Quốc Tuấn vật lộn chữa bệnh cho con với đồng lương 540 nghìn đồng một tháng
Hiện tại khi Hãng phim truyện Việt Nam đã được cổ phần, nam diễn viên "Người vác tù và hàng tổng" chia sẻ mức lương của mình chỉ còn lại 540 nghìn đồng một tháng.
Sau 15 năm đằng đẵng nuôi niềm hy vọng cùng con trai đi chữa bệnh ở nhiều quốc gia, giờ đây Quốc Tuấn đã có thể phần nào thở phào nhẹ nhõm. Nam diễn viên chia sẻ, ca phẫu thuật quan trọng cho bé Bôm đã thành công và chỉ còn đợi phẫu thuật thẩm mỹ cuối cùng. Niềm hạnh phúc càng nhân lên khi bé Bôm đỗ vào Học viện Âm nhạc. Đằng sau những niềm vui ấy anh lại phải trở về đối mặt với những bất công tại chính Hãng phim truyện Việt Nam - nơi anh từng coi như ngôi nhà thứ 2 của mình. Quốc Tuấn đã có những chia sẻ về chế độ đãi ngộ thấp không thể ngờ tới mà anh đã chịu đựng suốt nhiều năm qua để cùng con chữa bệnh.
- So với quá trình cổ phần hoá anh đánh giá thế nào về chế độ đãi ngộ của Hãng phim trong những năm qua?
- Theo tôi đó là một sự giật lùi, càng đến đời giám đốc sau Hãng phim ngày càng khủng khiếp. Tận cùng của sự khủng khiếp đó là khoảng thời gian 8 năm qua dưới thời quản lý của đạo diễn Vương Đức. Sự xuống cấp của Hãng phim chính là lý do mà tôi và các nghệ sĩ khác mong muốn được cổ phần.
- Cổ đông chiến lược của Hãng phim truyện Việt Nam hiện nay là một công ty về bất động sản tầm cỡ nhưng theo anh họ có đủ khả năng để vực dậy nền điện ảnh?
- Trước tiên tôi cũng không bình luận về việc họ xứng đáng hay không? Nhưng nếu họ có cái tâm làm nền nghệ thuật phim ảnh phát triển thì mới tôn trọng nghệ sĩ. Nhưng thực tế như những gì ông Chủ tịch Hội đồng quản trị phát biểu trong buổi họp báo tôi lại không thấy điều đó. Thứ họ đang làm là buôn phim chứ không phải làm nghệ thuật. Điều đó chắc chắn sẽ chẳng đi đến đâu cả và mức lương họ chi trả cho chúng tôi cũng chỉ như vậy.
- Là những nghệ sĩ đã gắn bó nhiều năm với Hãng phim nhưng lại cảm giác bị đối xử rẻ mạt, đã bao giờ anh và mọi người muốn nghỉ việc để giữ lòng tự trọng?
- Sức mạnh để nghệ sĩ chúng tôi chiến đấu chính là nhờ có tên tuổi, bao nhiêu năm nay vẫn thế, nên vấn đề mới dai dẳng cho đến ngày hôm nay. Tôi thú thật đồng lương ở Hãng không đủ để tồn tại. Chúng tôi đấu tranh là để giữ danh dự, chứ đồng lương ban đầu họ hứa hẹn là hơn 4 triệu đồng - mà thực tế tôi nhận chỉ có 540 nghìn đồng - rất khó sống ở Hà Nội chứ đừng nói là lo được cho gia đình. Thật ra khi đến nước này nghệ sĩ ai cũng muốn bỏ đi, mỗi người đều có ý định của riêng. Nhưng linh hồn của một hãng phim chính là nghệ sĩ, người ta gây ức chế là để mình bỏ, nếu chúng tôi buông bỏ lúc này là đúng ý của họ
- Phải nuôi con đấu tranh với bệnh tật suốt nhiều năm qua tốn kém không ít tiền của anh đã xoay sở cuộc sống thế nào với đồng lương thấp như thế?
