Trịnh Thăng Bình: “Tôi chấp nhận hình phạt vì đã làm tổn thương khán giả của mình”
Sau những vấp ngã, Trịnh Thăng Bình lấy đó làm động lực để bản thân cẩn thận hơn trong lời nói và hành động.
“Tim anh cũng đầy những vết thương…” - một câu hát trong ca khúc mới ra mắt của Trịnh Thăng Bình và có lẽ, nó cũng phần nào miêu tả những gì nam ca sĩ trải qua suốt một năm dài. Gặp Trịnh Thăng Bình của hôm nay, anh thẳng thắn thừa nhận những vấn đề bản thân đã gặp phải, nhưng hơn hết là khiến người đối diện cảm nhận được, anh yêu công việc của mình đến mức nào.
- 2/3 của năm 2023 đã đi qua, có lẽ đến lúc này, Trịnh Thăng Bình mới ổn hơn một chút sau khi có nhiều thứ ập đến?
Thời gian qua, mỗi ngày với tôi là một chuỗi thời gian của sự ổn và không ổn. Có người nghĩ rằng, Trịnh Thăng Bình đang cố tạo drama để được chú ý hoặc cũng có người tìm được thứ khiến tôi trở thành chủ đề bàn tán sau nhiều năm sóng yên biển lặng.
Tôi đã dành hết thanh xuân của mình cho nghệ thuật, tôi yêu công việc của mình nên luôn tâm niệm rằng bản thân phải thật chuyên nghiệp. Tôi không để chuyện cá nhân ảnh hưởng đến công việc và cũng chưa từng có suy nghĩ đó. Trừ khi, đó là chuyện nằm ngoài dự đoán hoặc tôi không biết được rằng nó sẽ gây ảnh hưởng.
Có rất nhiều điều xảy ra trong thời gian qua, mở đầu là việc hát live của tôi. Trước hết, tôi muốn khẳng định một điều rằng bản thân không hề cố tình tạo chiêu trò để được mọi người chú ý. Với tính cách và con người của mình, tôi không dại như thế. Nhưng nếu bạn hỏi “Trịnh Thăng Bình có thấy mình hát tệ không?”, tôi khẳng định là có.
Khi vấn đề xuất hiện, tôi bắt đầu tìm hiểu vì sao nó lại xảy ra. Có chủ quan và khách quan, nhưng ở đây tôi chỉ muốn nhắc đến cái đầu tiên.
Khoảng thời gian từ giữa năm 2022 đến đầu năm 2023, tôi vướng phải một vấn đề cực kì lớn về sức khỏe, thể chất và tinh thần. Đây là giai đoạn tôi đối mặt với chứng hậu Covid-19, thường xuyên gặp vấn đề về phổi.
Và tôi không hiểu vì sao mình không thể ngủ được, dù có ngủ cũng không yên giấc. Điều đó khiến tôi rơi vào trạng thái kiệt quệ. Người ta hay nói “ăn như múa ngủ như hát”, tôi lại không thể ngủ được. Tuy nhiên, tôi tự tin vào kinh nghiệm nhiều năm đi hát của mình nên cảm thấy vẫn có thể kiểm soát được lịch trình cá nhân, làm tốt công việc cho đến cuối năm 2022.
- Nhưng có vẻ mọi việc không được như bạn nghĩ?
Ngay đến bản thân tôi cũng tự nhận ra, sức khoẻ và giọng hát của mình có chiều hướng đi xuống. Có một lần, là vào show diễn cá nhân của tôi hồi tháng 09/2022. Hôm đó tôi ho rất nhiều, ho đến mức không hát được gì. Đoạn clip trong đêm nhạc đó lan truyền trên mạng xã hội và khán giả chỉ trích, bày tỏ sự thất vọng về khả năng trình diễn của tôi. May mắn đó là show diễn do tôi tự tổ chức bởi nếu không, tôi sẽ rất áy náy. Lần khác là vào đầu năm 2023, mọi chuyện nặng nề hơn khi nhiều người nói rằng không nghe được tôi đang hát cái gì.
Tôi đã cố gắng thử qua nhiều biện pháp để cải thiện sức khỏe của mình. Tôi là kiểu người có chết cũng phải chết trong lúc mình làm việc, chứ không phải nằm không mặc thế giới muốn trôi ra sao thì ra. Guồng công việc cứ quay đều, tôi gồng mình để chạy theo và những đoạn clip không hay xuất hiện ngày càng nhiều vào đầu năm 2023.
