh.
Ở đằng xa là cánh đồng lúa của những hộ dân nơi đây vừa cấy xong.
Anh Nguyễn Đình Thế đang lưu lại khoảnh khắc cây ban tím "bung lụa". "Thường ngày bận rộn với công việc nên ít có thời gian để ý đến bên ngoài. Hôm nay, ngắm những cây hoa ban này tôi thấy đẹp thật", anh Thế chia sẻ.
Những cánh hoa ban rơi rụng xuống mặt đường vẫn lưu vẻ đẹp.
Hết thời kỳ khoe sắc từ tháng 3 đến tháng 5, hoa ban sẽ đậu quả.
Tuy không phải loài hoa của Hà Nội, nhưng với sắc tím đặc trưng, hoa ban đã làm người ta yêu thêm mảnh đất Hà thành.