8 địa điểm bị bỏ hoang có khung cảnh ngoạn mục khó tin
Sau khi bị bỏ hoang, những nơi này không có sự sống, lạnh lẽo, cô quạnh và dần bị cây cối bao phủ.
Theo một cách nào đó, sự tiếp quản của Mẹ Thiên nhiên khiến cho những nơi đổ nát, hoang vắng này trở nên ngoạn mục hơn rất nhiều so với hiện trạng ban đầu. Sau một thời gian dài, những nơi này hoàn toàn bị nuốt chửng bởi thảm thực vật, còn rất ít dấu vết của con người.
1. Đảo Gouqi
Phía nam cửa sông Dương Tử ở Trung Quốc là có một quần đảo bao gồm 400 hòn đảo nhỏ. Một trong số đó là đảo Gouqi dường như bị thời gian lãng quên hoàn toàn.
Nơi này từng là một làng chài nhỏ nhộn nhịp, sau đó, người dân trong làng dần dần rời đi, không còn ai sinh sống nữa. Cây thường xuân, dây leo bao phủ khắp các con hẻm, tường nhà, thậm chí cả một trường học. Mặc dù nơi này không còn ai sinh sống nhưng ngày nay nó trở thành một điểm thu hút khách du lịch chỉ có thể đến bằng phà.
2. Khách sạn del Salto
Thác Tequendama, sông Bogotá, Colombia là một địa điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng. Có một khách sạn tên “Hotel del Salto” từng được mọi người rất yêu thích. Các địa điểm tham quan và âm thanh tại nơi này khiến ai cũng mê mẩn.
Thế nhưng, mọi người dần rời bỏ nơi này, bởi cách thượng nguồn vài dặm, chất thải chưa được xử lý đổ xuống sông khiến cho mọi người không thể chịu nổi mùi hôi thối. Mặc dù các căn phòng trong khách sạn có tầm nhìn rất đẹp nhưng không ai chịu nổi mùi hôi ở đây. Cuối cùng, khách sạn buộc phải đóng cửa vào những năm 1990 và cây cối mọc lên um tùm kể từ đó.
3. Kolmanskop
Thị trấn khai thác mỏ Kolmanskop của Namibia bị bỏ hoang, hàng tấn cát thổi vào nhà của người dân, khiến cho mọi thứ đều bị cát bao phủ. Cát lấp đầy các căn phòng trong nhà, không ai sống được trong môi trường như vậy.
Vào đầu thế kỷ 20, một công nhân đường sắt người Đức đã tìm thấy một viên kim cương ở khu vực này. Sau đó, một khu định cư khai khác mỏ được xây dựng. Nhưng đến đầu những năm 1930, kim cương ở Kolmanskop trở nên khan hiếm khiến cho người dân dần dần rời bỏ nơi này.
4. Đảo Holland
Năm 1910, có khoảng 360 cư dân sinh sống trên đảo Holland ở vịnh Chesapeake, Mỹ. Người dân chủ yếu đánh cá và làm nông nghiệp. Đây cũng là một trong những hòn đảo có người sinh sống lớn nhất ở vịnh Chesapeake, với 70 ngôi nhà, cửa hàng, bưu điện, trường học, nhà thờ, và hơn thế nữa.
Đáng buồn thay, sự xói mòn trên bờ biển phía tây của hòn đảo gây ra hậu quả nghiêm trọng. Bất chấp việc xây dựng những bức tường đá để giúp bảo vệ khỏi thủy triều xâm lấn, gia đình cuối cùng buộc phải rời đi vào năm 1918.
5. Giếng Quinta da Regaleira
Tại thị trấn Sintra, Quinta da Regaleira là một công trình được xây dựng vào năm 1904 bởi một doanh nhân Bồ Đào Nha giàu có. Mặc dù trông có vẻ như một cái giếng khổng lồ nhưng thực chất nó là một ngôi nhà lớn kiểu gothic, được xây dựng công phu, bao gồm đường hầm, hang động.
Có một cầu thang xoắn ốc hình vòng cung bên trong nơi này nhưng không nhằm mục đích lấy nước mà dành cho một nghi lễ đặc biệt.
Nơi này đã bị bỏ hoang trong nhiều năm nhưng hiện được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.
6. Valle dei Mulini
Người dân địa phương gọi đây là thung lũng của những nhà máy, bởi có 25 nhà máy bột mì bị bỏ hoang nằm sâu trong 1 hẻm núi ở Sorrento có từ thế kỷ 13.
Ngoài các nhà máy thì dọc theo một con kênh nhỏ này còn có các xưởng cưa. Vào năm 1940, việc xay bột mì được tiến hành theo một phương pháp khác hiện đại hơn nên kết quả các nhà máy này phải đóng cửa.
Bây giờ tất cả những gì còn lại là những tàn tích công nghiệp cổ đại được bao phủ bởi thảm thực vật tươi tốt.
7. SS Ayrfield
Những con tàu đắm thường được tìm thấy dưới đáy đại dương thường là nơi trú ngụ của san hô và các sinh vật biển. Thế nhưng, ở SS Ayrfield, vịnh Homebush của Sydney thì khác. Thay vì bị nhấn chìm, nó nổi trên mặt nước và có một khu rừng ngập mặn nhỏ sinh trưởng tươi tốt bên trong.
Con tàu này được đóng vào năm 1911, là 1 trong 4 tàu chở hàng chuyên vận chuyển than, dầu, vật tư trong chiến tranh.
8. Angkor Wat
Nằm trong khu rừng rậm phía bắc tỉnh Siem Reap của Campuchia, Angkor Wat là một nơi tuyêt đẹp được UNESCO gọi là một trong những địa điểm khảo cổ quan trọng nhất của Đông Nam Á.
Nơi này từng là thủ đô của Vương quốc Khmer, khu vực xung quanh rộng lớn tự hào có những ngôi đền được trang trí công phu, công trình thủy lợi có từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 14.
Đặc biệt đáng chú ý là ngôi đền Ta Prohm, bây giờ được bao phủ bởi những gốc cây khổng lồ. Trong khi các di tích khác được duy trì và bảo vệ khỏi xâm lấn của rừng rậm, các nhà khảo cổ học đã để cây cối phát triển tự nhiên tại đền Ta Prohm.
Nguồn: [Link nguồn]
Có một số địa điểm vì lý do an ninh, pháp lý hoặc khoa học nên không cho phép người bình thường ghé thăm.