Tùng Dương: "Tôi đã có thể hư hỏng, sa ngã"
-Chào Tùng Dương. Chúc mừng anh đã vừa ra mắt MV Hope và chuẩn bị có những show âm nhạc quan trọng thời gian tới. Có vẻ như anh phát hành MV chậm hơn dự kiến?
Chính xác thì Dương phải delay 3 lần. Sau tết Nguyên Đán, Tùng Dương đã chuẩn bị xong xuôi để phát hành vào tháng 2, tháng 3 thì anh Huy Tuấn gọi báo là phim Bão Ngầm chuẩn bị lên sóng, Dương bắt buộc phải làm MV ngay cho phim. Lần thứ hai, vẫn là anh Huy Tuấn gọi báo, giọng thất thanh (cười). Anh bảo: “Em lại phải delay lại bài Hy vọng đấy, vì bài demo SEA Games em đã thu đã được chọn làm chính thức và em phải làm MV ngay với các bạn trong Sài Gòn.” Tất cả dồn hết cho thể thao mà. Lần thứ 3, Dương đang lục tục làm poster thì em Hoàng Thùy Linh gọi báo bài thu chung với với Dương phải ra vào đúng 1/6 tết của thiếu nhi. Thế là Dương lại chiều lòng các đồng nghiệp. Và cuối cùng "Hy vọng" ra đời sau "Đánh đố" của Hoàng Thùy Linh đúng một tuần. Tùng Dương cũng rất vui vì MV nhận được rất nhiều lời khen, lời chia sẻ động viên từ mọi người.
-Thời gian dịch bệnh vừa qua đã ảnh hưởng đến cuộc sống và âm nhạc của anh như thế nào?
Dương nghĩ ai cũng thế thôi. Tất cả mọi người đều sẽ rút ra những bài học cho mình sau hai năm dịch bệnh chồng chất khó khăn. Rồi sẽ phải thay đổi để thích nghi với mọi điều mới. Nhiều thứ chúng ta không cảm nhận được trong lúc đủ đầy đâu. Ví dụ như trường hợp của anh Trần Mạnh Tuấn. Mới trước đó hai hôm anh Trần Mạnh Tuấn còn gọi cho Tùng Dương bàn về chương trình từ thiện, còn cười với nhau rất rôm rả. Anh còn rất tếu táo nói dù dịch bệnh thì anh vẫn còn cái nhà để giữ. Thế mà hai ngày hôm sau nghe tin anh nhập viện rồi. Và từ đó đến giờ thì sức khỏe của anh vẫn rất yếu, khả năng chơi kèn saxophone như ngày xưa rất là khó. Ta mới thấy cái sự vô thường của đời sống, để ai đã từng thờ ơ thì sẽ biết cách quan tâm, biết yêu thương và quý trọng hơn. Thời gian qua cũng cho Tùng Dương sự lắng đọng, trải nghiệm như những điều đã thể hiện trong MV Hope.
-Sắp tới anh sẽ có một show âm nhạc kỷ niệm 20 năm ca hát. Nhìn lại chặng đường 20 năm, anh cảm thấy thành tựu lớn nhất của mình là gì?
Hai mươi năm nhìn lại một chặng đường có nhiều buồn vui. Nhưng đối với Tùng Dương thì đúng là hoan ca. Vui nhiều hơn buồn. Từ một Tùng Dương kén người nghe, cũng bị soi xét nhiều về chuyện ăn mặc, phong cách. Đến bây giờ đã chinh phục được rất nhiều fan, họ từng chưa thích nhưng bây giờ họ đã thích. Kể cả chỉ qua các bài cover như "Ngày chưa giông bão", "Ai chung tình được mãi"… thì vẫn là họ đã từ không thích lại thành thích Tùng Dương. Dương tôn trọng tất cả những ý kiến của mọi người.
-Thời gian gần đây anh thay đổi rất nhiều, anh có sợ sẽ mất đi cái chất vốn có của Tùng Dương?
Một người nghệ sĩ cứ ôm khư khư cái tôi của mình, bảo thủ, không lắng nghe ý kiến xung quanh, thì một ngày nào đó bạn sẽ “outdated”. Mình cứ đi ngược thì mình sẽ không phát triển được. Bạn có thể thấy là Tùng Dương đang trẻ hóa bản thân. Không ngại đứng trên sân khấu cùng các ca sĩ trẻ. Dù tuổi sắp bước sang trung niên đến nơi rồi nhưng vẫn muốn giữ cho tâm hồn trẻ mãi. Các bạn trẻ thì mang lại những nguồn năng lượng rất tích cực và tươi trẻ cho mình.
-Anh nghĩ sao về vấn đề ca sĩ chạy show quá nhiều?
Đương nhiên cái gì nhiều quá, để mình hát quá nhiều, xuất hiện quá nhiều, ồ ạt không chọn lọc thì chắc chắn sớm muộn gì thanh quản của mình sẽ hư tổn. Dương không muốn trở thành một thợ hát. Có những lúc nghe họ hát ở khắp nơi, Dương rất là thương. Cái thương cảm của người ca sĩ. Cứ phải có hát thì mới có thu nhập. Nghỉ hát thì ngừng thu nhập. Ví dụ như đợt dich chẳng hạn, không hát thì ai nuôi chúng tôi? Hơn nữa toàn là nóc nhà, nhiều nghệ sĩ đều là trụ cột của gia đình.
Tôi rất là thương các bạn đồng nghiệp. Nhưng đấy cũng là bài học đắt giá cho chính chúng tôi. Tức là không để mình thành thợ hát, mà vẫn phải là nghệ sĩ. Phải hát và cống hiến hết mình chứ không phải hát nhiều quá rồi chai sạn cảm xúc.
-Anh nghĩ các ca sĩ trẻ có nên kiện cáo đàn anh đàn chị vì vấn đề bản quyền?
Về vấn đề này, trong trường hợp của Tùng Dương thì Dương thấy họ cũng chưa kiện. Họ mới nhắc tên. Thì chúng tôi cũng phải xem lại việc tôi hát nhạc theo ban tổ chức yêu cầu. Vì ban tổ chức ra yêu cầu cụ thể nên chúng tôi nghĩ mọi việc đã êm xuôi không vấn đề gì. Đặc biệt như trường hợp của tôi, bài Ai chung tình được mãi, ban tỏ chức nói với Tùng Dương là đã thông qua Cục tác quyền. Bài hát này do khán giả yêu cầu, thì Dương nhận lời. Ngay sau đó bài hát trở nên rất là hot. Đương nhiên bài đã hot sẵn rồi.
Mình cũng rất là vui, Tùng Dương cover bài hát nào cũng đều nhận được nhiều phản hồi, tuy là thích cũng có, không thích cũng có.
Còn việc họ nhắc tên mình thì Dương nghĩ là mỗi công ty họ có cách của họ để đòi lại công bằng. Mình cũng không có gì giấu cả, chỉ nghĩ là sẽ sâu sát hơn, phải check kĩ qua trợ lý của mình, cẩn trọng hơn trước khi cover.
-Nếu ai đó hát nhạc của anh mà không xin phép, thậm chí trong các chương trình bán vé thì anh sẽ xử lý thế nào?
Việc này Tùng Dương nghĩ là có nhiều rồi đấy. Những hit như Ôi quê tôi, Con cò thì các bạn hát rất nhiều rồi. Những bài như thế các bạn nên hỏi ý kiến tác giả là được.
-Anh có bao giờ nhận được liên hệ từ các nghệ sĩ khác để xin hát bài hát của anh?
Rất là ít, hầu như không có đâu. Nhưng Dương cũng không quan trọng quá vấn đề đó. Đấy là đứa con tinh thần của nhạc sĩ, các bạn nên xin phép nhạc sĩ thì tốt hơn. Đương nhiên nếu không vướng vào các bài hát độc quyền, album độc quyền của Tùng Dương thì mình vẫn rất là “welcome” các bạn.
-Anh rất ít chia sẻ về gia đình, vậy trong cuộc sống anh Tùng Dương là người chồng, người cha như thế nào?
Bạn thấy Tùng Dương trên sân khấu rất là mê đắm, không giới hạn. Với gia đình thì mình là người rất chỉn chu, yêu thương, một mặt cân bằng lại cuộc sống của mình. Nếu không có gia đình thì chắc mình không được như bây giờ đâu. Tôi cũng có thể hư hỏng, có thể sa ngã đấy. Người nghệ sĩ chân không chạm đất như mình, cũng dễ sa ngã lắm. Nếu không có gia đình, có con cái làm động lực thì người nghệ sĩ như mình cái bản năng nó sẽ lớn hơn. Mà nghệ sĩ chỉ hay khi kết hợp được lý trí với bản năng. Cái giúp mình tiến xa là cái lý trí, trí tuệ của người nghệ sĩ. Gia đình giúp mình rèn giũa, thay đổi bên trong.
Trước kia mình có thể sống ích kỷ, nhưng khi có gia đình thì sống vì gia đình, nhiều khi còn quên mất bản thân. Nhưng đó là cái được, chứ không phải mất. Nó cho mình rất nhiều điều kỳ diệu trong âm nhạc.
Rất cảm ơn anh vì những chia sẻ!