Tùng Dương: "Tôi chưa từng ảo tưởng danh hiệu Divo"
"Bạn yêu quý hay ghi nhận tôi thì tôn vinh tôi, còn nếu không thích thì không cần quan tâm làm gì".
Thẳng thắn, kiểm soát tốt phát ngôn và luôn chứng tỏ bản lĩnh của dòng âm nhạc cá tính, Tùng Dương sau 10 năm làm nghề đã chứng minh nhận định "nhân tài không đợi tuổi". Mà nói như nhạc sĩ Huy Tuấn thì: "Việt Nam không có diva, nhưng có divo Tùng Dương".
- Hơn 10 năm làm nghề, anh thay đổi rất nhiều từ ngoại hình cho tới cho đến bản lĩnh sân khấu, từ con đường âm nhạc cho tới sự hoạt ngôn trước báo chí. Bản thân anh thấy mình thay đổi điều gì lớn lao nhất?
Mọi thứ ắt hẳn thay đổi theo thời gian và theo quy luật con người. Chúng ta thường không chạy lại quá khứ để gặm nhấm những gì đã qua, bản thân tôi cũng thảng thốt khi nghĩ lại hình ảnh của mình ở thời kỳ đầu.
Lấy cột mốc Sao Mai Điểm hẹn 2004, Tùng Dương khi ấy với mái tóc xù và tinh thần gai góc như một phiến đá chưa được mài giũa. Tuy nhiên tôi thấy nó vẫn đẹp, vì ở thời điểm ấy, tôi còn thiếu nhiều thứ lắm, vẫn là một con người hoàn toàn bản năng, để cho bản năng dẫn dắt nhiều. Lúc ấy tôi chưa tìm ra bản thể của mình, tôi chỉ đến với nghề bằng khả năng trời cho và muốn chinh phục người nghe bằng xúc cảm của chính mình. Còn bây giờ thì đúng là một sự thay đổi về tư tưởng có hệ thống.
Sau hơn một thập kỷ, tôi đã nhận ra mình là ai, đó là điều mà không phải nghệ sĩ nào cũng dám thừa nhận về chính bản thân.
Tùng Dương: "Tôi đã tìm ra bản ngã của chính tôi"
- Vậy anh đã nhận ra anh là ai?
Tôi tìm thấy bản ngã của chính tôi, và tự biết mình thuộc về miền nào. Tôi kiên định với nó và tôi biết rõ màu sắc, ranh giới của tôi ở đâu. Cuộc sống luôn luôn có giới hạn và phi giới hạn, có lúc tôi muốn thế nào, lúc sau lại thế kia và có khi tôi lại để sự cảm tính dẫn dắt mình đi ngoài kiểm soát. Nhưng giờ thì mọi thứ đã ổn định rồi.
- Vậy giới hạn mà anh tìm thấy ở mình là gì?
Tôi tự khoanh vùng bản thân vào một màu và biết rõ thể trạng của mình. Ở đây tôi không bàn về vẻ đẹp bên ngoài, màu sắc tôi đang có là màu sắc nội tại, là cốt lõi bên trong chứ không phải những yếu tố bên ngoài.
- Anh đang ám chỉ tới địa vị của mình trong nghề nhạc, như những gì mọi người đang ưu ái gọi anh với khái niệm Divo?
Diva, divo là mỹ từ mà người yêu mến dành cho nghệ sĩ chúng tôi, và tôi trân trọng điều đó, dù thực sự nó chỉ là phù du. Tôi chưa bao giờ ảo tưởng về các danh hiệu. Bạn yêu quý hay ghi nhận tôi thì tôn vinh tôi, còn nếu không thích thì không cần quan tâm làm gì, cuộc sống luôn là sự công bằng mà. Và tôi luôn tỉnh táo ý thức và nhận định rõ rang, tách bạch, phân loại các giá trị cho chính mình.
Quan trọng nhất vẫn là cái lõi của từng người như thế nào. Cái lõi ấy chính là yếu tố để người nghệ sĩ tạo nên giá trị của bản thân. Việc khán giả ghi nhận tôi là một niềm tự hào, tuy nhiên với bản thân, tôi lại là một người khắc nghiệt. Tôi không cho phép mình dừng lại hay ngủ quên trên lời khen. Lời khen luôn có tính 2 mặt, hôm nay là anh hùng nhưng ngày mai có thể trở thành tội đồ.