- Hơn 14 năm qua vì con tôi đã làm rất nhiều việc, cái gì kiếm được là tôi nhận hết nhưng dù làm gì tôi vẫn phải giữ bộ mặt và tên tuổi của mình. Chuyện nghệ sĩ bán phở hay chạy xe ôm như anh Chí Trung là cá biệt, cả giới chẳng ai can đảm được như anh ấy cả và người ta hay lấy ví dụ đó để chụp mũ cả một tập thể, trong khi đó chỉ là một trường hợp phán ánh giai đoạn khó khăn cụ thể.
Không chỉ riêng tôi mà tất cả các anh chị em khác đều rất là khổ, ngày xưa Hãng phim giống như ngôi nhà thứ hai, giờ không còn là như vậy nữa. Ai cũng khổ, dù có tâm đến mấy cũng chán nản. Thôi cứ động viên nhau cố thành một khối, giờ tìm được người lành nghề không hề đơn giản Chúng tôi nghỉ Hãng cũng có thể tuyển ngay các bạn trẻ được đào tạo tốt nhưng để họ trở thành một nghệ sĩ rất khó.
Nam diễn viên Quốc Tuấn chia sẻ những bức xúc sau buổi họp báo với ban lãnh đạo hãng phim truyện Việt Nam
- Trong buổi gặp gỡ báo chí mới đây của các nghệ sĩ trong Hãng phim, diễn viên Minh Châu nói rằng biến không gian ở đây thành quán ốc, quán phở là sự sỉ nhục. Anh nghĩ sao?
- Đó thực sự là một sự sỉ nhục. Cứ cho là có thể dùng tiền cho thuê mặt bằng để trả lương chúng tôi nhưng cho đến giờ lương vẫn không trả. Những người lãnh đạo đang sỉ nhục bằng cách ứng xử một cách rất xúc phạm chúng tôi. Cổ đông suốt ngày kêu không có tiền, rồi nói nghệ sĩ không lao động nên tiền lương chỉ có vậy thôi. Còn bây giờ họ định hướng theo kiểu buôn phim chúng tôi nhất quyết không làm. Nghệ sĩ được đào tạo mất bao năm trời không phải để làm những việc phi nghệ thuật như vậy.
- Đấu tranh như vậy anh có sợ mình và các đồng nghiệp bị o ép không?
- Việc các nghệ sĩ chúng tôi đứng lên đấu tranh cũng chỉ là bột phát theo cảm xúc chứ không có kế hoạch định trước nhưng bọn tôi có lợi thế hơn vì được công chúng yêu mến, ủng hộ. Nhưng nếu mọi chuyện cứ căng lên thì cùng cũng chẳng đi đến đâu. Chắc chắn chính chúng tôi khi đấu tranh cho quyền lợi sẽ bị o ép. Bạn bè tôi cũng đặt ra nhiều tình huống, nhưng đến lúc này tôi chẳng có đường lùi thì không còn gì phải sợ nữa. Lương cũng chỉ còn 540 nghìn một tháng thì tôi cũng không còn gì để mất. Tất cả sự cố gắng của chúng tôi là để giữ lại tình cảm cho nhau.
- Thời gian gần đây người hâm mộ không còn thấy anh xuất hiện nhiều như trước, có phải anh đã hết đam mê dành cho điện ảnh?
- Việc gia đình khiến tôi bận bịu trông cháu nên cũng bị phân tâm nhiều không có thời gian dành cho nghệ thuật. Hơn nữa 8 năm rồi anh em chúng tôi cũng chán nản vì không có cơ hội được làm phim. Nhưng cho đến giờ tôi vẫn còn rất nhiều cảm hứng, vẫn thèm được làm phim. Việc đi kiếm kịch bản, xin việc làm là vai trò của phòng maketing vì bản thân nghệ sĩ chúng tôi không được đào tạo để làm nhưng công việc liên hệ khách hàng tìm hợp đồng như họ được.
Còn nói về chuyện vắng bóng trên màn ảnh, tôi cũng rất muốn tham gia diễn nhưng phần vì bận phần vì các đạo diễn bây giờ rất ngại mời do tôi không chỉ là diễn viên mà còn là đạo diễn nữa. Tôi cũng thông cảm cho họ khi không thích cảm giác bị người khác soi nghề nhưng riêng cá nhân tôi lại rất thích mời các diễn viên, đạo diễn khác tham gia phim của mình.