Quang Dũng: "Tôi thuộc 500 bài hát của Trịnh Công Sơn"
"Tôi thuộc làu, nhắc đến bài nào tôi cũng có thể hát. Có lẽ đó là một tình yêu đầy tự nhiên".
1.4 năm nay đánh dấu 15 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Để tưởng nhớ ông, chúng tôi có cuộc trò chuyện với Quang Dũng - nam ca sĩ được đánh giá hát nhạc Trịnh thế hệ sau thành công nhất.
Nam ca sĩ Quang Dũng.
Nam ca sĩ Còn ta với nồng nàn chia sẻ về những kỉ niệm với người nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh. Anh cũng bày tỏ quan điểm xung quanh chương trình Thần tượng Bolero đang gây tranh cãi.
Bolero không phải nhạc sến
- Đã 2 năm kể từ album gần nhất của anh - "Những gì còn lại" - ra mắt. Thời gian gần đây, anh đang tập trung cho sản phẩm nào mới mà im ắng quá vậy?
Tôi đang rất bận rộn chuẩn bị cho những dự án sắp tới, xong lại phải hoàn thành show diễn đã định trước từ trong năm. Vừa đi hát vừa làm show nên thành ra từ đầu năm tôi đã rất tất bật rồi.
- Thời gian qua, anh gây chú ý với vai trò mới trong "Thần tượng Bolero". Với anh, công việc làm huấn luyện viên có điều gì mới mẻ và hấp dẫn so với việc đi hát bấy lâu?
Tôi hơi buồn vì mình nhận lời quá muộn. Bao nhiêu năm qua, mọi người mời nhưng tôi cứ ngại ngùng, rụt rè. Khi tham gia Thần tượng Bolero, chính tôi cũng thấy bất ngờ với bản thân mình bởi ở đó có sự hào hứng khiến tôi rất vui.
Tôi đang tự nghĩ: Tại sao mình không nhận lời làm huấn luyện viên từ sớm hơn, bây giờ nhận thì có muộn hay không?
- Nhiều người từ vẫn có định kiến về nhạc bolero là “nhạc sến”, anh có ý kiến gì về quan điểm này?
Thật ra, tôi muốn khẳng định một điều là nhạc bolero không phải nhạc sến đâu. Sến hay không là do người trình bày, bản hòa âm. Nếu mình hát sang thì bài hát sẽ sang, còn mình hát trữ tình thì cũng ra trữ tình thôi. Sự sướt mướt, luyến láy nhiều quá khiến nhiều người cho rằng nó sến thôi.
4 huấn luyện viên của "Thần tượng Bolero".
- Nổi tiếng với nhạc Trịnh, nhạc Phạm Duy,… mà lại làm huấn luyện viên của một chương trình thiên về bolero, anh thấy sao?
Tôi thấy không có trở ngại gì đâu. Âm nhạc không biên giới và không phân biệt gì cả, chỉ nói lên tâm tư, cảm xúc của người nghe và người hát. Chính vì thế, bất cứ dòng nhạc nào đó đều có sự rất tự nhiên bộc phát ra.
Kể cả bạn có nghe một bài hát nhạc nước ngoài, ví dụ như nhac Ấn Độ hay Tây Ban Nha,… nhưng bạn vẫn có thể cảm nhận nó. Âm nhạc không biên giới là như vậy. Khi tôi làm huấn luyện viên, chọn các thí sinh rồi góp ý các tiết mục cho các bạn ấy, điều đó không có gì khó khăn.
- Thời gian gần đây, nổi lên tranh cãi cho rằng, chương trình "Thần tượng Bolero" như một nổi lẩu thập cẩm vì có quá nhiều ca khúc không phải bolero ví dụ như nhạc Trịnh, nhạc Ngô Thụy Miên. Là huấn luyện viên ngồi "ghế nóng", anh giải thích thế nào?
Tất cả 4 huấn luyện viên trong Thần tượng Bolero đều làm theo tiêu chí của ban tổ chức. Bài vở phải qua duyệt của ban tổ chức chứ không phải do chúng tôi hoàn toàn quyết định. Tiêu chí của Thần tượng Bolero là tìm một người xứng đáng nhưng phải có sự đa dạng. Đa dạng là như thế nào, là bạn có thể hát nhanh được, chậm được, hát trữ tình được và cũng phải hát được cả dân ca.
