Xuân Hinh: Tôi từng đi buôn thượng vàng hạ cám
40 năm lăn lộn với nghề, tháng 10 này Xuân Hinh mới có một đêm diễn của mình. Muộn nhưng còn hơn không, bởi sân khấu chèo này, nói như anh thì “ai được may mắn như Xuân Hinh, có sự hậu thuẫn từ một người thực sự trân trọng nghệ thuật dân gian”.
Nghệ sĩ Xuân Hinh và Thanh Thanh Hiền trong một vở diễn
- Sinh ra ở quê hương Kinh Bắc, trở thành nghệ sỹ hát quan họ, thế mà giờ lại thành Xuân Hinh hề chèo. Xem ra nghiệp diễn của Xuân Hinh cũng nhiều trắc trở nhỉ?
Tính tôi nó thế. Không bao giờ thoả mãn với cái gì mình đang có. Cứ phải thay đổi, cứ phải mày mò, làm mới cả những cái đã cũ, đã làm mãi đi rồi. Chỉ có vợ là nhất định không thay thôi (cười).
Tôi có 7 năm công tác tại đoàn quan họ Bắc Ninh đấy chứ . Nhưng thấy trường ĐH Sân khấu Điện ảnh lần đầu tiên tuyển sinh viên khoa chèo, thế là khăn gói quả mướp ra học. Càng học càng mê, càng nghiện. Chèo nó ngấm vào tôi từ lâu rồi thì phải, dù trong máu mình vẫn chảy những làn điệu quan họ cổ. Càng đi sâu vào bộ môn ấy, càng thấy tầng tầng lớp lớp những cánh cửa đang chờ được mở ra, mà mở được cánh này rồi, lại háo hức chinh phục cánh cửa tiếp theo. Thú vị lắm.
- Bố mẹ nói gì khi Xuân Hinh cứ đi học mãi?
Bố mẹ tôi đông con lắm, nên nghèo. Khi tôi muốn theo con đường nghệ thuật, bà cũng chỉ động viên. Bà sợ tôi nghèo. Nghệ sĩ có ai giàu, chắc bà nghĩ thế .
7 năm hát quan họ, chẳng giàu. Lại lếch thếch khăn gói quả mướp lên Hà Nội học chèo, dĩ nhiên là ăn bám mẹ. Tôi nhớ mãi lần về xin mẹ 20 ngàn. Bà không nói gì. Tôi biết bà không có tiền, chắc là không vay được nữa. Hôm sau, lúc tôi đã ra bến xe để về Hà Nội, mẹ tôi tất tả chạy đến, trên vai là đôi quang gánh rỗng. Bà thở gấp vì vừa tận mãi trên bến về. 20 ngàn gói chặt trong chiếc túi vải giắt cạp quần. Bà vui vẻ kể: từ sáng, bà phải lội ao bèo rét căn cắt vớt cho được 4 gánh nặng, quẩy xuống tận chợ bến, 4 lần đi rồi về như thế, được chẵn 20 ngàn đồng, đủ cho tôi đi Hà Nội.
Tôi ngồi trên xe nuốt nước mắt ầng ậng vào trong, thấy mình vô tích sự. Và đó cũng là lần cuối cùng tôi xin tiền mẹ.
Từ tuần ấy, tôi theo bạn bè tập tọng đi buôn bán lấy tiền trang trải việc học. Tôi buôn thượng vàng hạ cám từ quần áo, đồ dùng , kim chỉ cho người vùng cao, măng miến, mộc nhĩ, chó mèo, lợn gà xuôi xuống, miễn sao có tiền đủ nộp học và ăn ở tại Hà Nội. Chuyến lãi bù chuyến lỗ. Lỗ vì chó chạy mất, gà sổng mất, ngủ quên trên xe mất một tải măng … thế là cụt vốn. Rồi tôi biết buôn cả vàng: vào rất sâu trong rừng đổi áo quần, mắm muối cho dân để lấy vàng cám mà họ đãi được ở suối, mang về cho ông thợ kim hoàn ngay gần trường. Nhờ thế mà giờ tôi vẫn nhớ cách phân biệt vàng thật giả đấy.
Nghệ sĩ Xuân Hinh và Vân Dung.
- Những hình ảnh khán giả mà anh nhớ nhất?
Tôi là người nhà quê, cho dù giờ có ở nhà tây, con cái học ở Tây, và đi Tây cũng nhiều. Thế nên, tôi thích nhất là về những vùng quê diễn. Sân khấu quê đơn sơ , bà con ăn cơm cho sớm kéo đến để còn xem Xuân Hinh bằng da bằng thịt, rồi sờ mó, ngắm nghía, bình phẩm: trẻ nhỉ, tưởng già cơ, béo ra phết, đầu trọc quá… Rồi chụp ảnh cùng:
- Con ơi, cho mẹ chụp với con kiểu ảnh. Mẹ đi 15 cây số đến đây đấy
- Dạ, mẹ năm nay bao nhiêu?
- Mẹ 53 rồi, lần đầu tiên được xem Xuân Hinh ở ngoài đấy
- Thưa mẹ, con hơn tuổi mẹ đấy ạ! Nào, mời mẹ chụp ảnh !!!!
Có những đêm Xuân Hinh diễn, bà con chung tiền, mỗi người 20 ngàn, thuê chuyến xe “dịch vụ” nhà quê chở lèn những người là người , đổ xuống sân khấu. Rồi í ới rủ nhau móc ra những đồng bạc gói kỹ vài lần giấy báo, ni lông, xếp hàng mua vé vào xem. Có những cụ ông chân liệt được con cõng đến, đặt vào ghế, xem Xuân Hinh mà cười như nắc nẻ. Có những cụ bà mắt kém, con dâu hay con gái đi kèm, vừa xem, vừa cười, vừa giải thích với mẹ theo kiểu thuyết minh phim. Khán giả yêu thế, mình diễn đời cũng được.