Trường Giang và nỗi bức xúc danh hài bị coi thường
Đầu xuân năm mới chính là dịp hốt bạc của các danh hài bởi thời điểm này nhu cầu giải trí của khán giả vô cùng cao. Những tưởng các nghệ sĩ sẽ vui mừng khấp khởi vậy mà vẫn xảy ra nhiều chuyện éo le.
Dịp Tết đến xuân về hòa cùng với không khí "tháng Giêng là tháng ăn chơi", nhu cầu giải trí của người dân lên cao nên các danh hài có cơ hội kiếm được bộn tiền. Tuy nhiên, ngoài sự cổ vũ động viên khích lệ của người hâm mộ, nhiều nghệ sĩ vẫn gặp phải những "tai nạn" nghề trớ trêu gây nên sự bức xúc chán nản.
"Tai nạn" khi đi diễn là việc quá bình thường với nghệ sĩ nhưng trường hợp của Trường Giang và Xuân Bắc thời gian gần đây đã khiến câu chuyện bức xúc được đẩy lên cao trào. Sự việc này đang tiếp tục trở thành vấn đề gây tranh cãi trong dịp đầu xuân năm mới.
Trường Giang bị ném chai nước, Xuân Bắc bị livestream hết buổi biểu diễn
Ngày 4.2, danh hài Xuân Bắc cùng nhiều nghệ sĩ hài gạo cội làng giải trí phía Bắc như Công Lý, Vân Dung, Chí Trung, Ngọc Huyền tổ chức một chương trình hài đặc sắc tại Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô. Buổi biểu diễn thu hút được khán giả thủ đô bởi tên tuổi của những danh hài nổi tiếng. Dù buổi biểu diễn thành công tốt đẹp với lượng khán giả khủng đến ủng hộ nhưng nghệ sĩ Xuân Bắc vẫn có điều bức xúc.
Danh hài Xuân Bắc bức xúc với chuyện bị khán giả livestream.
Theo đó, trong show hài đầu năm này, đã có nhiều khán giả trẻ quay trực tiếp trên facebook toàn bộ các tiết mục trong buổi diễn. Điều đó đã làm nghệ sĩ Xuân Bắc không hài lòng vì anh thấy việc làm đó cho thấy khán giải không tôn trọng các nghệ sĩ. Đó là công sức họ bỏ ra và họ cần nhận được tiền thu lao xứng đáng từ những tấm vé do khán giả trả tiền. Ở đây, việc quay trực tiếp đã khiến buổi biểu diễn mất đi tính bản quyền, chính vì vậy nam danh hài gốc Phú Thọ mới vô cùng bức xúc.
Nặng nề hơn câu chuyện của Xuân Bắc, ở sân khấu phía Nam, nghệ sĩ Trường Giang rơi vào hoạt cảnh vô cùng bức xúc. Theo đó, trong đêm diễn tại Tây Ninh hôm 8.2, khi đang diễn trên sân khấu, Trường Giang đã bị khán giả ném chai nước. Trước sự việc này, Trường Giang đã bức xúc: "Ai quăng cái chai vậy? Thôi đi vô, không diễn nữa, đi vô. Nghệ sỹ diễn mà các vị chọi chai thì diễn làm cái gì nữa".
Trường Giang bức xúc bỏ sân khấu khi bị khán giả ném chai nước.
Ngay sau đó, anh có hành động vô cùng cứng rắn và gây tranh cãi đó là đi thẳng vào sân khấu không diễn cho khán giả xem tiếp. Đã có nhiều ý kiến cho rằng hành động của "Mười Khó" là thiếu tôn trọng những khán giả đã yêu thương mua vé ủng hộ anh. Bởi những người dân ở đây phải chắt chiu từng đồng cho cuộc sống, để có được tấm vé đi xem danh hài, họ phải cắt khoản nọ bù khoản kia chứ không phải danh hài cho không họ.
