Trấn Thành, Trường Giang bị chê diễn tục nhảm: Các danh hài nói gì?
Việc các chương trình hài nở rộ kèm theo chất lượng đi xuống, trở thành mối quan tâm của khán giả truyền hình.
Thời gian gần đây, gameshow về hài nở rộ trên truyền hình cả nước với sự xuất hiện của làng hoạt chương trình với tên gọi “na ná” nhau vào nhiều khung giờ trong cả tuần. Tuy nhiên, chất lượng của các gameshow này thì “hên xui” và khiến khán giả tranh cãi, bình luận trái chiều.
"Hot boy trà sữa" Tấn Lợi và vợ tại chương trình Thách thức danh hài.
Mới đây nhất, chương trình Thách thức danh hài đã tìm được quán quân là “hot boy trà sữa” Tấn Lợi. Tuy nhiên, kết quả này khiến nhiều người không đồng tình bởi phần trình diễn của anh được cho là nhạt nhẽo. Tấn Lợi còn bị phản đối vì dùng nhiều từ ngữ nhạy cảm trên truyền hình.
Ở vị trí của giám khảo, Trấn Thành cũng bị phản đối vì “cười dễ dãi” khiến Tấn Lợi giành được 100 triệu đồng. Hành động của danh hài được nhiều người coi như việc “cổ xúy” diễn hài dở, mang đến những tiếng cười chưa thỏa mãn, thậm chí phản cảm với người xem.
Tiết mục của Tấn Lợi tại Thách thức danh hài.
Nở rộ các chương trình với chất lượng.... hên xui
Chưa bao giờ khán giả được thưởng thức nhiều gameshow, truyền hình thực tế về hài như hiện nay. Tất cả các đài truyền hình lớn trong cả nước đều có những chương trình hài được liệt vào dạng ăn khách, có rating cao.
HTV có Đấu trường tiếu lâm, Người bí ẩn,…; Truyền hình Vĩnh Long có Thách thức danh hài, Tiếu lâm tứ trụ,… VTV dù “lép vế” hơn vẫn có Gương mặt thân quen phiên bản lớn và nhí, Ơn giời! Cậu đây rồi,..
Trấn Thành ôm Angela Phương Trinh trong một tiết mục tại Ơn giời! Cậu đây rồi.
Tuy nở rộ các chương trình hài như vậy, nhưng chất lượng các gameshow này ngày càng “hên xui”. Đơn cử như Thách thức danh hài, hai mùa đầu tiên tìm được rất nhiều gương mặt triển vọng với nhiều tiết mục gây sốt. Những gương mặt của hai mùa đầu như Lê Thị Dần, Lê Dương Bảo Lâm, Tuấn Kiệt,… đều trở thành những cái tên được chú ý và khán giả yêu mến.
Tuy nhiên, bước sang đến mùa 3, quán quân của Thách thức danh hài lại là cái tên bị phản đối nhiều nhất vì “nhạt”.
Chưa kể đến việc dùng từ ngữ nhạy cảm hay việc gọi vợ là “nó”, trường hợp của “hot boy” Tấn Lợi khiến nhiều người cho rằng, chất lượng của Thách thức danh hài đang đi xuống do chất lượng thí sinh không còn được như trước.
Ơn giời! Cậu đây rồi cũng vướng phải nhiều lùm xùm dù hội tụ không ít gương mặt lớn trong làng hài cả nước. Các trưởng phòng nhiều mùa gần đây như Trấn Thành, Tự Long,… bị khán giả phản đối vì có những màn diễn tung hứng quá đà thậm chí bị cho là phản cảm.
Trấn Thành từng không ít lần “đè ngửa” bạn diễn nữ ra sân khấu. Trong khi đó, Tự Long còn cắn cả đồng nghiệp xinh đẹp khi quá “hưng phấn” trong những tiết mục.
Trường Giang cũng không là ngoại lệ khi có nhiều lần “cưỡng hôn” các bạn diễn nữ trên sân khấu Ơn giời. Những “nạn nhân” của Trường Giang phải kể đến như Kim Tuyến, Angela Phương Trinh, Vân Trang,...
Thúy Nga trong một tiết mục hài trên truyền hình.
Thực trạng càng chương trình hài ngày càng nhảm và “xuống cấp” khiến nhiều khán giả phản đối. “Nói thật là chán và ngán với mấy cái chương trình hài thế này. Hài thì không ra hài, bi không ra bi, "khùng" cũng chẳng phải. Tạm gọi làm chương trình "tạp" vậy. Người thi thì lố, nhưng chưa bằng mấy ông bà "giám khảo". Cho khán giả "ăn" hoài thế này thì phản tác dụng”, khán giả Nguyễn Tí nhận định.
“Một khi cứ để hài nhảm, tầm phào... đã, đang có nguy cơ lấn át giờ phát sóng trên TV - nghĩa là mặc nhiên chúng ta thừa nhận văn hóa nghệ thuật của cả nước chỉ có chừng đó thôi sao? Vậy là xuống cấp rồi. Khán thính giả biết đó. Nhưng nói ai nghe? Mà đã nói nhiều rồi vẫn vậy - ồ ạt thêm thì có!”, khán giả Trần Quang Dịnh bình luận.
Các danh hài nói gì?
Danh hài Chiến Thắng cho rằng, việc các nghệ sĩ dùng những chuyện đời tư, những từ ngữ có phần thiếu tiết chế trong các gameshow truyền hình là điều hoàn toàn có thể hiểu được.
“Việc dùng những từ ngữ lóng, dân dã,… trong các tiết mục hài trên truyền hình dễ gây cười với khán giả bởi vì nó gần gũi, thông tục,… Tuy nhiên, việc các tiết mục hài quá lạm dụng điều này cũng khiến những khán giả khó tính không hài lòng”, Chiến Thắng nói.
Theo danh hài Nói xấu vợ, các tiết mục hài trong các gameshow truyền hình cần được chăm chút và đầu tư hơn nữa để tránh mang “tiếng xấu”.
“Tôi nghĩ rằng, mỗi khi lên sân khấu người nghệ sĩ hài cần phải cân nhắc từ ngữ, hành động lắm. Vì khán giả truyền hình rất rộng lớn và thuộc nhiều lứa tuổi. Chỉ cần thiếu tiết chế là sẽ bị ảnh hưởng đến hình ảnh của người nghệ sĩ ngay”, Chiến Thắng giãi bày.
Chiến Thắng cho rằng các nghệ sĩ cần tiết chế để các tiết mục hài không bị mang "tiếng xấu".
Quang Tèo thì cho rằng, các gameshow hài nhảm gắn liền với tên tuổi các đồng nghiệp của anh nên anh không muốn nhắc đến đề này vì dễ ảnh hưởng đến tình cảm, “anh em khó nhìn nhau”.
“Chúng tôi là đồng nghiệp, cứ đi nhận xét nhau thì lúc gặp gỡ tại các show diễn khó nhìn mặt lắm Tuy nhiên, theo tôi, việc diễn hài nhảm, dùng nhiều từ ngữ, hành động thiếu tiết chế cần phải được chấn chỉnh. Nếu vi phạm quá đà thì phải có cơ chế xử lí, thậm chí là dùng đến pháp luật. Các giám khảo phải điều tiết, có tiếng nói để các thí sinh không đi quá giới hạn”, Quang Tèo tâm sự.
Nghệ sĩ Xuân Hương dùng từ “kinh hoàng” để nói về mật độ dày đặc của các game show hài đổ bộ trên truyền hình. Theo chị, trên tivi đưa những game show không biết phục vụ cho khán giả cái gì. Giải trí không, thỏa mãn nghệ thuật càng không. Chỉ thấy uốn éo, "đè nhau" ra sàn hôn.... Có nhiều giải thưởng trao khiên cưỡng làm người trong nghề nhụt chí.
"Để trả lời cho câu hỏi "do đâu mà tạo nên cớ sự" tôi xin đưa ra thiển ý của mình, rằng sở dĩ có những chuyện như vậy, đầu tiên là do trình độ và nhận thức của người diễn viên.