Sau Tết 2023, một bên mặt của tôi không hoạt động được như bình thường, lưỡi bị cứng lại và không thể cử động linh hoạt như trước. Có một ngày tôi tỉnh dậy và phát hiện mình không thể ngồi cũng không thể cử động được, mọi thứ trước mắt xoay vòng và bụng co thắt lại. Tôi biết mọi chuyện không ổn và đi khám. Khi bác sĩ báo rằng phải chữa trị, tôi cảm thấy lo sợ bởi bản thân dù còn trẻ nhưng đã có dấu hiệu của căn bệnh đột quỵ.
Thật khó để bản thân chia sẻ về chuyện này, vì sẽ có người đặt câu hỏi “sức khỏe không tốt tại sao nhận show làm gì, ở nhà đi”. Tôi không nghĩ sức khỏe bản thân lại tệ đến thế nhưng công việc mình đã vậy rồi, tôi cứ xen kẽ làm việc và chữa bệnh, khi thì đi châm cứu, lúc lại khám xem mình bị gì,... Tôi khi đó không muốn chia sẻ về bệnh tình của mình, sợ người ta nhìn vào và thấy Trịnh Thăng Bình là một “gã ốm đau”.
- Nhiều đoạn clip hát không hay bị đăng lên mạng xã hội với rất nhiều điều phân tích về giọng live của Trịnh Thăng Bình. Lúc đó, bạn nghĩ gì?
Những clip hát không tốt được đăng trên mạng xã hội, tôi cảm thấy nó rất đúng vì tôi biết mình làm mọi thứ thật tệ. Tuy nhiên, có nhiều clip được quay ở các góc khác và âm thanh bị dội, thành ra khiến khán giả không nghe được gì chứ đừng nói đến nghe tôi hát gì. Nhưng mình đã nằm trong “tầm rà soát” rồi thì đành chịu.
Khoảng thời gian không biết sức khoẻ gặp vấn đề, tôi lại đi diễn rất nhiều và có không ít hình ảnh được ghi lại. Tôi không chối bỏ việc mình đã làm không tốt. Khi tôi hiểu được vấn đề của mình nằm ở đâu thì mọi thứ đã quá muộn. Rồi đến lúc tôi bắt đầu sửa sai thì yếu tố khách quan lại xảy đến.
- Từ một người được yêu quý, Trịnh Thăng Bình bỗng chốc trở thành nhân vật bị ghét sau bức ảnh chụp chung với đồng nghiệp. Những sai sót liên tục bị đào sâu và kéo dài, cảm giác của bạn lúc đó ra sao?
So sánh với bạn bè đồng trang lứa, tôi không có nhiều fan nhưng vẫn thấy mình may mắn khi âm nhạc của bản thân dễ tiếp cận với khán giả, được họ lắng nghe và đồng điệu. Có thể họ không phải là fan nhưng sẽ nghe nhạc và có thiện cảm với Trịnh Thăng Bình.
Quay lại vấn đề khán giả bắt đầu quay lưng với tôi vào đầu năm nay. Đó là điều ai cũng thấy rõ và tôi cũng không chối bỏ, hoàn toàn không thể phủ nhận việc kết thân, làm quen với đồng nghiệp mới.
Tôi chấp nhận hình phạt dành cho mình khi chưa làm tốt và đúng ý của khán giả. Từ những ngày đầu theo đuổi nghệ thuật, tôi đã chấp nhận con người và âm nhạc của mình giao phó hết cho khán giả. Yêu hay ghét, khán giả sẽ có nguyên do của họ.
Khi bị quay lưng, tôi trách bản thân đã làm gì để khán giả không còn yêu thích mình như trước. Làm cho một ai đó từ yêu thành ghét đối với mình thì đó rõ ràng là lỗi của bản thân. Tôi chấp nhận phản ứng của khán giả dành cho để nhìn nhận lại bản thân, có trách nhiệm hơn với hành động và phát ngôn của mình trong tương lai.
Đó là một bài học rất lớn. Tôi vốn không phải kiểu người ỷ y rằng người ta thích mình thì muốn làm gì cũng được. Trước đây khán giả ít khi quan tâm đến cuộc sống cá nhân của tôi và tôi cũng hiếm khi gặp ồn ào liên quan đến đời tư, nếu có scandal thì cũng là chuyện tôi ra bài này ổn hay không hoặc sẽ là chuyện tình cảm với bạn bè trong giới.
