10 đền, chùa kỳ lạ và đáng sợ nhất châu Á
Những ngôi chùa, đền này gây ấn tượng mạnh với du khách không chỉ bởi kiến trúc, ngoại cảnh mà còn bởi những truyền thuyết bí ẩn của chúng.
Đền Đông Nhạc, Trung Quốc
Đền Đông Nhạc có từ năm 1319 và là một trong những ngôi đền Đạo giáo lớn nhất ở Bắc Kinh. Đây cũng là nơi có Bảo tàng Văn hóa Dân gian Bắc Kinh. Tại đây, các lễ hội diễn ra gần như quanh năm với ý nghĩa ban nhiều phước lành cho du khách và người dân địa phương. Bạn có thể đi bộ trên con đường cầu phúc hoặc tham gia vào các buổi lễ được tổ chức ở đó. Đền có 2 điện lớn được xây dựng để tưởng niệm 2 trong số các hoàng đế của triều đại nhà Thanh, cùng 72 phòng nhỏ, mỗi phòng đại diện cho một nhà lao của địa ngục. Tên gọi của ngôi đền còn mang nghĩa là nơi chịu trách nhiệm trông coi tất cả 18 tầng địa ngục và 76 phòng ban bên trong chúng.
Đền thờ Goa Lawah, Indonesia
Nếu bạn không sợ dơi, đừng bỏ lỡ đền Goa Lawah ở Bali, bởi vì tất cả những tiếng rít vang dội ở ngôi đền này là âm thanh của hàng nghìn chú dơi. Goa Lawah có nghĩa là “hang dơi” và đây cũng là địa điểm của một ngôi đền Hindu được xây dựng vào thế kỷ 11. Là một trong những ngôi đền Hindu xuất hiện sớm nhất tại Indonesia, nó đã phát triển thành một khu đền thờ đồ sộ, nơi các tín đồ vẫn đến để lại đồ cúng, đặc biệt là trước khi đi du lịch. Nhiều lễ vật là trái cây, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi bạn thường có thể nhìn thấy vô số những con dơi hút mật tụ tập quanh miệng hang. Những con dơi cũng đã từng là một phần quan trọng trong cuộc sống của các linh mục sống tại ngôi đền, vì người ta cho rằng, tần suất và cao độ tiếng kêu của chúng giúp tập trung tâm trí trong khi thiền định.
Chùa Wat Phumin, Thái Lan
Wat Phumin là một ngôi chùa Phật giáo ở Nan, Thái Lan và nổi tiếng vì rất đẹp. Có 4 lối vào chùa, và mỗi lối vào đều có một tượng Phật. Nội thất của chùa được trang trí phức tạp, những bức tường được bao phủ bởi tranh tường miêu tả về cuộc sống thường ngày. Tuy nhiên, ngoài ngôi chùa chính với một thư viện 2 tầng chứa các văn bản tôn giáo, còn có một tòa nhà mái vòm nhỏ nằm bên cạnh đó, là một nơi không dành cho người yếu tim. Đây là nơi thể hiện những gì sẽ xảy ra cho những người đi lạc khỏi con đường Phật giáo. Địa ngục là một khái niệm tạm thời trong giáo lý Phật giáo, nhưng có nhiều cách hiểu khác nhau về những gì xảy ra ở đó. Trong vòm địa ngục này có hình ảnh những người bị luộc sống hay bị tưới dầu nóng, và thậm chí có người phụ nữ bị đóng đinh trên cây với một con chim đang ăn não...
Hoa Sơn trà quán,Trung Quốc
Đền Hoa Sơn không hề giống địa ngục, nhưng nó lại đáng sợ vì một lý do hoàn toàn khác. Hoa Sơn là một ngọn núi linh thiêng trong nhiều thế kỷ. Nằm rải rác trên đỉnh núi là một loạt các đền thờ và bản thân ngọn núi cũng có một vị trí quan trọng trong tôn giáo. Theo truyền thuyết, đây là nơi mà các vị thần đã đến để chạm vào Trái đất, mang theo phép thuật của họ và thực hiện các phép lạ. Đó cũng là nơi mà các hoàng đế đã đến để thờ cúng thần linh. Con đường đến đó vô cùng cheo leo, hiểm trở đã cướp đi sinh mạng của khoảng 100 người mỗi năm. Nó bắt đầu với những bậc thang dốc đứng, với các tấm ván mỏng được đóng đinh vào mặt của một vách đá chênh vênh và không hề có lan can an toàn ngoài một sợi dây xích để giữ chặt. Ở một số nơi, thậm chí còn không có ván và bạn nên chuẩn bị sẵn sàng để vượt qua một số thanh sắt hẹp hoặc sử dụng dây xích để leo lên mặt vách đá trơn trượt.
Đền Mount Osore, Nhật Bản
Một trong những địa điểm linh thiêng nhất của Nhật Bản, đền Mount Osore đồng thời còn là một trong những lối vào địa ngục bởi ngôi đền nằm trên một đồng bằng núi lửa. Tại đây không khí tràn ngập mùi lưu huỳnh, mặt đất có vết rỗ phun ra hơi nước và nước nóng, và các hồ gần đó đã bị biến màu bởi một loại khí lưu huỳnh. Đền Mount Osore được bao quanh bởi 1 con sông và 8 ngọn núi, những viên sỏi dọc theo bên sông được cho là do linh hồn của những đứa trẻ và trẻ sơ sinh đã chết được đặt ở đó. Các bức tượng xung quanh khu phức hợp mô tả Jizo, thần bảo vệ cố gắng ngăn chặn cái ác khỏi những đứa trẻ và đống đá nhỏ của chúng. Những bậc cha mẹ mất con thường mang theo sỏi đến địa điểm này như một vật cúng dường với hy vọng chúng sẽ được sử dụng để tạo nên những chiếc cầu thần. Hình ảnh đền thờ, bãi biển, cảnh vật cằn cỗi, hoang vắng... tất cả đều nhuốm một màu buồn tẻ, thê lương.
Đền Tanah Lot, Indonesia
Tanah Lot có lẽ là một trong những vị trí đẹp nhất cho một ngôi đền Hindu, miễn là bạn không sợ rắn. Những con rắn ở đây không chỉ là rắn bình thường mà chúng là rắn biển, và một số loài cực kỳ nguy hiểm có thể gây chết người. Theo truyền thuyết, Tanah Lot lần đầu tiên được dựng nên bởi một người Hindu lang thang tên là Danghyang Nirartha. Sau khi ông xây dựng ngôi đền biển trên mỏm đá nhô ra của bờ biển Bali, nhà vua vô cùng ghen tị. Nhà vua muốn loại bỏ nhà truyền giáo và gửi lệnh yêu cầu Nirartha rời khỏi hòn đảo và ngôi đền. Khi không thể chống lại sức mạnh của nhà vua được nữa, Nirartha đã biến chiếc khăn choàng của mình thành rắn biển, giao cho chúng bảo vệ ngôi đền khi ông ra đi. Và những con rắn biển có khả năng gây chết người này đã bảo vệ ngôi đền trong rất nhiều năm.
Đền Preah Vihear, Campuchia
Không có rắn khổng lồ, chuột linh thiêng, hay những truyền thuyết đáng sợ trong ngôi đền này, điều khiến người ta e dè khi đến thăm ngôi đền là vị trí nằm ở giữa cuộc giao tranh giữa 2 nước Thái Lan và Campuchia khiến du khách có thể trúng đạn lạc. Có niên đại từ thế kỷ 11, đây là một ví dụ về kiến trúc Khmer được bảo tồn cực kỳ tốt, cách bài trí và chạm khắc trên đá bao phủ ngôi đền. Hiện đền đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, vấn đề là cả 2 quốc gia đều cho rằng nó thuộc về họ. Các nhà khảo cổ học và kiểm lâm viên có nhiệm vụ lập hồ sơ và bảo tồn địa điểm đã quen với âm thanh của tiếng súng xung quanh ngôi đền. Đền chỉ cách biên giới giữa Campuchia và Thái Lan vài trăm mét và đôi khi, công việc bảo quản bị gián đoạn khi xung đột trở nên quá tồi tệ. Năm 2011, hàng chục người bao gồm dân thường và binh lính đã bị thương trong các cuộc tấn công với ít nhất 7 người chết. Các vấn đề bắt đầu một cách nghiêm túc khi 2 quốc gia nhận ra rằng, danh hiệu Di sản Thế giới của UNESCO năm 2008 có khả năng mang lại một khoản lợi nhuận từ khách du lịch, và cả 2 đều muốn sở hữu ngôi đền. Một cuộc xung đột kéo dài hàng thế kỷ đã leo thang chỉ trong một đêm. Ngôi đền nằm trên một địa điểm linh thiêng kể từ ít nhất là năm 893, khi những di tích đầu tiên được xây dựng.
Awashima Jinja, Nhật
Búp bê đóng một vai trò rất lớn trong văn hóa Nhật Bản. Chúng không chỉ là đồ chơi mà còn được sử dụng trong các nghi lễ để thanh tẩy và cầu nguyện, cùng với đó là món quà quý giá dành cho tất cả mọi người, từ trẻ sơ sinh đến các đại sứ ngoại giao. Một số có giá trị sưu tầm cao và chúng không chỉ được trân trọng mà còn gần như rất linh thiêng. Đền thờ ở Awashima Jinja hướng đến những phụ nữ đến cầu nguyện về các vấn đề như sức khỏe và khả năng sinh sản. Họ đến cầu nguyện và để lại những con búp bê mà con gái của họ đã lớn không còn chơi nữa, với niềm tin rằng, một con búp bê bị vứt bỏ không đúng cách có thể quay trở lại để ám hại gia đình. Và không chỉ búp bê mà cả những bức tượng nhỏ cũng được để lại trong đền. Hằng năm, ngôi đền tổ chức một lễ hội trong đó, một số búp bê được chất lên thuyền và phóng ra biển gần đó. Cuối cùng thì những chiếc thuyền và những con búp bê sẽ chìm, và người ta cho rằng, chúng sẽ mang theo những điều xui xẻo và bất hạnh xuống đáy đại dương.
Nguồn: [Link nguồn]
Những ngọn núi có hình thù kỳ dị và vĩ đại này sẽ khiến bạn không cảm thấy hối tiếc khi ghé thăm và chiêm ngưỡng...