Nếu bạn không cố gắng để mở toang đúng lúc, bạn sẽ khó thành công. Nhưng quan trọng hơn cả, hãy biết giới hạn bản thân đúng lúc, ngay trong khi bạn đang tưởng rằng mình đi đúng đường, đó chính là sự tỉnh táo cần thiết của những người làm nghệ thuật.
"Tôi không giấu diếm sự thất bại của chính mình và luôn coi đó là bài học"
- Vậy trong những lần mở toang bản thân, anh đã lần nào phải ngậm ngùi nuối tiếc vì lỡ sa đà quên lối về?
Tôi không giấu diếm sự thất bại của mình, và luôn coi đó là bài học sâu sắc. Hai năm trước trong liveshow Tùng Dương hát tình ca, tôi vì chiều khán giả đã hát quá nhiều, tới tận 23h30, phá hỏng format chương trình khiến đạo diễn loay hoay, không biết phải làm sao. Tôi đã để bản năng dẫn dắt mình, dù đối với khán giả liveshow ấy thành công, nhưng đối với tôi và êkip thì đó là sự thất bại. Tôi thực sự thấy đau đớn vì điều đó.
Cuộc sống không thiếu những lúc dại dột, nhưng phải có như vậy thì mỗi người mới đủ kinh nghiệm để lớn khôn.
- Vậy tại sao anh không nghĩ một cách tích cực hơn, đó là chỉ cần khán giả hài lòng, như thế đã là quá đủ cho con đường của người nghệ sĩ?
Khi bắt tay làm một dự án, tôi và ê-kip sẽ cân nhắc rất kỹ để chương trình được diễn ra vừa đủ, đủ cho cả tôi và cả người xem. Tuy nhiên với Tùng Dương hát tình ca, tôi đã khiến mọi thứ bị thừa. Giống như cho người ta ăn no quá, người ta sẽ bội thực vậy.
Lievshow của tôi luôn cháy vé, không phải do chiêu trò mà do từ tính chất của chương trình và từ sự rung cảm thực sự từ trái tim của tôi. Ai cũng có sự khôn khôn dại dại, và tôi cũng vậy, đã dại khi để bản năng của mình dẫn dắt bản thân đi quá xa. Cái khó của nghệ sĩ chính là biết cân bằng giữa nghệ sĩ tính và sự xoay vần của thời thế showbiz. Tuy nhiên may mắn, với tôi phần nghệ sĩ tính ấy luôn luôn được giữ gìn, và hầu như không đổi kể từ khi bước chân vào con đường âm nhạc.
Tôi cũng rất tỉnh táo để nhận thức rõ điều gì thuộc về tôi, vì thế tôi tự tin sau mỗi bước vấp váp, mình sẽ lớn khôn từng ngày.
- Vậy với "Tùng Dương – thập kỷ hoan ca" sẽ diễn ra vào ngày 12/13.12 sắp tới đây, anh và ê-kip sẽ làm thế nào để không bị một lần nữa để bản năng kéo mình đi xa, và phải thốt lên: "Tôi đau đớn quá"?
Dung hòa không phải lúc nào cũng tốt, đôi khi dung hòa lại hơi an toàn, mà sự an toàn ấy có khi lại thành thất bại. Vì lẽ này, với liveshow Tùng Dương - thập kỷ hoan ca, tôi vẫn sẽ chính là tôi, vẫn là một Tùng Dương bản năng với dòng chảy âm nhạc cá tính xuyên suốt trong huyết quản. Đương nhiên sẽ vẫn có những cái mới, và luôn luôn để những chương trình sau tốt hơn chương trình trước.
Quan trọng nhất, việc tôi đang làm không phải chỉ là một cách nhắc tôi đang tồn tại để mưu sinh, mà đó là việc tạo ra giá trị. Trong khi các nghệ sĩ trẻ đang chọn cách sống bề nổi, mất đi những cái tĩnh tâm, nội tâm và sự cẩn trọng, văn minh cần thiết, điều đang rất thiếu trong những liveshow đang có, thì tôi ngày ngày vẫn nhắc nhở mình để không quên đi giá trị âm nhạc đích thực.
