"Ông nội quốc dân" phải viết giấy cam đoan mới lấy được vợ kém 14 tuổi
Dường như những khổ cực, yêu thương từng trải qua trong cuộc đời chính là những chất liệu chân thực nhất để nghệ sĩ Hồng Chương lấy đi nước mắt của khán giả qua những vai diễn trên màn ảnh.
Khán giả Việt từ lâu đã thân thuộc với hình ảnh một ông già râu tóc bạc phơ, dáng người quắc thước, giọng nói trầm ấm, gương mặt phúc hậu xuất hiện trên nhiều bộ phim truyền hình. Đó chính là diễn viên Hồng Chương, một trong những gương mặt gạo cội của điện ảnh Việt Nam. Luôn thường trực với nụ cười hiền hậu, diễn viên Hồng Chương đem lại cho khán giả cảm giác gần gũi và phóng khoáng, dù cách nhau đến cả vài thế hệ.
Cuộc đời truân chuyên ít ai biết đến của nam diễn viên chuyên đóng vai ông nội
Nghệ sĩ Hồng Chương sinh năm 1934, người làng Hoàng Mai, Hà Nội. Ông là người con thứ 5 trong gia đình 6 anh chị em. Khi Hồng Chương lên 3 tuổi thì cha mất, 5 tuổi mẹ cũng qua đời. Người cô ruột không lấy chồng đón các cháu về nuôi. Nhà nghệ sĩ Hồng Chương nằm sâu trong một con ngõ nhỏ trên phố Gốc Đề, quận Hoàng Mai. Dù phải đi qua nhiều ngõ ngách nhưng ngôi nhà cao tầng có giàn hoa lan bên trong cái cổng ngót 100 tuổi không khó tìm đối với những vị khách lần đầu ghé thăm.
Ở tuổi 83, nghệ sĩ Hồng Chương từng thủ vai hàng trăm nhân vật, từ sân khấu, điện ảnh đến truyền hình, ở nhiều dạng khác nhau, khi thì là một ông lão ăn mày, lúc lại trở thành một ông cố đáng kính trong gia tộc. Ông vừa nhâm nhi chén trà vừa chia sẻ: "Tôi đóng nhiều phim nhiều quá, cho tới giờ tuổi già lúc nhớ lúc quên nên nhiều vai diễn chính mình đóng nhưng cũng không còn nhớ rõ".
Hồi tưởng lại ngày trước khi còn là cậu thanh niên mê văn nghệ, mê sân khấu, ông cảm khái cho biết, ông tự mày mò học vì làm gì có tiền. Dù nghèo nhưng trời phú cho nghệ sĩ Hồng Chương cái tài bắt chước rất nhanh, thể loại nào cũng chỉ cần nghe được một lần là hát theo được gần giống.
Đến với nghệ thuật như một cái duyên tình cờ, nghệ sĩ Hồng Chương kể lại: "Thời kỳ chiến tranh tôi tham gia thanh niên xung phong làm đường sắt trên Lào Cai rồi thi đỗ cao đẳng nghệ thuật. Khi ấy Việt Nam còn chưa có trường Đại học Sân khấu Điện ảnh nên chúng tôi là khóa đầu tiên của trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh".
Nghệ sĩ Hồng Chương cùng người bạn là cố nghệ sĩ Văn Hiệp.
Cùng khóa với ông là rất nhiều nghệ sĩ thành danh sau này như Thế Anh, Trà Giang, Lâm Tới và cố nghệ sĩ Văn Hiệp. Trong những tháng ngày bom đạn ấy, văn nghệ như một món ăn tinh thần lớn nhất, không màng đến tuổi tác, địa vị, giới tính.
Trúng tuyển vào trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh, Hồng Chương được nhà nước cử đi học văn nghệ nhưng lúc đó ông lại phải đứng giữa 2 lựa chọn một là ở lại làm đường sắt hai là đi học sẽ mất hết công lao phấn đấu suốt 4 năm trời khi đã gần lên chức quản đốc.
Cuối cùng chàng thanh niên quyết tâm đánh đổi tất cả để theo đuổi đam mê. Nghệ sĩ Hồng Chương nhớ lại: "Ngày đó tôi say sưa sống chết vì nghệ thuật dù nghèo lắm. Khi ấy đi học nhà nước chỉ cho 31 nghìn tiền học cộng tiền ăn một tháng rồi lặn lội đi học từ Trần Phú chạy xuống tận Cầu Giấy mà chẳng nản lòng. Vững tin vào chủ nghĩa duy tâm ở hiền sẽ gặp lành, gieo gió gặt bão, nhân nào quả nấy nên tôi vẫn tin mình sẽ có thành quả".
Thế rồi những vai diễn đầu tiên cũng đến với Hồng Chương khi ông học năm thứ 3. "Khi ấy tôi đóng phụ đó là vai chạy cờ, ném quả còn rồi đánh vật trong "Vợ Chồng A Phủ", rồi phim "Vĩ Tuyến 17 ngày và đêm" được chạy nọ chạy kia", ông kể lại.
Sau giải phóng miền Nam nghệ sĩ Hồng Chương được biết đến nhiều hơn khi nhận được lời mời đóng nhiều phim. Lúc đó ông đã bắt đầu bước sang tuổi trung nhiên nhưng không hiểu nhân duyên thế nào lại khiến các đạo diễn cứ tìm đến làm việc.
Người nghệ sĩ già hóm hỉnh nói về sự nghiệp diễn xuất: "Cứ vai nào chết thì mình lại được nhận, chết 7-8 lần, cả cả 2 mộ rồi. Nhiều người vẫn tưởng rằng tôi chết thật, gặp ngoài đường còn hỏi con cháu khóc to lắm có đám ma cơ mà. Nhưng tôi vẫn sống thế mới vui. Nhà nước không phong danh hiệu thì cũng chả sao, mình được khán giả nhớ rồi".
Nếu đối xử không đúng mực thì cũng phải bình tĩnh, tức giận là cơn gió lốc. Nhờ những câu ngạn ngữ mà sống lâu, nó cứ thấm vào tim.
Thấm nhuần triết lý sống từ những bậc ví nhân, cuộc sống của người nghệ sĩ già luôn tâm niệm sống không bon chen mà chỉ thu mình lại bên gia đình với những thú vui rất đỗi đời thường.
Dù hay được giao những nhân vật có số phậm bi kịch hay chết trên màn ảnh nhưng vai diễn mà nghệ sĩ Hồng Chương ấn tượng nhất suốt cuộc đời nghệ thuật chính là vai người chú của 3 quan tham trong phim "Đạo nhà", công chiếu cách đây nhiều năm. Ông bảo: “Trong bộ phim đó tôi vào vai một người mù nhưng lại giữ được đạo đức, còn hơn 3 nhân vật đứa cháu trong phim, sáng mắt mà tham quan luôn sách nhiễu, ức hiếp dân lành”.
Có những phim tâm đắc hơn nữa, nhưng lại là phim tốt nghiệp của một sinh viên ở trường Đại học sân khấu điện ảnh. Nghệ sĩ Hồng Chương trầm ngâm về vai diễn ấn tượng: "Lúc đến gặp tôi cậu sinh viên cũng thổ lộ nhà nghèo lắm không có nhiều tiền để gửi cát xê nhưng vẫn muốn nhờ tôi đóng vai người ăn mày nuôi một đứa trẻ. Đến giờ tôi cũng quên tên còn đĩa phim cũng biếu rồi. Nhưng có một kỷ niệm mà tôi vẫn nhớ mãi vì khi đó đóng vai ăn mày người qua đường cứ thưởng thật, ai nấy đi qua lại cúi xuống cho tiền. Người 5 nghìn người 10 nghìn đầy cả 1 nón. Họ tới nhiều đến mức cậu quay phim còn quát lên đuổi đi nhưng tôi bảo giữ nguyên cho cảnh quay tự nhiên. Đến cuối buổi đếm lại người ta cho hẳn 200-300 nghìn - lúc bấy giờ to lắm. Hôm đó cả đoàn được một bữa liên hoan chỉ nhờ cảnh quay tôi gục đầu xuống nón".
