6 điều ít người biết về chợ nổi Thái Lan

Sự kiện: Du lịch Thái Lan
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Chợ nổi là điểm đến nổi tiếng với khách du lịch khi đến Thái Lan, nhưng vẫn còn nhiều điều về lịch sử và văn hóa chợ nổi chưa được nhiều khách biết đến.

Lịch sử lâu đời Chợ nổi ra đời từ thời Ayutthaya (1350-1767), khi người dân di chuyển, giao thương chính qua các kênh rạch, sông ngòi, các bến sông trở thành nơi tụ họp quan trọng của nông dân và thương nhân. Những khu chợ này phản ánh sự giàu có về nông nghiệp của Thái Lan và lối sống của cộng đồng ven sông. Mọi người tụ tập để trao đổi trái cây, rau củ và hàng thủ công, tạo nên những điểm giao thương sầm uất.

Chợ nổi Amphawa, tỉnh Samut Songkhram. Ảnh: TAT

Chợ nổi Amphawa, tỉnh Samut Songkhram. Ảnh: TAT

Trong thời Rattanakosin (1782-1868), chợ nổi tiếp tục phát triển mạnh, đặc biệt là ở lưu vực sông Chao Phraya. Các chợ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và giao tiếp xã hội của mọi người. Đến giữa thế kỷ XX, khi đường bộ và đường sắt được xây dựng, văn hóa chợ nổi đã thay đổi. Nhiều người bắt đầu sử dụng phương tiện giao thông đường bộ dẫn đến sự suy tàn của các khu chợ nổi truyền thống, nhiều khu chợ đóng cửa hoặc dời lên đất liền.

Đến những năm 1960, một số khu chợ nổi đã được khôi phục thành điểm du lịch. Có thể kể đến Damnoen Saduak, được thiết kế lại để thu hút khách du lịch với sự hỗ trợ của Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT). Điều này đã làm thay đổi nhận thức duy trì các chợ nổi thành điểm du lịch thay vì thương mại. Ngày nay, những nơi này vẫn thể hiện một phần cuộc sống truyền thống của người Thái nhưng cũng thích nghi để đáp ứng sở thích của khách du lịch.

Gắn liền với kênh rạch Chợ nổi ở Bangkok tồn tại nhờ mạng lưới kênh rạch, đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển ban đầu của thành phố. Những kênh rạch này được đào cách đây hơn 600 năm để giúp thoát nước, ngăn ngừa lũ lụt và đóng vai trò là tuyến đường giao thông và vận chuyển hàng hóa.

Các kênh đào tại các chợ nổi ở Thái Lan thường sâu từ một đến ba mét, vừa đủ để thuyền di chuyển an toàn. Tuy nhiên, mực nước có thể thay đổi tùy theo mùa và địa điểm. Vào mùa mưa, từ tháng 5 đến tháng 10, mực nước dâng cao, khiến kênh đào sâu hơn. Độ sâu cũng có thể khác nhau giữa các chợ nổi. Các chợ lớn hơn như Damnoen Saduak có kênh đào sâu hơn so với các chợ nhỏ.

Để các chợ nổi này hoạt động tốt cho cả thương mại và du lịch, chính quyền phải nạo vét thường xuyên để duy trì độ sâu cần thiết, đảm bảo cho các chợ có thể tiếp cận được quanh năm.

Chợ nổi lâu đời nhất

Chợ nổi Damnoen Saduak thuộc tỉnh Ratchaburi. Ảnh: TAT

Chợ nổi Damnoen Saduak thuộc tỉnh Ratchaburi. Ảnh: TAT

Một trong những chợ nổi cổ được nhiều người biết nhất là Damnoen Saduak, nằm tại huyện cùng tên thuộc tỉnh Ratchaburi, cách Bangkok 105 km. Damnoen Saduak hoạt động từ năm 1967, không họp chợ trên sông mà họp trên những kênh rạch chằng chịt được đào từ năm 1866. Khu chợ nổi tiếng đông đúc với đa dạng hàng hóa. Thời gian tham quan đẹp nhất ở đây là tháng 11 đến 3, bắt đầu hành trình từ khoảng 6 giờ. Khi đó, khu chợ nổi chưa quá đông đúc bạn có thể cảm nhận từng tia nắng sớm chiếu trên kênh trước khi hòa vào không khí sôi động của nơi đây.

