Truyền hình thực tế "lạm dụng" những đứa trẻ tinh anh?

Kẻ đồng tình, người phản đối vì quy định cấm trẻ nhỏ tham gia chương trình thực tế.

Trung Quốc cấm, Việt Nam thì không

Mới đây Cục điện ảnh, phát thanh và truyền hình Trung Quốc ban hành lệnh cấm phát sóng hàng loạt chương trình truyền hình thực tế có trẻ em tham gia. Các cuộc thi tìm kiếm tài năng nhí cũng bị kiểm soát chặt chẽ hơn. 

Truyền hình thực tế "lạm dụng" những đứa trẻ tinh anh? - 1

"Bố ơi mình đi đâu thế" bản Trung bị cấm phát sóng dù đã ghi hình

Những lý do cơ quan quản lý Trung Quốc đưa ra để thực thi lệnh cấm này bao gồm: lo ngại tác động tiêu cực đến trẻ về tinh thần lẫn thể chất khi nổi tiếng quá sớm, dễ mắc bệnh ngôi sao; việc đánh bóng hình ảnh quá sớm của các em nhỏ khiến chúng ảo tưởng về bản thân; những phản hồi trái chiều của người xem cũng trở thành “con dao hai lưỡi” đối với tâm lý trẻ nhỏ.

Trung Quốc cũng ngăn chặn việc thương mại hóa việc sử dụng hình ảnh trẻ nhỏ. Đặc biệt, quốc gia này đã chính thức ban hành luật cấm quảng cáo với trẻ dưới 10 tuổi, bất chấp việc họ hiểu rằng những đứa trẻ tham gia ngành giải trí khi còn sớm hầu hết đều là đứa trẻ nhanh nhẹn, thông minh.

Để siết chặt mọi thông tin có liên quan tới trẻ em, Trung Quốc cũng ban hành quy định kiểm soát gắt gao mọi bộ phim truyền hình. Trong đó, những cảnh quay trẻ vị thành niên hút thuốc, uống rượu, đánh nhau... đều bị cấm. Các phim về đề tài bạo lực, đồng tính, ngoại tình, yêu sớm... cũng nằm trong tầm kiểm duyệt chặt chẽ.

Chưa hết, với quan niệm cần giữ gìn và phát huy phương châm sống tiết kiệm, chính phủ Trung Quốc cũng ra quy định người nổi tiếng cần hạn chế các đám cưới xa hoa tiền tỷ, vì điều đó thể hiện lối sống đi ngược lại mục tiêu văn hóa quốc gia.

Truyền hình thực tế "lạm dụng" những đứa trẻ tinh anh? - 2

"Bố ơi mình đi đâu thế" bản Việt

Quy định mới đã gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng mạng không chỉ ở Trung Quốc mà còn lan sang Việt Nam. Hiện tại ở Việt Nam, nhiều chương trình giải trí trẻ em như Bố ơi mình đi đâu thế, Gương mặt thân quen nhí, Tìm kiếm tài năng âm nhạc nhí, Đồ rê mí… thu hút lượng lớn khán giả truyền hình, mang về lợi nhuận không nhỏ cho nhà đài.

Trước quy định mới về việc cấm phát sóng hàng loạt show dành cho trẻ vị thành niên, trong đó có Bố ơi mình đi đâu thế? tại Trung Quốc, đạo diễn Đỗ Thanh Hải - người phụ trách phiên bản Bố ơi tiếng Việt - khẳng định, format tại Việt Nam đang chạy hoàn toàn khác biệt với thế giới.

Vì lý do này, ông Hải cho hay nhà đài sẽ tiếp tục sản xuất để đáp ứng quyền lợi của các em, đồng thời chắc chắn không có chuyện lợi dụng hình ảnh trẻ nhỏ để thương mại hóa.

Truyền hình thực tế "lạm dụng" những đứa trẻ tinh anh? - 3

Các bộ phim nội dung đồng tính và đám cưới xa hoa ngoài đời thực của sao cũng bị Trung Quốc cấm chiếu.

Cư dân mạng Việt Nam kẻ đồng tình, người phản đối

Xoay quanh thông tư mới của Trung Quốc, giới trẻ Việt Nam cũng lên tiếng bày tỏ quan điểm riêng.

Bạn Nguyễn Thu Trang nói: “Nên dẹp chương trình có trẻ em đi. Là trẻ nhỏ, nên để các em có tuổi thơ hồn nhiên như chính lứa tuổi.

Tham gia vào mấy show này chỉ toàn ganh đua, không thắng được thì các em sẽ bị áp lực, thắng thì lại mắc bệnh ngôi sao chảnh chọe hoặc mải miết đi chạy show kiếm tiền. Hãy để các em sống và học tập theo đúng lứa tuổi. Nếu các em có tài năng, khi tròn 18 tuổi vẫn còn đủ thời gian để phát huy”.

Nhiều cư dân mạng khác cũng đồng tình với quan điểm trên. Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng luật cấm của Trung Quốc không phù hợp, và sẽ “giết chết tài năng của trẻ nhỏ”.

"Chương trình 'Bố ơi mình đi đâu thế?' bản Trung rất thú vị. Các em nhỏ được trải nghiệm cuộc sống mới thực tế, có nỗi buồn và niềm vui vì cuộc sống vốn thế. Đó là điều hữu ích. Cấm như vậy, suốt ngày các em sẽ chỉ biết ru rú vào sách vở vì đâu có chương trình giải trí thiếu nhi nào phù hợp nữa" - bạn có nick Mika chia sẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thủy Nguyên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN