8 cây nến khổng lồ trong chùa Đất Sét ở miền Tây
Bửu Sơn Tự nổi tiếng ở miền Tây không chỉ có hơn 1.000 tượng Phật với các linh vật bằng đất mà còn có những chiếc nến khổng lồ cháy được 100 năm.
Cuối tuần hay lễ, Tết, khách du lịch đến Sóc Trăng đừng quên ghé thăm công trình nghệ thuật độc đáo của một nghệ nhân không qua trường lớp - ông Ngô Kim Tòng (1909 - 1970). Vị trụ trì đời thứ tư này đã tạo ra 1.991 tượng lớn nhỏ bằng đất sét, trong đó có hơn 1.000 tượng Phật để thờ trong Bửu Sơn Tự (chùa Đất Sét), đường Tôn Đức Thắng, phường 5, TP.Sóc Trăng.
Bửu Sơn Tự còn gọi là chùa Đất Sét
Ngôi chùa cổ trên 200 năm này hình thành từ am tự của dòng họ Ngô ở làng Nhâm Lăng, tổng Nhiêu Khánh, nay là TP. Sóc Trăng. Trước đây gia đình này nghèo nhưng hiếu đạo. Cha mẹ ông Tòng là cư sĩ tại gia, kế thừa đời thứ 3 của giòng tộc. Ông là con thứ tư, gọi theo người miền Nam (không có anh cả) là Cậu năm Tòng.
Cuộc sống vất vả, thân phụ Ngô Kim Đính không có điều kiện cho con đến trường nên ông Tòng phải nghỉ học sớm, ở nhà phụ giúp cha mẹ trông coi am tự. Năm 18 tuổi, thấy phụ mẫu tuổi già sức yếu, nhà không ruộng rẫy nên ông tìm đến xã Phú Hữu của huyện Long Phú (Sóc Trăng) thuê 2 công đất. Ban ngày ông cuốc đất trồng khoai, đêm đọc kinh Phật.
2 trong 6 chiếc đèn cầy nặng 200 kg/chiếc, cao 2,6 m có thể cháy hơn 100 năm
Sau mùa thu hoạch, ông chèo xuồng chở khoai ra chợ Sóc Trăng bán và ngất xỉu vì làm quá sức. Hay tin, ông Ngô Kim Đính cùng vợ đưa con về, nhưng không có tiền mua thuốc chữa trị nên lập bàn hương án, ngày đêm cầu nguyện mười phương chư Phật cùng Đức Quan Âm phù hộ suốt 3 ngày 3 đêm. Ông Tòng tỉnh lại và khỏe mạnh hẳn ra.
Từ đó, vào mỗi buổi sáng, ông Tòng đi về hướng Tây của am tự khoảng 1 km để đào đất sét gánh về nặn tượng Phật theo trí tưởng tượng của mình. Trước khi nặn tượng, đất sét được ông phơi khô, dùng chày giã nhuyễn rồi rây bỏ rễ tạp, sau đó đổ nước vào nhào nhiều giờ cho đất được dẻo dai.
Cặp đèn 100 kg/chiếc cháy liên tục 44 năm nay vẫn còn 1/3
Tuy không qua trường lớp nhưng với bàn tay tài hoa của mình, từ năm 1928 đến 1970, ông Tòng đã dùng đất sét tạo ra hơn 1.000 tượng Phật lớn nhỏ, tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế, Lão Tử, Diêu Trì Kim Mẫu... để thờ. Những linh vật trang trí trong chùa cũng tạo ra từ đất sét như thanh sư, bạch hổ, kim lân, long mã, lục long đăng… được sơn phết tỉ mỉ bằng sơn, dầu bóng.
Khi còn là am, nơi thờ tự này được che bằng lá, diện tích nhỏ hẹp. Từ lúc ông Tòng làm trụ trì, am được tôn tạo, mở rộng trên tổng diện tích gần 500 m2, và người dân trong vùng quen gọi là chùa Đất Sét.
Bảo tòa liên hoa bằng đất sét
Bước vào chánh điện, du khách không khỏi ngạc nhiên trước công trình kiến trúc độc đáo của nghệ nhân Ngô Kim Tòng. Đó là khu nhà tam giáo cộng đồng (Phật, Nho, Lão) được chống đỡ bằng 24 cột cây, ốp đất sét. Sự sắp xếp của nghệ nhân trụ trì đã tạo thành tư tưởng "tam giáo đồng nguyên" trong nội điện, như Phật A Di Đà, Quan Thế Âm, Di Lặc, Khổng Tử, Lão Tử, Diêu Trì Kim Mẫu, Ngọc Hoàng Thượng Đế…
Đối diện chánh điện thờ mười phương chư Phật là tượng Bảo tòa liên hoa, có đến 1.000 cánh sen, được ông Tòng xây dựng vào năm 1940. Trên mỗi cánh sen của Bảo tòa có một vị Phật ngự. Phía dưới đài sen là Bát quái Thiên tiên với 8 cung Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài. Mỗi cung có hai tiên nữ đứng hầu và dưới đài sen và Bát quái Thiên tiên có Tứ Đại Thiên vương trấn giữ.
Trước Bảo tòa liên hoa là Tháp Đa Bảo cao 3,5 m cũng được làm bằng đất sét
Trước Bảo tòa liên hoa là Tháp Đa Bảo cao 3,5 m gồm 13 tầng, 208 cửa vị thần. Tháng 9/2013, hai công trình bằng đất sét lớn nhất này được cấp bằng xác lập kỷ lục Việt Nam.
Không chỉ có hàng nghìn tượng Phật và linh vật bằng đất sét độc đáo, Bửu Sơn Tự còn nổi tiếng với 8 chiếc đèn cầy (nến) khổng lồ được Trụ trì Ngô Kim Tòng đúc vào năm 1940. Để làm được 6 đèn cầy nặng 200 kg/chiếc và 2 đèn nặng 100 kg/chiếc, ông Tòng chặt nhỏ 1,4 tấn sáp nguyên chất, nấu lỏng rồi đổ vào khuôn, là những tấm tôn lợp nhà cuộn lại.
Kim lân trong chùa Đất Sét
Một tháng sau kể từ ngày đổ sáp tan chảy, những chiếc đèn cầy 200 kg to một người ôm không hết được dựng lên với chiều cao 2,6 m. Cặp đèn nhỏ 100 kg/chiếc được thắp liên tục 44 năm từ ngày 18/7/1970 (lúc ông Tòng qua đời) nhưng đến nay vẫn còn 1/3 thân đèn chưa cháy hết. Như vậy, 3 cặp đèn loại 200 kg/chiếc, mỗi cặp có thể cháy hơn 100 năm.
Bốn năm trước, Bửu Sơn Tự được UBND tỉnh Sóc Trăng cấp bằng xếp hạng di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh. Trụ trì chùa đời thứ 8 hiện nay là thầy Khánh Thọ (57 tuổi), cháu gọi ông Tòng bằng bác ruột.
Chánh điện của chùa thờ mười phương chư Phật cũng được tạo ra từ đất sét
Nét đặc trưng của chùa Đất Sét là không có sư vì đây là nơi thờ tự tại gia, và không nhận tiền công đức. Con cháu trong dòng họ Ngô giúp thầy Trụ trì bảo vệ chùa, chỉ bán bên ngoài những vật phẩm địa phương cho khách thập phương đến hành hương, viếng Phật.