Có những người có tâm với nghề, muốn tìm tòi cái hay, cái mới thì cũng có những người trình độ chỉ đến một mức nào đó và đơn giản làm nghề chỉ vì muốn kiếm tiền và kiếm danh nên họ khá dễ dãi với tiếng cười. Họ chẳng quan tâm nghề của mình tác động tích cực hay tiêu cực đến khán giả mà đơn thuần xem đó là một công cụ kiếm tiền", nghệ sĩ Xuân Hương nói.
Diễn viên hài Minh Nhí, thầy của nhiều nghệ sĩ đã thành danh như Việt Hương, Thúy Nga, Tiết Cương, Quốc Thuận,… cũng bày tỏ nhiều suy nghĩ khi việc hài nhảm, tục ngày càng tràn lan.
“Bây giờ gameshow, chương trình nhiều quá, đến mức tôi có cảm tưởng lấy chiếc rổ quơ một cái là hốt được cả triệu quán quân từ các cuộc thi. Tuy nhiên, tôi không cảm thấy khó chịu, chỉ là thích hay không thích thôi. Nếu không thích, tôi sẽ chuyển kênh”, Minh Nhí nói.
Trường Giang ôm chặt khiến Thủy Top sợ hãi trong một chương trình.
Nghệ sĩ Trung Dân thì lại cho rằng, việc đứng trên sân khấu không chỉ diễn cho khán giả, mà còn là diễn cho chính mình, nghệ sĩ phải làm sao giữ được uy tín, đạo đức nghề nghiệp của mình chứ không chỉ chăm chăm tìm cách "ép" tiếng cười của khán giả.
"Khi người nghệ sĩ đứng trên sân khấu, ngoài trách nhiệm, bổn phận thì nó còn là uy tín. Không chỉ uy tín của bản thân mà còn là uy tín nghề nghiệp", nam diễn viên hài gạo cội nói.
Tuy nhiên, ở chiều hướng ngược lại, danh hài nổi tiếng nhất đất Bắc – Xuân Hinh cho rằng, anh không quan trọng việc hài tục, hài nhảm bởi mỗi người có một chiều hướng suy nghĩ khác nhau.
“Dân dã, giản dị thì dễ gần. Còn “tục” hay không thì lại ở cái đầu người nghe tiếp nhận, nghĩ là “tục” thì nó là “tục”, nghĩ là “thanh” thì nó là “thanh”. Diễn hài cũng phải nói về chuyện “tục tục” thì mới vui. Tôi thấy nhiều người ở ngoài còn nói tục hơn nhiều so với các tác phẩm hài bây giờ đấy”, Xuân Hinh nhận định.
Mới đây, Trấn Thành chia sẻ những quan điểm, ý kiến xung quanh những tranh cãi về vấn đề hài nhảm, hài tục trên truyền hình. Về vấn đề những show hài nhảm đang ngày càng chiếm sóng với những tiết mục thiếu tiết chế, Trấn Thành thẳng thắn bày tỏ quan điểm rằng khán giả nếu không thích có thể tắt tivi. “Tôi xin phản bác những người nói rằng hài hiện nay là rẻ tiền vì đó là quơ đũa cả nắm. Bây giờ, truyền hình là của chung. Chúng ta có thể chọn lọc mà xem. Các bạn thấy cái nào nhảm nhí thì nên tắt tivi”, Trấn Thành đề cập thẳng vào vấn đề. Chưa dừng lại ở đó, Trấn Thành còn cho rằng điều gì dở sẽ bị đào thải, các chương trình hài hiện này đều có giá trị tinh thần, đem lại công ăn việc làm cho hằng trăm người: “Một chương trình hot mang đến nguồn thu cho nhà đài, nhà sản xuất, nghệ sĩ và hàng trăm nhân công thực hiện chương trình đó. Những gameshow nhảm nhí, không hợp số đông, chắc chắn bị tẩy chay lâu rồi”. "Dĩ nhiên gameshow có những cái không tốt, mất chất lượng, tôi xác nhận điều đó. Chúng ta nên bài trừ bằng cách đừng xem nữa. Còn những chương trình hấp dẫn, thú vị thì cứ xem. Và những chương trình không có người xem, mất rating thì tự động sẽ bị đào thải", Trấn Thành nói thêm. |