Hiện tại, sự việc của Trường Giang đang bị đẩy lên cao trào và nhiều luồng tranh cãi đang diễn ra vô cùng sôi nổi. Một bên đả kích Trường Giang coi thường khán giả, một bên là bênh vực Trường Giang là đúng khi có hành động bỏ diễn vào cánh gà. Dù tranh cãi như thế nào thì danh hài xứ Quảng vẫn vô cùng bức xúc với show diễn đầu năm mới của mình.
Nghệ sĩ hài hai miền xin đừng lấy đời tư răng vẩu hay chiêu trò hạ bệ người nông dân nữa
Từ câu chuyện bị khán giả coi thường các danh hài trong một số show diễn rồi nhìn vào thực tế làng hài các sân khấu 2 miền hiện này để thấy được những điểm hạn chế. Nếu như ở miền Bắc, ngoài mặt được là truyền những thông điệp sâu sắc thì còn vô vàn những hạn chế.
Chiêu trò răng vẩu đã trở thành "lối mòn" phát chán trong các tiểu phẩm hài.
Chương trình Táo Quân theo các mùa thì khán giả sẽ không lạm bàn nhiều nhưng chỉ xét cái phim hài đợt Tết để thấy diễn viên hài miền Bắc đang gây cười "rẻ tiền" và nhố nhăng. Đại gia chân đất, Làng ế vợ, Bờm... các nhân vật trong tiểu phẩm thường thì nói ngọng, thường thì dùng ngôn từ tục tĩu, có lúc lại lấy cái thói xấu của người nông dân thời xa xưa cũ ra chọc cười. Có lúc lại mang chính cái nét hồn nhiên đến ngây thơ của người ở quê ra hạ bệ. Thậm chí, đến cái giọng địa phương "ngai ngái" hương đồng gió nội của người quê cũng trở thành "đặc sản" để gây cười.
Những điều ấy đã làm cho khán giả không chỉ thành thị mà đến cả nông thôn xem xong cũng chẳng cười nổi. Thậm chí, vì kịch bản cũ mèm, nhân vật nhàm chán nên người ta đã không còn thiết tha với tiểu phẩm hài Tết như xưa nữa.
Và cũng từ những chuyện như thế nên từ người già đến trẻ con đều tỏ thái độ coi thường với nhiều diễn viên hài. Cái khán giả cần là những tiếng cười sâu sắc, châm biếm đúng và chuẩn những vấn đề của xã hội của đời sống thực tế thay vì chú trọng vào "răng vẩu, nói ngọng" hay "hạ bệ" những cái hồn nhiên của người ở nông dân nơi thôn xóm.
MC Trấn Thành cũng khiến khán giả phát chán với màn giả gái cũ mèm.
Khép lại cái nhạt của làng hài phía Bắc đến với làng hài phía Nam, khán giả cũng không khỏi ngán ngẩm. Suốt thời gian qua, các nghệ sĩ hài ở phía Nam đang quá lạm dụng việc giả gái, lợi dụng đời tư vào trong các tiểu phẩm hài.
Những câu chuyện giả gái của Trấn Thành, Hoài Linh ở trong nhiều tiểu phẩm đã khiến khán giả cảm thấy nhạt nhẽo kệch cỡm hơn thay vì hào hứng đón xem. Hình tượng, nam nghệ sĩ giả gái với những động tác làm quá, những giọng điệu ẽo uột thực sự làm khán giả cảm thấy "ghê" hơn là "đã".
Hoặc như việc tổ chức các buổi liveshow thay vì chú trọng nội dung chuyên sâu mang được tiếng cười cho khán giả thì người ta lại thấy nhan nhản câu chuyện đời tư của danh hài. Mỗi khi liveshow hài được diễn ra thì y như rằng người hâm mộ lại được xem miễn phí những câu chuyện riêng tư nhạt nhẽo. Rõ ràng, những việc như vậy đã khiến khán giả chán nghệ sĩ hơn và nhiều "anti fan" sẽ thể hiện những hành động coi thường khiến nghệ sĩ phải bức xúc trong đau đớn.