Thí sinh phải hát được đa phong cách: trữ tình quê hương, trữ tình dân ca và trữ tình có tiết tấu. Mọi người vẫn hay nhầm lẫn bolero phải hát nguyên bolero thôi. Nếu như vậy sẽ rất nặng nề và nhàm chán.
Quang Dũng tự nhận mình là người có học trò muộn, nhưng điều đó cũng là duyên số.
Thuộc làu 500 bài hát của Trịnh Công Sơn
- Trong 20 năm ca hát, nhạc Trịnh có vai trò như thế nào trong con đường âm nhạc anh đã đi qua?
Trước tiên, tôi phải khẳng định âm nhạc Trịnh Công Sơn là thứ âm nhạc rất giá trị của Việt Nam. Nó được mọi người yêu mến, trân trọng, có sự lan tỏa mọi vùng miền, từ thành thị đến thôn quê. Còn với riêng tôi, đó là những tác phẩm đã cho tôi hạnh phúc.
- Hồi tưởng lại quá khứ, anh đã bén duyên với nhạc Trịnh như thế nào?
Khi mới vào Sài Gòn, tôi có may mắn được gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ rất sớm và được nhạc sĩ hướng dẫn những bài hát đầu tiên. Thời đó, khi đi hát cùng với Hồng Ngọc, tôi và cô ấy thường xuyên tìm đến nhà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để đàn hát. Hồi đó ở nhà ông thường xuyên có các nhạc sĩ trong câu lạc bộ như nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Thanh Tùng, Bảo Phúc,.. lui tới.
Khi ấy, tôi là một thí sinh mới vào TP.HCM và đăng kí tham gia các cuộc thi, đến khi gặp các nhạc sĩ lớn như vậy thì run lắm. Mà hồi đó tôi hát nhiều lắm, mỗi ngày hát đến mấy tiếng đồng hồ, hết bài này đến bài kia. Hát xong được mọi người góp ý: “chỗ này hát chưa hay”, “chỗ này lên chưa tới”, “chỗ này hát bị phô”. Tôi hãnh diện nhưng cũng vì những câu góp ý như vậy mà hoang mang và lo lắng lắm.
Quang Dũng và đàn chị Khánh Ly.
- Thời điểm mới vào Sài Gòn, anh gặp nhiều khó khăn trong việc tìm chỗ đứng. Liệu có thể nói, nhạc Trịnh đã giúp anh “cất cánh”?
Tôi không dám tự nhận như vậy. Tôi chỉ có thể nói, tôi là người quá yêu âm nhạc Trịnh Công Sơn, từ bé đã thuộc 500 bài hát của ông. Tôi thuộc làu, nhắc đến bài nào tôi cũng đều có thể hát được bài đó dù có thể tôi không thuộc hoàn toàn. Có lẽ rằng đó là một tình yêu đầy tự nhiên.
- Thời mới vào nghề và bây giờ, anh hát nhạc Trịnh khác nhau như thế nào?
Hồi mới vào nghề, tôi hát non nớt, chưa đủ tới. Đến hôm nay thì tôi già dặn quá rồi, đi hát hơn 20 năm nên tôi cũng có những tư duy khác. Lớn tuổi hơn thì giọng hát cũng chín chắn hơn nhiều. Tôi cho rằng, những từng trải, trúc trắc trong cuộc đời một người đàn ông hay phụ nữ đều làm cho tâm hồn của mình chín chắn hơn, từ đó mà hát sẽ sâu sắc hơn.
- Một album về nhạc Trịnh là điều mà những người hâm mộ anh đang chờ, sau đêm nhạc "Đường xa vặn dặm" hát chung với Khánh Ly và Hồng Nhung. Anh có ý định sẽ đáp ứng sự chờ đợi đó hay thôi?
Thời gian này tôi rất bận bởi phải chuẩn bị cho dự án âm nhạc trong năm 2016. Tôi hi vọng khán giả hãy cố gắng chờ đợi một thời gian ngắn nữa thôi, tôi sẽ bật mí, và chắc chắn sẽ có những tác phẩm Trịnh ca.