Nhắc đến kỷ niệm vui là vậy nhưng khi nói về tiền người nghệ sĩ già lại rất khảng khái: "Nếu chỉ sống bằng tiền thì không thể làm nghệ thuật được. Trong đời làm diễn viên của tôi có không ít lần tôi bị ăn chặn tiền cát xê mà lần nào tôi cũng biết cả. Nhưng trong tâm tôi luôn tâm niệm về chữ thiện nên cũng chỉ có chữ chỉ khuyên bảo nhẹ nhàng, dạy bài học về đời như với các con các cháu thôi. Cái gì cũng có luân lý của nó, đời có kẻ tốt người xấu chẳng tránh được nhưng cũng có những lần tôi được mấy cậu sinh viên làm phim đưa về tận nhà mới yên tâm. Những cậu ấy tiền không có nhưng rất có tâm. Đấy là những con người đáng thương, đáng yêu, tôi sống được nhờ những người tốt đẹp như thế".
Chuyện tình nhiều lời ra tiếng vào của người nghệ sĩ Hà Nội với cô thôn nữ kém 14 tuổi
Năm 1965, khi đó Hồng Chương theo đoàn về “chỉnh huấn” ở xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Trong những buổi lao động tập thể, Hồng Chương “mê như điếu đổ” cô nữ đội trưởng sản xuất thôn tên Trịnh Thị Mỹ. Nhưng khi ấy bà Mỹ mới lớn, ông Chương đã 32 tuổi nên ban đầu, bà có ý “chê” ông già quá.
Không chỉ vậy, công đoàn của cơ quan ông cũng phản đối vì sợ rằng trai Hà Nội lấy vợ ở quê dễ bề chia tay thì “khổ con gái nhà người ta”. Chính gia đình bà Mỹ không tin vào sự chung thủy của kẻ vốn mang nghề “xướng ca vô loài” nên cũng phản đối kịch liệt. Thậm chí, người chú ruột của bà Mỹ còn nghi ngờ Hồng Chương đã có vợ ở quê nhà.
Nghệ sĩ Hồng Chương và vợ.
Cuộc sống của vợ chồng nghệ sĩ Hồng Chương trải qua không ít những vất vả nhưng rất hạnh phúc, dù cả 2 vợ chồng có những sự khác biệt trong nghề nghiệp và tính cách. Hồng Chương là người khá dễ tính, xuề xòa, hay “thông cảm” cho người khác kể cả trong việc nhà cửa nên tính bà Mỹ phải trở nên cẩn thận, tháo vát bù lại để thu vén cho gia đình.
Khi có người chồng là nghệ sĩ phải xa nhà đi diễn, thậm chí mấy tháng trời vào tận chiến trường miền Nam, mọi việc ở nhà bà Mỹ lo toan chu đáo dù sức khỏe của bà không được tốt.
"Rào cản thì lớn nhưng lúc lấy rất đơn giản, hơn bà 14 tuổi lại là văn công sơ tán, bà con thương thấy tôi mồ côi bố mẹ nên vun vào cho lấy vợ ở làng. Hỏi vợ hồi đấy khó khăn làm gì có cỗ, có thịt gà. Nhiều người bảo dại khi mình là cán bộ lại lấy vợ làm nông, nhưng đó là tình yêu. Vợ bắt tôi làm giấy cam đoan, lấy không được bỏ nhau. Tôi lấy vợ, đẻ con, sống với nhau đến đầu bạc răng long trong khi có người bỏ vợ suốt rồi theo đuổi cái phù phiếm" - Hồng Chương cười sảng khoái.
“Nhiều khi ra đường khán giả chạy đến hỏi: “Tôi tưởng ông chết mấy lần trên tivi rồi hóa ra ông vẫn còn sống“, nghệ...