Tùng Dương: "Nhạc sĩ Thanh Tùng rất cô đơn lúc cuối đời"
"Các con của ông sẽ rất tự hào vì có một người cha đi vào lịch sử, huyền thoại âm nhạc Việt Nam".
Sự ra đi của nhạc sĩ Lối cũ ta về vào sáng 15.3 khiến nhiều sao Việt cũng như khán giả yêu nhạc Việt bàng hoàng. Trong số đó, ca sĩ Tùng Dương là một trong những người bày tỏ nỗi buồn của mình về sự ra đi của nhạc sĩ Thanh Tùng.
Ca sĩ Tùng Dương.
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ca sĩ Mưa bay tháp cổ về những kỉ niệm giữa anh và nhạc sĩ Thanh Tùng khi còn sống.
- Là người gắn bó với nhiều tác phẩm của nhạc sĩ Thanh Tùng, chắc hẳn anh có nhiều kỷ niệm với vị nhạc sĩ tài hoa này?
Tôi là người đã gắn bó với nhiều tác phẩm của nhạc sĩ Thanh Tùng, đặc biệt là những ca khúc mới trong giai đoạn cuối đời ông. Đến bây giờ, khi nghe tin ông ra đi, tôi thực sự buồn. Tôi cũng đang tính với Thanh Lam và Hà Trần sẽ thực hiện hiện một liveshow cho ông, nhưng chưa kịp thì nhạc sĩ đã ra đi.
Tôi có may mắn được hát một bài hát có thể coi gần như là cuối cùng của ông là Chuyện cổ Nghi Tàm. Đây là ca khúc mà tôi may mắn được nhạc sĩ gọi điện và bảo đến tận nhà ông để tập luyện. Nhạc sĩ Thanh Tùng có nhận xét: “Bài hát phải để Tùng Dương hát”.
Bài hát này hoàn toàn khác với những ca khúc trước đó của ông. Đó không phải là một bản tình ca như Giọt nắng bên thêm, Một mình,... mà mang tính dân gian. Tôi đã thực sự thăng hoa với bài hát đó và để lại dấu ấn rất khó quên trong lòng người hâm mộ .
Tôi không có điều kiện gặp nhạc sĩ Thanh Tùng nhiều nhưng mỗi lần gặp, chúng tôi đều nói chuyện rất nhiều. Ông thường trêu tôi phải yêu nhiều, thích nhiều phụ nữ thì hát mới hay được.
Nói chung, ông rất tếu táo, hóm hỉnh, là một người rất nghệ sĩ và có sư lãng mạn sâu trong con người. Phải yêu rất say mê và dâng hiến trọn đời cho tình yêu thì mới có thể sáng tác hay, lãng mạn và thiêng liêng như vậy được.
Nhạc sĩ Thanh Tùng ngôi xe lăn sau tai biến.
- Anh đánh giá như thế nào về những sáng tác, đóng góp của nhạc sĩ Thanh Tùng cho nền âm nhạc Việt?
Nhạc sĩ Thanh Tùng là một trong những người vẽ nên nền móng của nền nhạc nhẹ Việt Nam. Sau này có rất nhiều nhạc sĩ trẻ vẫn chịu sự ảnh hưởng của ông.
Những bài hát của nhạc sĩ Thanh Tùng được viết chân thực, ai cũng thấy một phần mình trong đó, nó mang những cảm xúc đẹp, chân thực và không quá cao siêu.
Chính vì thế những sáng tác của ông được mọi thế hệ yêu thích, từ thế hệ chị Ngọc Bích hát trên đài phát thanh những năm 80 đến những ca sĩ trẻ ngày nay vẫn rất hào hứng và đầy cảm xúc khi được nghe lại những tác phẩm của ông. Đấy chính là những giá trị lớn nhất ông để lại cho âm nhạc Việt Nam.
Tôi gọi ông là người vẽ nên câu chuyện của mình bằng những bản tình ca đi qua nhiều thập kỉ.
- Theo anh, âm nhạc của nhạc sĩ "Trái tim không ngủ yên" hay ở điểm nào?