Vì vậy, tôi đã hơi vô tư vì cho rằng đó chỉ đơn thuần là sự gặp gỡ của hai người đồng nghiệp, đi ăn uống và có quản lý đi cùng. Nếu biết, tôi đã không vô tư như thế nên đây sẽ là một bài học kinh nghiệm cho bản thân bởi tôi là một nghệ sĩ, có trách nhiệm lan toả những năng lượng tích cực và truyền cảm hứng cho khán giả mình, trở thành bạn đồng hành trong tâm hồn của họ.
Tôi cảm thấy có lỗi với khán giả bởi việc mình quá vô tư trong đời sống cá nhân đã làm sụp đổ hình ảnh Trịnh Thăng Bình trong lòng họ, làm tổn thương những người yêu mến mình. Tôi có trách nhiệm với việc đó. Điều bản thân đã làm thì không thể sửa đổi hay chối bỏ. Vết cắt dù có lành cũng đã thành sẹo nên lúc đó, tôi có để lại bình luận rằng biết đâu sau này mình có mood để làm nhạc tốt hơn, khán giả sẽ yêu thương mình trở lại.
Nhưng bình luận ấy lại bị cho là thách thức. Từ đó, tôi luôn nhắc nhở bản thân rằng sẽ không bao giờ để lại bất cứ bình luận nào trên mạng xã hội hay nhận trả lời phỏng vấn bằng cách viết ra. Bởi khi viết thì cách đọc sẽ khác và dẫn đến nhiều thứ khác. Thành ra, tôi chỉ chia sẻ nếu được gặp trực tiếp với người hiểu những gì mình muốn truyền tải.
Sau sự việc, tôi rút ra kinh nghiệm mà mình chưa từng có, nhất là trong việc xử lý khủng hoảng. Đây là một trải nghiệm cần phải có trong sự nghiệp để tôi đúc kết nhiều bài học, trưởng thành hơn trong lời nói và hành động bởi tôi đã xác định mình sẽ làm nghệ thuật đến già vì tôi rất yêu công việc của mình, không thể sống thiếu âm nhạc.
- Vậy còn hệ luỵ sau sự việc đó?
Khi mọi thứ rơi vào trạng thái “khi yêu củ ấu cũng tròn ghét nhau bồ hòn cũng méo”, thật sự khi ấy tôi không nghĩ gì cả. Điều băn khoăn nhất là tôi có thật sự như những gì mọi người đang nói hay không. Và nếu như vậy, tôi phải tự nhìn nhận lại bản thân bởi nếu cứ chối bỏ, tôi đang tự giết chính mình. Ngày xưa khán giả yêu thương sẽ bỏ qua, khi không còn thì mọi thứ đều bị soi xét nhưng rõ ràng, đã là khuyết điểm thì cần được nhận ra và thay đổi.
Lúc đọc bình luận của khán giả, tôi cảm thấy tổn thương vì bản thân vốn không quen bị chỉ trích, ghét bỏ mà giờ lại đối diện với sự tẩy chay. Thật sự đó là cảm giác rất kinh khủng nhưng đôi khi phải tỉnh táo để hiểu rằng những điều răn đe, lời chỉ trích sẽ thúc đẩy bản thân thay đổi trở nên tốt hơn. Khi có góc nhìn khác và nhận thấy những bình luận - dù với lời lẽ không hay và nặng nề - trở thành lời khuyên tốt, tôi hiểu mọi thứ xảy ra đều có nguyên nhân. Và nếu kết quả cuối cùng được chuyển hoá để hoàn thiện bản thân, phải chăng mình nên biết ơn với những điều này?
Nói như vậy không có nghĩa tôi sẵn sàng nghe chửi mỗi ngày đâu (cười), không ai thích thế cả. Ý tôi là cách mình tiếp cận vấn đề, như ở tình huống này tôi sẽ muốn tiếp cận theo hướng trên nhiều hơn bởi nó tốt cho mình. Nếu mọi người để ý, từ những sản phẩm đầu tay tới giờ, không có bài nào tôi không có lỗi phát âm. Tuy nhiên thời điểm đó, những lỗi đó được thông qua nhưng đến một giai đoạn mà khuyết điểm không được bỏ qua nữa, mình phải nhìn nhận và thay đổi nếu muốn tồn tại.
Tôi là người rõ ràng với mọi thứ, không phải kiểu vô tri mà khán giả nói đúng là đúng, không được là không được. Tôi luôn lắng nghe khán giả và suy nghĩ thấu đáo về các vấn đề đang xảy ra. Nên nếu một việc dẫn đến kết quả làm mình tốt hơn, thì tại sao không?
