Sự thật về 'cô gái 100 triệu' khiến Trấn Thành quỳ lạy
Cô gái khiến nghệ sĩ hài Việt Hương ca ngợi là “của hiếm trời cho” và MC Trấn Thành phải quỳ lạy.
Sau tập 7 chương trình “Thách thức danh hài”, người chơi với nickname “phù thủy người Thái” Lê Thị Dần bỗng nổi lên như một hiện tượng khi chưa đầy 24 giờ, tiết mục của chị đã thu hút trên 1 triệu lượt xem trên YouTube và trên 25.000 lượt tương tác tại fanpage chương trình. Chúng tôi đã cuộc gặp gỡ với cô gái được coi là hiện tượng khiến nghệ sĩ hài Việt Hương ca ngợi là “của hiếm trời cho” và nghệ sĩ Trấn Thành lên tận sân khấu… quỳ lạy!
Chị Dần khiến Trấn Thành phải quỳ lạy. Ảnh: TL
Đã thoát nghèo… bền vững!
Chúng tôi liên lạc với Lê Thị Dần khi vợ chồng chị vừa trở về nhà sau những ngày vào TPHCM tham gia chương trình “Thách thức danh hài”. Giọng chị vẫn ăm ắp niềm vui khi hào hứng kể về hành trình hai vợ chồng bán chó bán lợn, cơm đùm cơm nắm lên đường thi đấu.
Được chia sẻ trực tiếp trên truyền hình, chi tiết “cô gái dân tộc” nghèo khổ đã gây sốt với dư luận. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, chị Dần khẳng định, hoàn cảnh gia đình 2 năm nay đã thoát nghèo… bền vững (cách dùng từ của chị - PV) và không quá khó khăn như mọi người hình dung.
Chị Dần tâm sự: “Lúc bước lên sân khấu, tôi không nghĩ mình sẽ kể lể mấy chuyện đó vì… ngượng lắm nhưng ở gần đồng bào dân tộc Thái, Mường nhiều năm, lời nói cứ bột phát tự nhiên như suối chảy. Thực chất, đời sống gia đình tôi đã đủ ăn, đủ mặc lúc đi thi nhà cũng bí tiền nên vợ chồng bàn nhau bán chó, bán lợn và nắm cơm đi đường vì sợ trong Nam đồ ăn hoặc nhỡ may bị “chặt chém” như “con” ti vi nói. Vào đến nơi, tôi thấy khác hẳn, người dân ở đây cởi mở, tốt bụng lắm”.
Chị cũng cho biết thêm, cách nhập vai của chị trong hình ảnh “cô gái dân tộc” mang bản sắc độc đáo của đồng bào thiểu số nơi mình sinh sống nhằm giới thiệu với mọi người và mong muốn bà con dân tộc ngoài sự mộc mạc, chân tình sẽ ngày càng năng nổ, chủ động đối diện với đời sống hơn.
Chị Lê Thị Dần chính gốc người Kinh, do nhà nghèo, lại đông con nên bố mẹ chị đã gồng gánh cả gia đình rời quê hương Thọ Xuân lên huyện miền núi Lang Chánh (tỉnh Thanh Hóa) sinh sống. Thuở chị gặp anh Hiếu (chồng chị - PV) và hai người quyết định lấy nhau đến một tấc đất cắm dùi cũng không có.
Trong khi vợ phải bươn chải đủ nghề, từ lên rừng lấy củi, buôn chuối, bốc vác, thợ may thì anh Hiếu trước khi chọn nghề cắt tóc giống chị bây giờ, chỉ là anh thợ mộc nghèo, những lần có việc đếm được trên đầu ngón tay.
Căn nhà của “cô gái 100 triệu” đang ở bây giờ có hình dạng hệt một… toa tàu với bề ngang hơn 2m và sâu vào trong núi. Chị Dần chia sẻ, miếng đất cỏn con ấy được mẹ chị cho. Để san lấp nền móng, dựng thành căn nhà đúng nghĩa, vợ chồng chị từng làm ngày, làm đêm, lo toan đến mất ăn, mất ngủ.
Trở về từ chương trình “Thách thức danh hài”, hầu như ngày nào nhà chị Dần, anh Hiếu cũng nhộn nhịp người ra vào hỏi han, chúc mừng. Chị bảo, trước lúc lên đường, hai vợ chồng cũng lo mọi người xung quanh biết mình bán chó, bán lợn sẽ “quở” cho là “máu” đi chơi. “Là tôi cứ lo xa vậy chứ khi về, thấy bà con vui mừng thì tôi thở phào phỏng đoán, họ chẳng nghĩ thế đâu”, chị nói. Vài năm nay, ngoài việc cắt tóc, nhận quần áo may thêm, chị Dần cũng đảm đương trách nhiệm “vác tù và hàng tổng” khi giữ chức chi hội trưởng hội phụ nữ xóm.
Chật vật mưu sinh giữa thị trấn miền núi heo hút, một ngày tính ra chỉ vài lượt khách cắt tóc nhưng từ khi anh Hiếu, chị Dần cưới nhau đến bây giờ đã có con gái học đại học, căn nhà nhỏ luôn rộn rã tiếng cười.
Nói về chồng, chị không giấu nổi niềm cảm động: “Tôi chưa từng thấy một người đàn ông nào sống tình cảm, tâm lý như thế. Khi tôi sinh con gái đầu lòng trong cảnh túng thiếu, anh động viên, gánh vác cho tôi rất nhiều. Sau này, khi thoát nghèo, chúng tôi quyết định sinh con thứ hai. Cháu bây giờ còn đi học mẫu giáo. Cũng có người trêu ghẹo chuyện nhà tôi chỉ toàn “vịt trời” nhưng nhìn vào mắt chồng, tôi thấy anh đang hạnh phúc và hết lòng chăm lo cho vợ con”.