Đương nhiên là ca từ của nhạc Thanh Tùng rất lãng mạn. Tôi lấy ví dụ như trong bài Giọt nắng bên thềm, lấy ý thơ từ câu “Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”. Ca từ rất đẹp, mộng mị. Tôi thấy những trải nghiệm về tình yêu của chúng ta, những dâng hiến, cái ngông của tuổi trẻ, có yêu thương, giận hờn, gắn kết, ngu ngơ và dại khờ đều có trong nhạc của ông.
Bên cạnh ca từ, những sáng tác của ông đều có giai điệu rất đẹp, đều là những bản pop ballad hoàn hảo, từ phần điệp khúc đến những phần cao trào đều rất hay.
Cũng chính vì thế, tác giả đã vượt qua những đau khổ, sóng gió, thăng trầm trong cuộc đời để rồi ra đi một cách rất nhẹ nhàng, thanh thản.
- Trong nhiều tác phẩm của nhạc sĩ Thanh Tùng, người ta thường cảm nhận thấy sự cô đơn...
Vừa cách đây hai ngày tôi có hát bài Một mình ở Nhà hát Lớn. Phải nói, tôi rất đồng cảm với nhạc sĩ Thanh Tùng khi hát bài này bởi nó chứa đựng sự cô đơn rất lớn. Nhưng ca từ trong bài hát được sắp xếp rất hay như “Thương em mênh mông chân trời lạ/ Bơ vơ chốn xa xôi” hay “Bâng khuâng khi con đang con nhỏ/ Tan ca bố có đón đưa”.
Nhạc sĩ đã trải qua những biến động của cuộc sống, đối mặt với sự cô đơn, viết được ra những lời văn, ca từ đầy sâu sắc và xuất phát từ những trải nghiệm thực tế. Có thể khẳng định, cuối đời nhạc sĩ là một người rất cô đơn. Nhưng trong sự trầm mặc khi ông ngồi trên xe lăn có thể thấy, ông vẫn vẽ ra thế giới xung quanh và trước mắt ông rất đẹp.
Ông là một nhạc sĩ tài hoa, để lại những tác phẩm bất hủ và khó quên trong lòng người nghe, vẽ nên những câu chuyện đẹp.
Ngày nhạc sĩ Thanh Tùng còn khỏe mạnh.
- Là một người trẻ so với những người từng hát nhạc Thanh Tùng, anh cảm nhận như thế nào về tính cảm xúc trong âm nhạc của nhạc sĩ "Lối cũ ta về"?
Tôi không phải là người duy nhất hát nhạc của ông, nhưng đối với tôi là một người 8x, những rung động trong âm nhạc của nhạc sĩ Thanh Tùng tôi vẫn cảm nhận được chứ không hề có rào cản về mặt thế hệ.
Âm nhạc của ông rất dễ cảm nhận và dường như chỉ cần cất lên thôi là khán giả có thể cảm nhận được ngay. Thứ âm nhạc đó rất dung dị, rất đời, mộng mị nhưng cũng rất độc lập, mang tính pop và vẫn có ngôn ngữ, cá tính riêng của mình.
Nó không mang những triết lí cao sang, không mang tính chất du ca của nhạc sĩ Trần Tiến, không mềm mại như nhạc sĩ Dương Thụ cũng chẳng giống với tính Bắc bộ dân gian của nhạc sĩ Phó Đức Phương.
Tôi không có nhiều điều kiện để tiếp xúc với ông, chỉ có điều kiện gặp ông qua bài vở, một vài lần đến thăm ông thì thấy ông là người rất hài hước. Ông kể câu chuyện về cuộc đời mình ở một lăng kính hài hước. Ông đã vượt qua nỗi đau thường trực cuộc sống, sự mất mát về gia đình, về sự ra đi khi còn quá trẻ của người vợ.
Tôi nghĩ rằng các con của ông rất tự hào vì có một người cha đã đi vào lịch sử, huyền thoại âm nhạc Việt Nam.
- Chân thành cảm ơn anh!
Lễ viếng và truy điệu nhạc sĩ Thanh Tùng được tổ chức vào hồi 8 giờ đến 10h30 ngày thứ ba 22 tháng 3 năm 2016 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Lễ an táng cùng ngày tại Công viên nghĩa trang Thiên Đức (xã Trung Giáp, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ). |