Thuê đò tại bến Sukhaphiban với giá 150 - 200 Baht (112.000-150.000 đồng) một tiếng.

Mì thuyền

Mì thuyền, hay Kuay Tiew Rua, có nguồn gốc từ các chợ nổi của Thái Lan trong triều đại Ayutthaya. Vào thời đó, món ăn được phục vụ trực tiếp từ thuyền, trở thành bữa ăn nhanh chóng và tiện lợi cho các thương nhân và du khách đi qua các kênh đào đông đúc. Những chiếc bát nhỏ được thiết kế khéo léo để tránh bị đổ.

Mì thuyền ra đời từ văn hóa chợ nổi. Ảnh: Lemaret Pierricks

Mì thuyền ra đời từ văn hóa chợ nổi. Ảnh: Lemaret Pierricks

Mì thuyền gồm sợi giống bún gạo, ăn kèm nguyên liệu thịt heo, bò viên, tôm hoặc cá, chan nước súp màu nâu đỏ đặc trưng do có tiết heo. Ngày nay, rất nhiều nhà hàng phục vụ mì thuyền nhưng món ăn vẫn phổ biến ở các chợ nổi. Không chỉ là một món mì đậm chất văn hóa Thái, món mì này theo đánh giá của nhiều du khách "rất ngon'', không thể bỏ qua khi đến thăm chợ nổi.

Nhà sư khất thực trên thuyền Vào sáng sớm tại các chợ nổi của Thái Lan, bạn thường thấy các nhà sư đi dọc theo các kênh đào, nhận đồ ăn cúng dường từ những người bán hàng rong và người dân địa phương. Đây là yếu tố thể hiện văn hóa Phật giáo ăn sâu vào đời sống ở Thái Lan, thường thấy tại chợ nổi Amphawa. Các nhà sư trong y phục màu vàng nổi bật sau khi nhận đồ ăn từ dân chúng sẽ đọc kinh cầu phúc. Đến chợ nổi từ sáng sớm xem cảnh khất thực trên chợ nổi cũng là điều thú vị được nhiều du khách mong đợi.

Các nhà sư đi khất thực trên bằng thuyền trên chợ nổi. Ảnh: TAT

Các nhà sư đi khất thực trên bằng thuyền trên chợ nổi. Ảnh: TAT

Điểm đến cho gia đình

Các gia đình đến Thái Lan sẽ thấy chợ nổi là nơi hoàn hảo cho chuyến đi chơi. Chợ nổi Taling Chan là nơi đông đúc và có nhiều chỗ ngồi mát, có thể thưởng thức hải sản tươi sống hoặc đồ ăn nhẹ. Các bậc phụ huynh cũng có thể cùng con lên thuyền đi chặng ngắn dọc theo các kênh đào. Âm nhạc truyền thống Thái Lan tại khu chợ khiến du khách cảm thấy dễ chịu.

Các khu chợ như Damnoen Saduak, Amphawa và Khlong Hae là những nơi sôi động, bán nông sản tươi sống, các món ăn địa phương và các mặt hàng thủ công từ thuyền, cho phép du khách trải nghiệm gần gũi với văn hóa Thái Lan.

Nguồn: [Link nguồn]

Thái Lan - Ngành du lịch Thái Lan dự kiến tăng trưởng 2 tỷ USD sau khi thông qua dự luật bình đẳng hôn nhân, có hiệu lực vào tháng 1/2025.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Thu (Theo Thaiger) ([Tên nguồn])
Du lịch Thái Lan Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN