10 danh thắng không thể bỏ qua khi đến Trung Quốc
Đất nước Trung Quốc rộng mênh mông có vô số danh thắng, di tích thu hút du khách khắp năm châu. Nhưng những cái tên như Tử Cấm Thành, Vạn Lý Trường Thành, Cửu Trại Câu... đều không thể bỏ qua.
1. Vạn Lý Trường Thành
Tới Trung Quốc mà không tới Vạn Lý Trường Thành thì cũng như tới Paris mà không thấy tháp Eiffel hay tới New York mà bỏ qua tượng Nữ thần tự do.
Vẻ đẹp có một không hai của Vạn Lý Trường Thành, công trình phòng thủ nổi tiếng thế giới được xây dựng trải qua nhiều triều đại trong lịch sử Trung Quốc.
Bức tường thành liên tục được xây dựng bằng đất và đá từ thế kỷ 5 trước Công Nguyên cho tới thế kỷ 16. Vạn Lý Trường Thành có 3 phần cơ bản với độ dài mỗi phần khoảng 5.000 km (xấp xỉ 10.000 lý theo đơn vị đo của người Trung Quốc), chính vì vậy nó mới được gọi “thành dài vạn lý”. Phần đầu của công trình được Tần Thủy Hoàng xây dựng, bằng sức lực của 500 nghìn nhân công trong khi dân số toàn Trung Quốc lúc bấy giờ khoảng 20 triệu người.
2. Khúc Phụ, quê hương của Khổng Tử tại Sơn Đông, Trung Quốc.
Khổng Tử mất tháng 4 năm 479 trước công nguyên, thọ 73 tuổi, được mai táng tại Khúc Phụ, quê hương ông. Khổng miếu, mộ Khổng Tử và khu nhà thờ của họ Khổng nay là một di sản thế giới do UNESCO công nhận.
Khổng Miếu nằm trong khuôn viên hình chữ nhật, chiều dài Nam Bắc 630m, rộng 140m. Toàn bộ có 11 dãy kiến trúc, với hơn 500 gian nhà liền kề với sân vườn, xếp hàng dọc trên một trục chính Nam Bắc, hai bên trục đối xứng nhau, mặt chính của miếu là hướng Nam; quy mô của nó chỉ xếp sau cụm kiến trúc cổ Cố cung Bắc Kinh, được coi là mẫu mực của kiến trúc đền miếu quy mô thời cổ Trung Quốc.
3.Chùa Huyền Không - huyện Hồn Nguyên tỉnh Sơn Tây, cách thành phố Đại Đồng 65km.
Chùa Huyền Không cách mặt đất khoảng 50m, nằm trên vách núi cheo leo. Hai bên là vách núi cao hơn 100m. Vách núi thẳng đứng như bị dao cắt. Nếu từ mặt đất nhìn lên, chùa có cảm giác như bị dính trên vách đá. Nếu đứng từ xa ngẩng đầu nhìn lên chùa sẽ thấy các điện, gác tầng tầng lớp lớp, chỉ có mấy chục chiếc cột gỗ như chiếc đũa chống đỡ cả khu chùa.
Vì từ cổng chùa đi vào, có một sân chùa hình chữ nhật dài gần 10m, rộng gần 3m, có thể chứa được mấy chục người, còn các điện, lầu gác khác đều liên kết với nhau bằng hành lang hẹp và thang treo nên du khách chỉ có thể đi theo hàng một vào chùa.
4. Lạc Sơn Đại Phật - núi Vân Lăng, tỉnh Tứ Xuyên.
Tượng Phật Lạc Sơn nằm trên ngọn Thê Loan dưới chân núi Nga Mi về phía đông, xưa gọi là Đại tượng Mi Lạc, Đại Phật Gia Định. Đại Phật bắt đầu được tạc vào đầu năm Khai nguyên thời nhà Đường (năm 713), trong suốt 90 năm mới hoàn thành. Tượng phật được tạc dựa vào vách núi và hướng ra sông Lâm Giang, là pho tượng Phật tạc trên vách đá lớn nhất trên thế giới. Đầu đại Phật ngang đỉnh núi, chân đạp trên mặt sông, cao 71m, mắt dài 3,3m, mặt cao 14,7m rộng 10m, tay dài 7m, vai rộng 24m, lỗ tai đứng được 2 người, bàn chân có thể chứa hơn 100 người.