- Bạn đối diện ra sao với việc “tưởng là HIỂU NHAU...ai ngờ là HIỂU LẦM” có lượt view không mấy khả quan?
“tưởng là HIỂU NHAU...ai ngờ là HIỂU LẦM” ở một góc nhìn nào đó, tôi thấy được tinh thần tích cực về sự thay đổi của bản thân, ít nhất là trong việc hát. Kiểu như khán giả nói rằng, “a Trịnh Thăng Bình mà tôi cần đây rồi”, và đồng cảm với những gì tôi viết. Tôi “take it easy” với kết quả này, thành công thì mình công nhận và có thất bại cũng ghi nhận chứ không trốn tránh.
Trong thời điểm này, điều tôi cần chỉ đơn giản như vậy, được ghi nhận là Trịnh Thăng Bình biết lắng nghe ý kiến của khán giả đồng thời bản thân được ủng hộ về tinh thần, có động lực để phấn đấu. Đường còn dài, tôi sẽ còn viết và ra mắt nhiều nữa, trong đó có một album đang thực hiện dở dang.
- Ở phần bình luận của ca khúc mới, có khán giả nói là “may quá được nghe Trịnh Thăng Bình hát tiếng Việt rồi”, bạn có dự định ra bản live?
Tôi đắn đo lắm. Có nhiều bạn nói rằng “hát trong phòng thu vậy thôi chứ live một cái là hát tiếng Hàn nữa”, hoặc đại loại thế. Nhưng tôi lấy đó làm động lực để cố gắng hoàn thành công việc của mình. Sắp tới, tôi có nhiều show diễn và cần làm tốt, chuẩn bị tinh thần cũng như giọng hát còn việc kiểm soát rủi ro được hay không, tôi không dám chắc 100% kiểu “mọi người cứ đến đi, hát live tốt rồi” hay chuẩn bị một bản live nào đó.
Mọi chuyện vốn không thể giải quyết chỉ bằng một bản live, một sân khấu rồi tung hê rằng “tôi hết hát đớt, hát yếu”, “hết bị thụt lưỡi rồi” mà là phải từ đây về sau, cả chặng đường dài. Lòng tự tôn của bản thân không cho phép tôi mang bệnh tật ra chống chế mỗi lần làm không tốt. Còn rất nhiều thứ để mình sửa chữa, thay đổi và hoàn thiện bởi mọi chuyện sẽ tiếp tục kéo dài nếu tôi không cố gắng. Khán giả hoàn toàn có thể đào lại những clip cũ mà.
- Từ một người tiên phong cho ra mắt những sản phẩm âm nhạc mang màu sắc mới mẻ, “tưởng là HIỂU NHAU...ai ngờ là HIỂU LẦM” lại có vẻ không bắt kịp xu hướng hiện tại và lượt view khá thấp so với trước đây?
Sau chừng ấy năm làm nghề và hiểu công việc của mình, tôi cho rằng không có đúng - sai đối với âm nhạc, không có bài hát nào quá đỉnh hay quá tệ. Một sản phẩm âm nhạc được làm ra và chạm đến tâm trạng của nhiều người, nó sẽ trở thành hit. Ngược lại, nếu chưa nhận được sự đồng cảm từ số đông khán giả, ca khúc đó sẽ không bằng nên không thể định nghĩa rằng “nhạc hit là hay, không hit là dở”.
Âm nhạc có nhiều góc độ khác nhau, ví dụ một số người thích những bài hát mà không ai thích. Tôi dùng từ “nhạc popular” và “nhạc không popular”, tức bài hát được người ta biết đến nhiều hoặc không. Ngay đến bản thân tôi, lắm lúc còn không hiểu sao mình viết được ca khúc mà bản thân nghe thì thấy hay cực kì nhưng khán giả không thích. Rồi có những bài mình viết cho vui, mất tầm 20 - 30 phút thôi nhưng lại trở thành hit, như “Tâm Sự Tuổi 30”, “Người Ấy” chẳng hạn.
Vì vậy, rất vô chừng để đánh giá bài hát đó hay, dở thế nào mà chỉ là nó được khán giả biết đến nhiều không, đủ chạm đến người nghe.