- Nhưng tập trung quá vào phần nghe, anh sẽ đánh mất thị trường âm nhạc rộng hơn khi chỉ chú ý đến yếu tố nghe mà thiếu yếu tố nhìn đang rất được lòng khán giả?
Tôi vẫn cân bằng giữa hai yếu tố đấy chứ, chỉ là ở dòng nhạc của mình, tính giải trí của tôi không thể đem ra so sánh với những đồng nghiệp trẻ khác ở thị trường TP HCM. Sự tinh anh của người xem bây giờ đòi hỏi mỗi nghệ sĩ phải hoàn thiện bản thân mình rất nhiều. Vì lẽ này, tôi đã đầu tư khá nhiều vào đêm nhạc qua bài trí sân khấu, dàn nhạc, phong cách biểu diễn cũng uyển chuyển hơn...
Còn tất nhiên, dòng nhạc tôi hát không thể đáp ứng theo yếu tố giải trí theo cách các bạn trẻ đang hướng tới. Sự giới hạn khán giả ấy dù có muốn tôi cũng không thể thay đổi, bởi âm nhạc của tôi đã quy định vị trí của mình. Tuy nhiên sự giới hạn ấy cho đến giờ tôi thấy vẫn đúng mực, và là một thành công ít nhất trong nhận thức trên con đường tôi đã đi.
- Khẳng định mình biết cách mở bản thân và cũng rất biết kéo bản thân theo giới hạn cho phép, anh nghĩ sao nếu phát ngôn tự tin này sẽ khiến anh bị nhiều đồng nghiệp "ném đá"?
Tôi không e ngại điều đó. Có rất nhiều nghệ sĩ lớn tuổi, với nhiều năm chinh chiến trong nghề nhưng lại không thể có một nhận thức đúng đắn. Nhất là với những người có vị trí trong làng nghề, họ cho rằng họ đã có tên tuổi, có địa vị nên không cần giới hạn nữa. Hoàn toàn sai lầm, họ đang đi ngược lại với bản thân và tự tay phá nát hình ảnh của mình.
Những tấm gương tày liếp ấy vẫn hàng ngày diễn ra trước mắt tôi. Người nghệ sĩ trên đỉnh cao không còn nhu cầu nhìn xuống dưới đã trở thành căn bệnh trầm kha khó chữa. Họ cho rằng mình trên cao thì được quyền phán xét người khác, làm tổn thương người khác ư? Đó là điều tôi không bao giờ làm.
Khi không chịu nhường nhịn, nghĩa là người đó chưa lớn được. Vì thế bây giờ với tôi, mọi người ai thích thì cứ về nhất, tôi xin về nhì. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi thua, tôi khép nép hay nhu nhược. Sự nhường nhịn chính là một thử thách để mình phải vượt qua. Không cần tay bo thua thắng về quan điểm cá nhân không tích cực.
"Mọi người ai thích thì cứ về nhất, tôi xin về nhì"
- Nói về việc luôn biết cách mở toang bản thân, có vẻ như anh đang khó thoát khỏi dòng xoáy showbiz khi những câu chuyện cá nhân, cuộc sống riêng tư… đang dần được phơi bày trên các phương tiện truyền thông - một điều rất khác so với bản tính Tùng Dương trước kia. Anh nghĩ sao về nhận định anh đang bị "showbiz hóa" tính cách?
Tôi vẫn luôn nói phải có giới hạn cho chính mình. Tôi không bị thị trường cuốn đi, mà đó là do yếu tố thời gian mà thôi. Trước kia khi mới vào nghề, tôi đâu có gì nhiều để tâm sự. Còn giờ sau 10 năm, tôi có quá nhiều điều để chia sẻ.
Người trong showbiz còn có thể mang những câu chuyện cá nhân, nội tại của gia đình vợ chồng lên báo chí khủng khiếp hơn. Nay yêu nhau, mai nói xấu nhau… Việc tôi đang làm chỉ là một sự chia sẻ thân thiện. Truyền thông hỏi thì tôi nói, nếu không hỏi tôi cũng sẽ im lặng.