5. Cửu Trại Câu - Tứ Xuyên
Cửu Trại Câu nằm ở châu tự trị của tộc người Khương, người Tạng Abá thuộc miền Tây tỉnh Tứ Xuyên. Cửu Trại Câu được hình thành trên vùng núi đá vôi trầm tích, nổi tiếng với biệt danh “thiên đường nơi hạ giới” bởi những ngọn núi tuyết phủ trắng xóa, rừng thông xanh trùng điệp, những nét văn hóa phong phú đa dạng của Tây Tạng, hàng trăm hồ đa sắc quyến rũ và 100 hải tử (ghềnh, thác nước) nhiều tầng đẹp như tranh vẽ…
Khu bảo tồn thiên nhiên này có giá vé vào cửa đắt nhất trong số các di tích và thắng cảnh Trung Quốc, nhưng luôn đông khách du lịch bởi cảnh đẹp như chốn bồng lai.
6. Hang đá Mạc Cao – Đôn Hoàng
Hoang Mạc Cao còn gọi là “Động nghìn Phật” toạ Tây nhìn ra phía Đông. Tổng cộng ở đây có hơn 490 hang, 45 nghìn m2 tranh vách đá trong hang, hơn 3 nghìn pho tượng màu toàn thân và 5 công trình kiến trúc động thời Đường Tống. Đây được coi là ngôi nhà đá lớn nhất và có giá trị nghệ thuật cao nhất Trung Quốc.
Hang Mạc Cao được công nhận là kho báu văn hoá nghệ thuật và phòng tranh nghệ thuật Phật giáo được bảo tồn hoàn chỉnh nhất, có nội dung phong phú nhất, có quy mô lớn nhất và có lịch sử lâu đời nhất trên thế giới.
7. Núi Tung Sơn
Tung Sơn là một trong năm ngọn núi linh thiêng của Trung Quốc, nằm tại Đăng Phong, Trịnh Châu, Hà Nam, bên bờ sông Hoàng Hà. Đã có 30 vị hoàng đế và khoảng 150 văn nhân trứ danh từng đặt gót tới Tung Sơn và càng làm cho ngọn núi này trở thành nơi anh linh tụ hội. Thiếu Lâm Tự danh lừng thiên hạ cũng nằm trên ngọn Thiếu Thất của Tung Sơn và ngoài ra còn có Trung Nhạc miếu, một trong các công trình kiến trúc cổ nhất Trung Quốc được xây từ thời Tần.
Dãy núi Tung Sơn được liệt vào Ngũ Ðại Sơn một trong năm dãy núi lớn và danh tiếng nhất Trung Hoa. Năm 2004, núi Tung Sơn được tổ chức UNESCO công nhận là Công viên địa chất thế giới.
8. Lăng mộ Thành Cát Tư Hãn ở Nội Mông.
Mộ thất của vị hoàng đế này vẫn chưa được tìm thấy nên đây là nơi hậu thế thường lui tới để tìm hiểu về cuộc đời người anh hùng của dân tộc Mông Cổ. Lăng mộ mang kiến trúc truyền thống Mông Cổ thâp niên 1950, có phòng trưng bày rất nhiều cổ vật.
9. Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọa Long - tỉnh Tứ Xuyên.
Nằm ở tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc, khu bảo tồn thiên nhiên Ngọa Long là nơi có hơn 30% loại gấu trúc lớn có nguy cơ tuyệt chủng cao của thế giới và là một trong những nơi quan trọng nhất cho việc nuôi nhốt các loại gấu trúc (gấu mèo).
Diện tích khu này là 9245 km² với 7 khu bảo tồn và 9 khu danh thắng cảnh quan ở núi Qionglai và Jiajin. Cùng với gấu trúc, khu bảo tồn này cũng là nơi trú ngụ của các loài có nguy cơ tuyệt chủng khác như gấu trúc đỏ, báo tuyết và báo gấm.
10. Tử Cấm Thành - thủ đô Bắc Kinh.
Đây là hoàng cung của chế độ phong kiến trung Quốc suốt 500 năm. Quy mô to lớn, phong cách đẹp mắt, kiến trúc rộng lớn, bày biện sang trọng, Tử Cấm Thành là viên ngọc vĩ đại của kiến trúc Trung Quốc.
Nằm giữa lòng thành phố Bắc Kinh sầm uất, Tử Cấm Thành (còn gọi là Cố Cung) như một kì quan đẹp vĩnh hằng cùng với thời gian, ghi dấu ký ức oai hùng của một thời đại vàng son huy hoàng mà hơn 24 vị hoàng đế nhà Minh và Thanh đã ngự trị suốt từ khi hoàn tất vào năm 1421 cho đến năm 1925. Tử Cấm Thành ngày nay là bảo tàng viện lớn nhất trên thế giới, cất giữ các báu vật nghệ thuật quan trọng nhất của người Trung Quốc, cổ vật và hội họa. Hàng năm, Cố Cung này có đến 10 triệu lượt khách tham quan. Năm 1987, UNESCO tuyên bố Tử Cấm Thành là một trong những di sản văn hóa thế giới.