10 kiến trúc bằng bùn đất ấn tượng nhất thế giới
Những kiệt tác được xây dựng từ bùn đất luôn là điểm đến du lịch hấp dẫn trên thế giới và không khỏi khiến du khách bối rối và thán phục bởi những nét rất riêng của chúng.
1. Shibam ở Yemen:
Được biết đến với cái tên “Manhattan của sa mạc”, Sibam là một thành phố ở Yemen với lối kiến trúc đặc biệt của các tòa nhà cao tầng độc đáo xây dựng từ thế kỷ 16. Đặc biệt, có một số tòa nhà 16 tầng và cao tới 40m và đều được xây từ gạch bùn liền kề nhau, với mục đích ban đầu để bảo vệ người dân từ các cuộc tấn công của người Bedouin du cư. Cư dân sống tại các vùng sa mạc này thường xuyên phải cải tiến và gia cố các tòa nhà này để tránh mưa gió và xói mòn.
2. Ait Benhaddou ở Maroc:
Là một trong những điểm đến du lịch hàng đầu tại Maroc, Ouarzazate được xây dựng hoàn toàn bằng gạch và đất bùn theo lối truyền thống. Thực tế, nó cũng từng xuất hiện trong rất nhiều bộ phim nổi tiếng như Lawrence of Arabia, Chiến tranh giữa các vì sao và Gladiator,… Ait Benhaddou là một trong những thành phố cổ có tường cổ bao quanh ở Ouarzazate. Bên trong các bức tường bùn cao là 6 khu vực và một số ngôi nhà, mỗi ngôi nhà có 8 gia đình. Đối với các nhiếp ảnh gia, thời điểm được cho là đẹp nhất ở Ait Bebhaddou chính là vào buổi chiều muộn và hoàng hôn.
3. Nhà thờ Hồi giáo Great Mosque ở Dienne, Mali:
Đây được coi là công trình bằng bùn lớn nhất thế giới, được xây dựng theo phong cách kiến trúc Sudan. Nhà thờ này nổi bật với 3 ngọn tháp, mỗi ngọn tháp được đặt một quả trứng đà điểu tượng trưng cho khả năng sinh sản và vô số tháp nhỏ nhô ra từ bức tường chính. Công trình này được xây dựng lần đầu tiên vào thế kỷ 13, nhưng hoàn thiện với kiến trúc hiện tại thì vào khoảng một thế kỷ trước. Không những thế, du khách sẽ được lạc vào một khu chợ ngay bên ngoài với đa dạng các mặt hàng tạo nên một bức tranh đầy màu sắc sống động nhất ở Tây Phi.
4. Ốc đảo Siwa ở Ai Cập:
Tòa nhà kiên cố này được làm bằng karsheef – một loại bùn địa phương kết tinh từ cát ở hồ, có hàm lượng muối cao, tạo nên một ốc đảo sa mạc Siwa. Nằm trên một tuyến đường thương mại lâu đời, là một ốc đảo nên Siwa rất quan trọng đối với các tuyến đường thương mại bởi nó có các dòng suối tự nhiên và bóng mát cây cọ cho hành khách nghỉ ngơi trong sa mạc. Với sự sụp đổ của đế chế La Mã, Siwa cũng bắt đầu suy giảm. Hiện nay, cư dân ở đây chủ yếu là người Berber, người gốc Bắc Phi và trong những thập kỷ gần đây, Siwa được coi là một trong những điểm đến hàng đầu ở Ai Cập.
5. Nhà thờ Hồi giáo Bobo Dioulasso ở Burkina Faso:
Là một nhà thờ Hồi giáo ở Tây Phi cũ, Bobo Dioulasso được coi là công trình điển hình nhất của kiến trúc Sudan-Sahel trong nước, tựa như phong cách của Nhà thờ Djinguereber ở Timbuktu. Công trình này được xây dựng bằng những vật liệu duy nhất là đất sét và gỗ, thời điểm khởi công công trình này hiện giờ vẫn là một tranh cãi với các nhà khảo cổ học.
6. Chan Chan ở Peru:
Tọa lạc trong thung lũng Moche ở Peru, tòa nhà Chan Chan là một điểm đến hấp dẫn được xây dựng bằng bùn, dành cho các vị vua Chimu. Nơi đây bao gồm 11 tòa thành và một số kim tự tháp cùng với những bức tường cao 8m. Nhiều cấu trúc ở đây được bảo quản giống như thời ban đầu được xây dựng. Bên trong các tòa nhà chỉ phục vụ cho hoàng gia và người hầu của họ, còn dân thường chỉ được phép sinh sống bên ngoài. Vào năm 2006, các nhà khảo cổ tìm thấy một bức tượng chiến binh được khắc trong tường của tòa nhà Sea Palace.
7. Bức tường thành Khiva ở Uzbekistan:
Nằm trên sa mạc Kyzylkum ở Uzbekistan, Khiva được xây dựng vào 2.500 năm trước, theo lệnh của Shem, con trai cả của Noah. Thành phố cổ đại này trước kia có tên là Ichon-Qala (có nghĩa là bên trong tường), được bao quanh bởi tường thành Khiva cao 10m được làm bằng đất sét, khai thác từ một bờ hồ ở Ghovuk Kul.
8. Nhà thờ Hồi giáo Djinguereber ở Mali, Tây Phi:
Nằm ở thành phố Timbuktu, Djinguereber được xây dựng vào năm 1325 theo hình dáng kim tự tháp, gợi nhớ đến cấu trúc Viga ở phía tây nam nước Mỹ. Với đặc thù thời tiết ít mưa nên mặc dù làm bằng bùn và rơm, Djinguereber vẫn tồn tại và duy trì được hình dáng và cấu trúc của nó từ ánh nắng mặt trời hàng ngày.
9. Arg-e Bam ở Iran:
Công trình này khởi đầu là một trung tâm thương mại thịnh vượng trên con đường tơ lụa nổi tiếng trong suốt thời kỳ Sassanian (224-637 sau Công nguyên). Nằm ở phía đông nam Iran, Bam được xây dựng hoàn toàn bằng gạch bùn được làm bằng đất sét với một bức tường dày có 38 tháp canh bảo vệ thành trì, và một loạt các kênh nước nằm dưới đất. Thật không may, trận động đất năm 2003 đã phá hủy phần lớn các di tích lịch sử bằng gạch bùn ở Bam.
10. Taos Pueblo ở New Mexico, Mỹ:
Những ngôi nhà ở đây làm bằng gạch bùn được trộn từ bùn phơi nắng và phủ một lớp thạch cao lên trên, một số thì được xây từ gạch sống được làm từ đất, đất sét và rơm. Các bức tường xung quanh rất dày và được cải tạo hàng năm như một nghi thức của một buổi lễ trong làng. Những mái nhà được làm bằng cây tuyết tùng và người dân ở đây sử dụng thang ở bên ngoài để leo lên tầng trên. Taos Pueblo cổ đại được Unesco công nhận là di sản thế giới vào năm 1992.