NSND Thanh Tòng - Một đời giữ nhân cách nghệ sĩ
Khi nghe tin NSND Thanh Tòng đột ngột qua đời, rất nhiều nghệ sĩ đã nói về ông với sự kính trọng.
NSND Thanh Tòng (áo đỏ) qua đời ở tuổi 68 vì bạo bệnh sáng 22-9 đã để lại sự tiếc thương vô hạn trong giới nghệ sĩ.
Người tiên phong tạo lập cải lương tuồng cổ
Có sự tranh cãi và định kiến cho rằng cải lương Hồ Quảng của Việt Nam với rất nhiều tuồng Tàu là bắt chước kịch hát Hồ Quảng của Trung Quốc, là một loại hình nghệ thuật lai căng, không phải là nghệ thuật truyền thống mang tính dân tộc. Để xóa bỏ định kiến đó, khẳng định tính Việt của cải lương Việt Nam, những năm sau tháng 4-1975, lãnh đạo ngành văn hóa ở TP.HCM định hướng cho ra đời một loại hình cải lương mới thay thế cho cải lương Hồ Quảng, chuyên hát về lịch sử của Việt Nam, gọi là cải lương tuồng cổ.
Một trong những nghệ sĩ tiên phong có công lớn định hình cải lương tuồng cổ, làm nên sự thành công của loại hình nghệ thuật này là NSND Thanh Tòng. Bằng vốn nghề vũ đạo hát bội và cải lương tuồng Hồ Quảng dồi dào của một người con nhà nòi ba đời làm đoàn hát, ông là người góp công rất lớn tạo dựng nên những vở cải lương tuồng cổ vang bóng một thời như Tô Hiến Thành xử án, Câu thơ yên ngựa, Bão táp Nguyên Phong, Dưới cờ Tây Sơn, Dựng cờ cứu nước…
Nghệ sĩ Bạch Long, người có mặt bên cạnh nghệ sĩ Thanh Tòng từ năm 17 tuổi, xác nhận: “Cho dù trên mặt danh nghĩa chính thức có đứng tên ai dàn dựng đi nữa thì hậu trường sân khấu, anh Năm Thanh Tòng là người đã chỉ huy dàn dựng thực tế gần như tất cả vở cải lương tuồng cổ của Đoàn Minh Tơ. Anh Năm còn là người chấp bút chuyển thể cải lương cho nhiều kịch bản cải lương tuồng cổ của đoàn như Bão táp Nguyên Phong, Dưới cờ Tây Sơn, hay viết những vở sử Việt như Má hồng soi kiếm bạc, Dựng cờ cứu nước… Do đó công trạng của anh Năm Thanh Tòng với cải lương Việt Nam nói chung, cải lương tuồng cổ nói riêng là rất lớn”. Nghệ sĩ Kim Tử Long cũng nói rằng: “Tất cả nghệ sĩ cải lương tuồng cổ Việt Nam đều gọi NSND Thanh Tòng là sư phụ đầy kính trọng, nể phục. Ông góp phần rất lớn khẳng định cải lương tuồng cổ Việt Nam, cải lương lịch sử Việt Nam không lai căng”.
NSND Thanh Tòng là người góp công rất lớn tạo dựng nên những vở cải lương tuồng cổ vang bóng một thời. Ảnh: Hòa Bình
Giữ nhân cách nghệ sĩ
Hầu hết giới nghệ sĩ cải lương đều kính trọng NSND Thanh Tòng không chỉ về tài năng mà còn về nhân cách, đạo đức. Nghệ sĩ Bạch Long xúc động: “Là nghệ sĩ nổi tiếng mà cả đời anh không rượu chè, cờ bạc, bồ bịch gì; rất mực chung thủy, yêu thương vợ con. Thời trẻ có một cô con chủ ngân hàng rất lớn ở Sài Gòn kêu anh bỏ nghề rồi kết hôn với cổ. Vậy mà ảnh từ chối để giữ cái nghề của gia đình, giữ nhân cách người nghệ sĩ đi lên bằng tài năng, lao động của chính mình chứ không nhờ sự đổi chác nào khác”.
Tài nghệ của nghệ sĩ Thanh Tòng không chỉ đóng đinh cho ông với những vai diễn để đời như Lý Đạo Thành trong Câu thơ yên ngựa, Lữ Bố trong Phụng Nghi Đình, cậu Ba Tân trong Tô Ánh Nguyệt, Từ Hải trongKim Vân Kiều… mà ông còn để lại nhiều dấu ấn trong sự nghiệp đồng nghiệp. Ông là đồng tác giả kiêm đạo diễn vở cải lương Bích Vân cung kỳ án, tạo nên những vai diễn để đời cho các nghệ sĩ Trường Sơn - vai Bao Công, Tài Linh - Lý Thần phi, Bạch Long - Quách Hải Thọ…
Nghệ sĩ Trinh Trinh cho biết cách dạy diễn thế nào cho đúng về vũ đạo lẫn tâm lý nhân vật của ông luôn là những lời vàng ngọc để nghệ sĩ có những vai diễn xuất sắc, gây chú ý.
Nghệ sĩ Giỏi Tý, Ban Ái hữu nghệ sĩ TP.HCM, chia sẻ tình cảm của mình cũng là tình cảm chung của giới nghệ sĩ đối với cố NSND Thanh Tòng: “Anh Thanh Tòng là một nghệ sĩ lớn của giới cải lương. Anh tài năng thế nào, nhân cách thế nào chắc là cả giới lẫn Nhà nước đều công nhận bằng danh hiệu NSND chứ không cần tôi phải nói”.
NSND Thanh Tòng tên thật là Nguyễn Thanh Tòng, sinh năm 1948 tại Sài Gòn. Ông là con nhà nòi của dòng họ hát bội - cải lương Hồ Quảng - tuồng cổ nhiều đời Bầu Thắng - Minh Tơ với nhiều nghệ sĩ tiền bối nổi tiếng như các cậu ruột Khánh Hồng, Đức Phú, dì ruột và dượng là đôi nghệ sĩ Thành Tôn - Huỳnh Mai (cha mẹ các nghệ sĩ Bạch Lê, Bạch Long, Thành Lộc). Ông lên sân khấu từ lúc ba tuổi, sáu tuổi có vai diễn riêng cho mình, 11 tuổi được báo chí phong tặng “thần đồng sân khấu” khi diễn tại đoàn Đồng ấu Minh Tơ do cha mình sáng lập. Khi cha mất, ông là nghệ sĩ đầu đàn, dẫn dắt những thế hệ nghệ sĩ cải lương Hồ Quảng, cải lương tuồng cổ nối tiếp gồm nhiều anh em, con cháu trong gia tộc.
Ngoài viết chung và dàn dựng nhiều vở cải lương tuồng cổ Hồ Quảng nổi tiếng như đã kể, ông là tác giả, đạo diễn những vở cải lương Hồ Quảng quen thuộc như Lưu Bị cầu hôn Giang Tả, Trảm Trịnh Ân, Mã Siêu báo phu cừu, Thần nữ dâng ngũ linh kỳ, Xử án Bàng Quý Phi…
__________________________________
NSND Thanh Tòng mất lúc 10 giờ ngày 22-9 vì bệnh tim. Tang lễ của NSND Thanh Tòng được tổ chức tại nhà riêng (số 12 đường số 26 khu dân cư Him Lam Trung Sơn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Lễ viếng bắt đầu từ 21 giờ ngày 22-9. Lễ động quan lúc 6 giờ 15 ngày 24-9, đưa đi an táng tại nghĩa trang hoa viên Gò Đen.