Quay lại với “tưởng là HIỂU NHAU...ai ngờ là HIỂU LẦM” cũng như câu hỏi của bạn, tôi muốn nói rằng bản thân không phải kiểu người thích đi theo lối mòn dù lối mòn đó là do tôi tạo ra đi chăng nữa. Tôi luôn tìm kiếm những hướng đi mới cho mình chứ không đi tới đi lui một con đường, “tắm hai lần trên một dòng sông”.
- Trịnh Thăng Bình dường như rất thích trải nghiệm và không ngại thất bại đến tận cùng để có được những cái mới?
Tôi thường xuyên đắn đo với thử nghiệm mới và tin chắc rằng chưa ca sĩ nào có nhiều bài flop như tôi mà cũng sở hữu không ít ca khúc được yêu thích. Tôi trải nghiệm rất nhiều, ra mắt các ca khúc với thể loại đa dạng - tung những MV đạt triệu view và cũng có cái không ai biết đến. Tôi can đảm chấp nhận rủi ro để bản thân được trải nghiệm nhiều hơn trong đời sống âm nhạc.
Tôi may mắn là sự đơn giản trong âm nhạc bản thân đã tạo ra nhiều ca khúc mà khán giả yêu thích, đồng cảm với nó. Không phải tôi không nhận ra điều đó hay không có công thức cho riêng mình mà tôi muốn tạo ra nhiều điều mới mẻ hơn, chinh phục bản thân.
Ngày còn trẻ, tôi cũng có những thần tượng âm nhạc của riêng mình, họ ra bài nào là thích bài đó nhưng sau này không còn như vậy nữa. Có thể là tôi, hoặc thần tượng của tôi đã thay đổi. Lúc này tôi mới tự nhủ với bản thân, rằng không được để sau này khán giả của mình cũng như thế. Nhưng thật sự, đó là điều không thể tránh khỏi.
Việc mình đang làm là cống hiến những gì còn có thể, may mắn thì kéo dài được công việc, ngược lại thì đành rơi vào vòng xoáy không ai mong muốn, là bị đào thải. Tôi luôn canh cánh và áp lực với điều đó mỗi ngày, chưa bao giờ ngừng suy nghĩ về nó kể cả khi bản thân có bài hit.
Hiện tại ngày càng nhiều bạn trẻ tài năng, thị hiếu âm nhạc của khán giả cũng thay đổi nên nếu không theo kịp, mình sẽ bị bỏ lại phía sau. Mặc dù luôn canh cánh như thế, nhưng việc của tôi bây giờ đơn giản hơn nhiều so với thời mình áp lực phải tạo đỉnh cao mới. Với kinh nghiệm bản thân, cảm xúc chín muồi sau chừng ấy năm làm nghề được yêu - được đau khổ, tôi hi vọng mình có thể chuyển hoá những chất liệu đó một cách tối ưu nhất trong sản phẩm của mình.
Tôi sẽ không thể làm mới được như các bạn gen Z, bởi đời sống tinh thần và cảm xúc của các bạn khác. Đã là hai thế hệ thì không thể giống nhau được, nhưng tôi sẽ có trải nghiệm và góc nhìn riêng mà biết đâu những người cùng thế hệ với mình đang cần. Ví dụ như lần tôi viết “Tâm Sự Tuổi 30”, nhiều đàn anh trong nghề dành lời khen, bảo bài này hay nhưng… lời già quá, phải cho người trẻ nghe chứ. Lần đó, tôi cũng tin và còn định về sửa lại lời để các bạn trẻ có thể nghe và đồng cảm.
Nhưng sau đó tôi lại thấy không đúng bởi “Tâm Sự Tuổi 30” là những gì tôi suy nghĩ, tôi vẫn cho ra mắt và nhận được nhiều sự đồng cảm. Ở mỗi lứa tuổi, mỗi không gian, mỗi tinh thần khác nhau thì mình sẽ tạo ra được những giá trị khác nhau. Tôi rút ra một điều rất hay trong âm nhạc: “Đừng sợ cũ, chỉ sợ dở”.
Tôi tự hào vì mình đã trải qua nhiều thất bại để đúc kết nhiều kinh nghiệm, còn gặt hái thành công chắc tôi không bằng ai. Một bài hát ít view với tôi trong lúc này tất nhiên sẽ ảnh hưởng tinh thần nhưng vẫn đỡ hơn ra mắt ca khúc nhiều view mà đọc bình luận thấy khán giả không thật sự hài lòng.
- Cảm ơn Trịnh Thăng Bình về những chia sẻ.
Nguồn: [Link nguồn]
“Gánh từ Miami qua MV của Jack”, khán giả bình luận về vai trò của Messi.