Tôi cũng có ước mơ như bao người, về một ngôi nhà và những đứa trẻ… Tuy nhiên trong sự chia sẻ ấy, tôi vẫn giữ lại cho mình những khoảng lặng riêng tư nhất. Và quan trọng nhất, sự chia sẻ những câu chuyện cá nhân của tôi không làm ảnh hưởng tới ai, không khiến ai tổn thương và không để lại những dư âm xấu khiến người khác cho rằng tôi đang đánh bóng, tạo chiêu trò. Những điều đó hoàn toàn xa lạ với tính cách của tôi.
Những điều văn minh nhất, thiêng liêng nhất tôi luôn giữ lại cho mình. Bản chất của tôi kiệm lời và khiêm tốn. Tôi chưa và sẽ không bao giờ phát ngôn thách thức, đao to búa lớn và công kích đồng nghiệp. Tôi không còn để bản năng dẫn dắt mình như xưa. Tôi lý trí hơn nhiều và biết con đường mình đi như thế nào mới là sâu, là đúng với bản thân.
Khán giả có quyền được biết, được hiểu người nghệ sĩ ấy ra sao qua những bài viết, nhưng bài phỏng vấn. Và tầm vóc một người cũng thể hiện qua chính phát ngôn của họ. Điều quan trọng nhất đối với nghệ sĩ không phải là tài năng lớn ra sao, mà chính là tầm vóc của người ấy trong mắt công chúng.
Tôi không dám nghĩ mình là một người tầm vóc, nhưng ai cũng có bóng dáng người khổng lồ ẩn sâu trong bản thân. Nếu tôi không chia sẻ, khán giả của tôi sẽ không hiểu tôi là người thế nào, đang làm gì, sống ra sao… Tôi là nghệ sĩ, tôi có sự mong manh và nhu cầu được sẻ chia với khán giả nỗi buồn, niềm vui, về những bước thay đổi quan trọng trong đời…
Quan trọng là từ những điều tôi chia sẻ ấy, tôi có làm hại đến ai không, có dìm ai để nâng mình lên không… hay đều là những chia sẻ đầy văn minh và thể hiện được tầm văn hóa. Tôi có bao giờ nói mình có bao nhiêu xe hơi, nhà lầu, kim cương… Tôi chỉ muốn mở rộng sự cực đoan khi ôm khư khư quan điểm về âm nhạc bằng cách nói rộng hơn về cuộc đời của mình đấy thôi.
"Cho đến giờ, tôi chưa phải nói câu hối tiếc với nghề"
- Từng tuyên ngôn: "Nghệ sĩ chỉ có được, còn nếu có mất thì đó là do chính cá tính của người ấy". Có vẻ như anh, 10 năm hoan ca trong âm nhạc chỉ toàn mang màu hạnh phúc?
Nếu nói về sự trả giá, hy sinh mất mát lớn lao thì có lẽ tôi không đến mức như vậy. Nhưng thực sự có những thời điểm tôi cũng cảm thấy đen tối, bế tắc, không còn cảm hứng với âm nhạc… Sự phụ thuộc vào nhạc sĩ, vào producer… khiến tôi loay hoay, không biết phải đi hướng nào.
Có nhiều lúc tôi thốt lên "Giá như có thể làm lại, tôi sẽ làm hay hơn, giá như có thể hát lại, tôi sẽ hát hay hơn"… Và đó chính là cái mất của tôi trong nghề. Còn để nói sự mất mát theo kiểu showbiz đang nhiễu nhương hiện tại thì không, bởi tôi không thuộc về những phần ấy. Vì đã khoanh vùng cho bản thân giữa ranh giới và đạo đức, nên cho đến giờ, tôi chưa phải nói câu hối tiếc.
Tuy nhiên, sự mất mát không bỏ qua chúng ta mãi. Được chỉ trong tầm tay, mà mất lại quá nhiều. Tôi luôn tự dặn mình phải kiểm soát bản thân thật tốt để không phải ân hận vì trót lỡ lời, trót vạ miệng, trót khiến dư luận nhìn mình sai lầm để khôn ba năm, dại một giờ… Nghệ sĩ cũng như diễn viên xiếc đi trên dây, nếu không kiểm soát tốt sẽ sẩy chân mất mạng như chơi.
Vận mệnh con người do chính bạn cầm nắm. Cá tính mỗi người sẽ quyết định vận số của người đó. Tôi luôn tin vào điều này, và cũng tin mình ở mức tối đa để kiểm soát sứ mệnh bản thân.